Chất lượng ô tô ngân hàng thanh lý có đáng tin?


Việc ngân hàng thanh lý các tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải trong nhiều năm qua đã là việc phổ biến. Những xe thanh lý này cũng được các khách hàng quan tâm vì mức giá rẻ hơn thị trường, đảm bảo về pháp lý và được chính ngân hàng bán sẵn sàng hỗ trợ mua trả góp.

Tuy nhiên việc rao bán xe của các ngân hàng sẽ được thực hiện mỗi nơi một khác. Có ngân hàng nêu rất chi tiết tình trạng chiếc xe sẽ được đấu giá. Ví dụ trong thông báo đăng tải trên web của một ngân hàng thương mại cổ phần, ngoài thông tin cơ bản là xe Mercerdes-Benz E300 màu trắng, sẽ có thêm số khung, số máy, biển kiểm soát, ngày cấp đăng ký xe, sẽ có thêm tình trạng hiện tại.

Một số ngân hàng đăng thông tin đấu giá thanh lý khá cụ thể

Với xe bị tai nạn, hư hỏng nặng, không kiểm tra được tình trạng hoạt động của động cơ, không đủ điều kiện lưu thông sẽ có giá khởi điểm từ 1,1 tỷ đồng. Mức giá này đang thấp hơn giá xe vận hành bình thường trên thị trường khoảng 800 triệu đồng.

Một chiếc Chevrolet Cruze được cấp đăng ký vào tháng 1/2018 với miêu tả đèn pha và đèn hậu bên phải bị nứt vỡ được ngân hàng này công bố đấu giá với mức khởi điểm từ 388 triệu đồng, thấp hơn thị trường 80 triệu đồng.

Nhưng một ngân hàng khác, có website rao bán tài sản chuyên nghiệp hơn lại chỉ đưa ra các thông tin khá chung chung. Các thông tin này chỉ gồm các công bố kỹ thuật của nhà sản xuất, số km đã sử dụng, thông tin liên lạc, thủ tục mua nhưng không bao gồm tình trạng hiện tại của xe.

Dù không có thông tin chi tiết nhưng khách hàng có thể cảm nhận được tình trạng bảo quản của xe qua ảnh.

Thông qua những hình ảnh được đăng tải, người mua có thể phần nào đánh giá được tình trạng, mức độ bảo quản của xe. Để có thông tin chi tiết hơn, người mua vẫn cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng.

Gần như toàn bộ các ngân hàng đều không công cố chiếc xe đã nằm trong bãi bao lâu.

Các ngân hàng cho biết, việc thu hồi, tổ chức đấu giá hoặc bán thanh lý trực tiếp các tài sản ô tô của họ đều được thực hiện đúng quy định pháp luật. Nhưng khách hàng khi mua những chiếc xe thanh lý này vẫn còn nhiều tâm lý lo ngại.

Với những người mua là cá nhân, việc họ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng xe là một trở ngại lớn. Khách hàng có thể trực tiếp xem xe trước khi quyết định có đấu giá hay không. Nhưng sau khi mua, ngân hàng không bảo hành cho chiếc xe của khách. Thực tế khi ngân hàng nhận thế chấp chiếc xe, ngân hàng chỉ giữ giấy tờ, việc sử dụng, vận hành hoàn toàn do chủ xe. Nhiều trường hợp khi ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo thì chiếc xe đã có sự cố.

Trong khi đó với các đơn vị kinh doanh xe cũ, việc tham gia đấu giá xe với đầy đủ các bước khiến họ tốn thêm chi phí và thời gian so với việc đi mua gom xe cũ từ người tiêu dùng.

Tại tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, một ngân hàng cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.

“Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng”.



Nguồn : Source link