Đầu năm tranh cãi ‘cháy ô tô do xe xăng bị đổ nhầm dầu’, kỹ sư ô tô tiết lộ cách xử lý


Hình ảnh một chiếc xe ô tô đang bốc khói nghi ngút trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

“Chiều nay trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng em gặp cảnh này… xuống kính hỏi cụ chủ là: xe dầu đổ nhầm xăng đúng không? Cụ chủ mới ngớ người ra bảo hôm qua cho bạn mượn xe chắc đổ nhầm.

Tắt máy rút chìa không thể khiến cho máy tắt… xe quạt chả cho đến khi văng mọi ốc ác khỏi động cơ và khả năng cháy rất cao.Khi xăng đổ vào bình dầu, xăng nổi lên trên và cụ vẫn đi được cho đến khi dầu hết hẳn, xăng sẽ vào buồng đốt và với chỉ số tự kích nổ lớn hơn dầu, xăng sẽ khiến xe cụ nổ với tua máy khoảng 10.000-15.000 vòng/phút (với động cơ Methanol vòng tua lên 20k vòng/phút).

Ngay gần động cơ có một cái cốc tròn tròn… đó là lọc dầu, bóp cái khoá ống bằng thép và rút ống dẫn dầu ra khỏi cốc lọc… xe sẽ tắt máy sau khi hết dầu trong cốc.

Chia buồn với cụ chủ hôm nay là xe bị 15 phút em mới tới giúp nên động cơ của cụ sẽ phải đại tu lại…Nếu cụ biết thông tin này thì xe cụ sẽ bị hỏng nhẹ hơn… dù sao cũng còn may vì xe không bị thiêu rụi”.

Bài đăng của thành viên L.T.H nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Hàng chục nghìn lượt bày tỏ cảm xúc và bình luận, chia sẻ của các thành viên trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội.

Nhiều người bày tỏ cảm ơn chủ tút đã chia sẻ kinh nghiệm quý, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng nội dung xe cháy do đổ nhầm dầu cho xe chạy xăng là không chính xác. Luồng ý kiên này cho rằng không thể xảy ra trường hợp khi đổ nhầm xăng vào bình dầu của xe máy dầu mà động cơ máy chạy vòng tua lên tới 12.000 – 15.000 vòng/ phút và càng không thể có tình huống tắt máy, rút chìa khóa xe mà xe vẫn nổ máy.

Phóng viên Infonet đã trao đổi với kỹ sư Lê Văn Tạch, người có nhiều kinh nghiệm về động cơ ô tô về tình huống gây tranh cãi này.

Kỹ sư  Lê Văn Tạch cho biết: “khi đã rút chìa khóa điện thì nguồn điện bị ngắt, không khí không thể vào buồng đốt, động cơ sẽ dừng lại. Vì thế nếu nói đã rút chìa khóa điện mà động cơ vẫn nổ là điều vô lí”.

Thêm nữa, kỹ sư Lê Văn Tạch cũng chia sẻ, “chưa được chứng kiến trường hợp nào mà rút chìa khóa điện, tắt máy rồi mà động cơ vẫn hoạt động lại còn lên tới 15.000 vòng/phút. Thông thường, động cơ thiết kế tốc độ cao nhất cũng chỉ 7-8.000 vòng/phút mà thôi. Đặc trưng của xe động cơ xăng là kích nổ cao, có khi chưa tới tỷ số nén đó đã kích nổ rồi, thậm chí quay ngược lại chỉ có thể chết máy, chứ động cơ cứ quay mà không tắt được máy là điều không thể xảy ra”.

Đối với trường hợp không may đổ nhầm xăng vào xe máy dầu, xe vẫn có thể di chuyển thêm một quãng đường nữa trước khi dừng hẳn tùy thuộc vào lượng dầu còn lại trong bình là bao nhiêu. Động cơ sẽ rất ồn, yếu dần rồi tắt hẳn không khởi động lại được nữa.

Kỹ sư Tạch cho biết, cách xử lý là ngay khi phát hiện ra nhầm lẫn này, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ. Tiến hành hút sạch toàn bộ nhiên liệu bị đổ nhầm và trộn lẫn ra khỏi bình, sau đó dùng bơm cao áp để súc rửa tiếp. Sau khi làm sạch vòi phun, có thể khởi động lại động cơ cho chạy không tải từ 10-20 phút để kiểm tra. Nếu động cơ máy vẫn nổ như bình thường thì có thể yên tâm sử dụng. Nếu vẫn thấy có tiếng kêu bất thường từ động cơ thì tắt máy và đưa tới xưởng để kiểm tra toàn bộ lại.

Nếu trường hợp đổ nhầm dầu vào bình xăng, dầu nặng hơn nên sẽ lắng xuống và đi vào buồng đốt trước, khó cháy nên sẽ khó phát hiện ra hơn. Chỉ khi xe có dấu hiệu bị ì khi tải nặng hoặc lên dốc có thể gây bó máy, gãy tay biên… và xả khói đen là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Đối với những dòng xe đời mới có kim phun điện tử, tốt nhất nên xử lý bằng cách kiểm tra, vệ sinh giống như đổ nhầm xăng vào xe máy dầu để đảm bảo an toàn cho động cơ.



Nguồn : Source link