Cuộc đua gay cấn về tiện nghi và công nghệ giữa cặp đôi SUV Hàn, Nhật


Thực tế, phân khúc SUV cỡ trung có lẽ là chiến trường nóng bỏng nhất nếu nhìn mặt bằng thị trường toàn cầu hiện tại.

Không dưới 20 dòng tên có sức nặng tới từ mọi thương hiệu cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu với ngôi vương hiện tại thuộc về Toyota RAV4, tuy nhiên những ké bám đuổi dòng xe Nhật đang có những bước tiến lớn cả về chất lượng và thiết kế, trong đó phải kể đến Nissan X-Trail (tháng 6/2020) và Hyundai Tucson (tháng 9/2020).

Ngoại thất

Trong khi Elantra đời mới vẫn phần nào gây tranh cãi vì thiết kế quá rối rắm, Hyundai Tucson cũng như Ioniq 5 và Santa Cruz mới ra mắt thuộc nhóm được đánh giá cao hơn rất nhiều vì phong cách hiện đại, hiệu quả và không thiếu điểm mới lạ.

Tâm điểm Hyundai Tucson xuất hiện nay tại đầu xe với tản nhiệt hòa quyện với dàn đèn trước thành một thể. Tổng thể sắc sảo, thể thao và khỏe khoắn cũng giúp dòng xe Hàn ăn điểm, đặc biệt là khi trang bị mâm 19 inch trên bản Limited cao cấp. Bên cạnh đó, Hyundai cũng rất chú ý tới từng tiểu tiết nhỏ để đảm bảo không một khu vực nào trên Tucson đời mới gây nhàm chán.

Trong khi đó, Nissan X-Trail đời mới cũng có cá tính và điểm nhấn của riêng mình. Tản nhiệt V-Motion cách tân, cặp đèn pha sắc sảo nằm trên đèn sương mù mang kích thước khá lớn và phải nói hướng tiếp cận tách biệt này được thực hiện tốt trên chiếc SUV Nhật. Hông xe Nissan X-Trail nhìn đơn giản, gọn gàng hơn đối thủ, tương tự là đuôi xe – một cách tiếp cận an toàn do dòng xe này quyết định cực lớn tới tình hình tài chính của hãng trong giai đoạn vòng đời kế tiếp.

Kết luận: Hyundai Tucson chiếm ưu thế hơn một chút vì lối tiếp cận táo bạo mà hiệu quả.

Nội thất

Nội thất Hyundai Tucson cũng sở hữu nét sắc sảo, mạnh mẽ không kém bên ngoài nhờ thiết kế táp lô dạng tầng, chưa kể là khu vực này nối liền với 2 bên cửa tạo thành một thể thống nhất. Vô lăng 4 chấu khá lạ nhưng mang lại khả năng điều khiển thuận lợi nhất cho người dùng. Phần lớn chất liệu chế tạo nội thất đều cao cấp ở mọi phiên bản chẳng hạn nhôm và da.

Nếu phải kể tới điểm trừ, đó là dàn phím nhựa đen bên cạnh khu vực chuyển số và hệ thống thông tin giải trí nhìn khá rẻ tiền so với mặt bằng chung chưa kể khả năng dễ bám bẩn, đặc biệt là dấu vân tay của người dùng hiện lên khá rõ. Việc không có các nút/núm điều chỉnh cơ (Tucson dùng phím cảm ứng) cho âm lượng hay điều hòa cũng là một điểm trừ về độ thực tiễn.

Ghế ngồi Hyundai Tucson nằm ở nhóm tiện nghi tầm trung bình khá trong phân khúc khi hỗ trợ lưng và hông người dùng tốt trên quãng đường dài chưa kể khả năng ghi nhớ vị trí ngồi ưa thích. Tuy vậy, ghế trước cho chất lượng không thực sự cao khi lưng ghế không mang lại cảm giác sử dụng đệm tốt nhất. Ít nhất là ta không thể chê trách không gian bên trong cabin Tucson (rộng hơn X-Trail cho khu vực hành khách và tốt nhất phân khúc về dung tích khoang hành lý).

Về phần Nissan X-Trail, chiếc SUV Nhật vẫn sử dụng phím bấm nhựa đen nhưng không lưu lại dấu vân tay do là loại nhám thay vì dạng bóng. Việc điều khiển điều hòa và âm lượng vẫn là loại truyền thống lại là điểm cộng cho dòng tên này. Táp lô xe gọn gàng nhưng không mang lại cảm giác liền mạch với 2 bên như Tucson.

Ghế ngồi trên Nissan X-Trail cũng chiếm ưu thế hơn khi thương hiệu chủ quản sử dụng ghế Zero-Gravity mô phỏng trạng thái vô trọng lực cho các bản cao cấp và phải nói dòng ghế này mang lại một trong những trải nghiệm số 1 phân khúc hiện nay nếu không muốn nói là hàng đầu. Da bọc ghế và vô lăng không nổi bật nhưng không có gì để chê trách.

Dù tổng thể chật chội hơn đối thủ một chút, Nissan X-Trail có không gian để chân nhỉnh hơn cho hàng ghế trước trong khi các thông số hàng sau cũng nằm ở nhóm trên trong phân khúc.

Kết luận: Hòa – Tucson chiếm ưu thế về thiết kế và không gian trong khi X-Trail nhỉnh hơn về độ tiện nghi ghế ngồi và hệ thống điều khiển.

Khả năng vận hành

Hyundai Tucson sử dụng động cơ 2.4L 4 xy-lanh 187 mã lực, 237 Nm mô-men xoắn khi đi kèm với hộp số tự động 8 cấp tiêu chuẩn. Không thể nói động cơ mặc định này là mạnh mẽ khi thử nghiệm bước đầu tại nhiều thị trường cho thấy xe khá ì khi nhấn hết ga trong khi khả năng tăng tốc cũng như giữ tốc độ cao êm ái là khá kém. Phiên bản Hybrid 227 mã lực khắc phục phần nào đó những yếu điểm này.

Tuy vậy, trải nghiệm lái đằng sau vô lăng Hyundai Tucson vẫn đủ ấn tượng khi độ nhanh nhạy, năng động chỉ thua đúng Mazda CX-5 trong phân khúc cũng như phản hồi và độ nặng vô lăng được làm tốt (chưa kể vô lăng 4 chấu này vốn đã có điểm bám để người dùng đặt tay tốt). Hệ thống treo của xe cứng hơn các đối thủ một chút phần nào tạo trải nghiệm thể thao hơn – điểm mạnh với một số người dùng và điểm trừ của một số người dùng khác.

Trong khi đó, Nissan X-Trail ứng dụng hộp số CVT ghép cặp cùng động cơ 2.4L 4 xy-lanh 181 mã lực, 245 Nm – thông số một chín một mười với đối thủ. Dù thông số kém hơn một chút, Nissan X-Trail lại tận dụng tốt hơn những gì mình có khi vận hành ổn định cả ở tốc độ thấp và cao, chỉ hộp số có đôi chút dấu hiệu “biểu tình” khi người dùng nhấn hết ga.

Dù vậy, điểm mạnh của X-Trail cũng kết thúc tại đó khi trải nghiệm lái xe hoàn toàn phổ thông, không mang hơi hướm thể thao như đối thủ. Hệ thống treo của dòng SUV Nhật cũng được tinh chỉnh ưu tiên yếu tố êm ái – tiện nghi.

Kết luận: Hòa – mỗi xe nhắm tới một trải nghiệm lái khác nhau nên khó lòng so sánh trực tiếp được 2 bên trừ phi có một phía quá thụt lại và đây rõ ràng không phải trường hợp như vậy.

Công nghệ

Hyundai Tucson SE mặc định dùng màn cảm ứng 8 inch và hệ thống thông tin giải trí đời cũ. Bản Limited sử dụng màn 10,3 inch vừa lớn hơn, vừa có đồ họa sắc sảo hơn chưa kể giao diện người dùng cải tiến trực quan, dễ sử dụng hơn trước.

Chỉ với một vài thao tác quét và nhấn, người dùng có thể nhanh chóng kích hoạt Apple CarPlay hay Android Auto, tuy nhiên lại có một sạn khá lạ về mảng này là bản thường (8 inch) lại hỗ trợ kết nối không dây trong khi bản cao cấp bắt buộc người dùng phải cắm dây nối giữa thiết bị và xe để kích hoạt Apple CarPlay/Android Auto.

Bảng đồng hồ kỹ thuật số 10,3 inch phía sau vô lăng có thể tùy chỉnh một số dữ liệu hiển thị không quá đa dạng nhưng vẫn vừa đủ với người dùng phổ thông. Một số trang bị đáng tiền khác trên Hyundai Tucson có thể kể đến là bàn sạc điện thoại không dây hay khả năng dùng smartphone thay chìa khóa xe.

Nissan X-Trail, khi nói về công nghệ, bị đối thủ bỏ lại một chút khi ngay cả sau khi đã bỏ ra 1.320 USD mua gói trang bị Premium, người dùng cũng chỉ có thể nâng cấp màn từ 8 lên 9 inch. Thêm vào đó, xe chỉ hỗ trợ tốt Apple CarPlay không dây và Wi-Fi hotspot trong khi khả năng tương thích với Android Auto vẫn yêu cầu dây nối.

Màn 9 inch cao cấp của xe có thời gian phản hồi tốt, các chức năng đủ dùng nhưng độ tiện lợi, trực quan không thể bằng giao diện mới được cập nhật của Hyundai, thậm chí là có phần lỗi thời. Xe cũng chỉ có bảng đồng hồ kỹ thuật số 12,3 inch (và màn HUD) khi người dùng chọn cấu hình cao cấp nhất, các bản thấp hơn dùng đồng hồ truyền thống kết hợp một màn mini nằm giữa.

Kết luận: Hyundai Tucson thắng.

An toàn

Hyundai Tucson tiêu chuẩn sở hữu một số tính năng cơ bản như hỗ trợ giữ làn, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo va chạm trước hay cảnh báo người đi bộ. Phải tới bản Limited, chiếc SUV cỡ trung mới được tiếp cận các tính năng/trang bị cao cấp hơn chẳng hạn camera toàn cảnh, camera điểm mù hiển thị hình ảnh qua bảng đồng hồ kỹ thuật số, Cruise Control thông minh (Hyundai Highway Driving Assistant) hay cảnh báo xe đi tới khi người dùng mở cửa xe ra ngoài.

Trong khi đó, Nissan X-Trail sở hữu gói ProPilot khá đầy đủ với mức giá chỉ 1.320 USD ngay cả ở những phiên bản thấp. Do ProPilot đã có mặt trên thị trường nhiều năm, Nissan đã hoàn thiện hệ thống này tới mức gần như tối ưu trong đó nổi bật nhất là khả năng tự vận hành tiện lợi (tự giữ xe tại tâm làn, tự phanh về mức đứng yên khi cần thiết…) chỉ với 2 thao tác bật Cruise Control và bấm nút ProPilot.

Ngay cả khi không có ProPilot, dàn trang bị an toàn và hỗ trợ người lái mặc định trên Nissan X-Trail vẫn đa dạng hơn của Tucson chẳng hạn như phanh khẩn cấp tự động phía sau.

Kết luận: Nissan X-Trail thắng.

Giá bán

Biểu giá tham khảo của Hyundai Tucson khởi đầu ở 24.950 USD – thấp hơn đối thủ Nhật Bản 900 USD. So sánh 2 bản cao cấp nhất, Hyundai Tucson cũng rẻ hơn gần 1.000 USD (36.100 vs 37.030 USD). Xe không yêu cầu người dùng chi quá nhiều để sở hữu một dàn trang bị đầy đủ, tiện lợi.

Tuy vậy, trang bị của Nissan X-Trail ở mọi cấu hình ngang Tucson đều nhỉnh hơn một chút, chưa kể gói trang bị Premium có giá 1.320 USD vô cùng giá trị khi mang lại màn trung tâm 9 inch, Apple CarPlay, định vị tân tiến, radio vệ tinh, khả năng nhận diện biển báo, ProPilot Assist hỗ trợ tự lái thông minh, dàn loa Bose…

Kết luận: Nissan X-Trail nhỉnh hơn một chút.

Tổng quan

Ở lần lên đời mới nhất, cả Hyundai Tucson và Nissan X-Trail đều cho thấy mình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với Toyota RAV4 cho vị trí số 1 toàn cầu trong phân khúc.

Hyundai Tucson có cho mình những điểm mạnh riêng rất rõ ràng chẳng hạn như thiết kế và không gian nội thất, tuy nhiên Nissan X-Trail với lối tiếp cận an toàn làm tốt hơn trong mảng mang lại những giá trị cơ bản, cần thiết với người dùng.

Một điểm đặc biệt ở đây là điểm mạnh của Nissan X-Trail lại vô tình giúp người dùng toàn cầu có thêm một lựa chọn sáng giá khác đó là Outlander đời mới vừa ra mắt vào tháng 2/2021 sử dụng nguyên vẹn khung gầm và công nghệ của Nissan X-Trail nhưng với bộ khung cá tính riêng của Mitsubishi.

Tham khảo: Motor1



Nguồn : Source link