Để cấu thành một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh cần 2000 – 3000 chi tiết. Mỗi chi tiết dù nhỏ nhất khi hãng tích hợp trên xe đều có công dụng riêng của nó.
Bài viết này sẽ giới thiệu cho mọi người biết những tác dụng hữu ích của các chi tiết, bộ phận nhỏ trên ô tô thường bỏ qua:
Nút Shift-lock
Nhiều người đi xe số tự động có thể nhiều lần nhìn thấy một mảnh nhựa có ghi chữ “Shift-lock” được bố trí gần khu vực cần số nhưng không biết nút này có ý nghĩa gì.
Thông thường đối với xe số tự động, khi đã tắt máy sẽ không thể chuyển số từ vị trí P xuống N, R hay D. Trong trường hợp xe bị trục trặc không nổ máy được hoặc chết máy giữa đường sẽ rất khó để di chuyển chiếc xe đi.
“Shift-lock” được thiết kế như một chiếc chốt để giúp chiếc xe sang số mà không cần khởi động xe.
Trước đây, nút “Shift-lock” thường được thiết kế nổi nhưng do tính thẩm mỹ nên các hãng xe hiện nay thường bố trí nút này nằm ẩn phía dưới một nắp nhựa gần cần số phía trên trục vô lăng. Theo đó, khi cần chuyển số, bạn chỉ cần tháo nắp nhựa, nhấn đè vào chốt nhỏ bên dưới là có thể chuyển được số.
Mặc dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ trên xe nhưng đây là bộ phận giúp cứu cánh cho nhiều tài xế trong tình huống xe không thể chuyển số được.
Tuy vậy, một số dòng ô tô cao cấp có thể không có “Shift-lock”.
Chốt khóa trẻ em ở hàng ghế sau
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người ngồi hàng ghế 2 mở cửa bất ngờ, gây tai nạn cho xe sau đang đi tới.
Ký hiệu và lẫy nhỏ này thường thấy ở cửa hàng ghế sau bên lái hoặc cả hai bên. Mục đích của nó là khi ở vị trí “on”, cánh cửa xe sẽ không mở được từ bên trong, qua đó tránh tối đa việc trẻ em hoặc hành khách thiếu quan sát bất ngờ mở cửa gây mất an toàn.
Lẫy chống chói cho gương chiếu hậu
Lẫy chống chói trên gương chiếu hậu ô tô mà nhiều người lầm tưởng là… móc treo đồ.
Trong khoang nội thất của ô tô thường có gương chiếu hậu trung tâm được dùng để soi điểm mù sau xe mà 2 gương hậu sườn không thấy được.
Cụ thể, chi tiết này sẽ giúp chống chói khi ánh đèn của các xe đi phía sau chiếu vào, không phải là móc treo đồ như nhiều tài xế nhầm tưởng.
– Cách sử dụng của lẫy chống chói trên gương chiếu hậu ô tô khá cơ bản: Tài xế chỉ cần gạt lẫy nhỏ phía sau gương xuống, gương sẽ được kích hoạt chế độ chống chói để đảm bảo tầm quan sát.
Trên các mẫu ô tô cao cấp hiện nay, gương chiếu hậu này được trang bị tính năng chống chói tự động; tuy nhiên ở một số dòng xe phổ thông thì chế độ chống chói phải điều chỉnh bằng lẫy gạt.
Đầu tẩu mồi lửa
Chi tiết có in hình điếu thuốc ngay trên bảng điều khiển trung tâm được dùng để lấy lửa hoặc mồi thuốc.
Đầu tẩu mồi lửa là một chi tiết khá lạ lẫm với những tài xế không hút thuốc, nhất là các chị em phụ nữ. Nhiều người không biết thường ấn vào kéo ra và sờ thử dẫn tới bỏng tay.
– Cách sử dụng:
Người dùng ấn mạnh đầu tẩu vào trong, đợi một lúc cho cuộn dây kim loại trong tẩu được đốt cháy đủ độ, tẩu sẽ tự động bật ra. Khi đó có thể sử dụng như bật lửa để châm thuốc.
Hiện nay chi tiết này thường được tài xế mua thêm cổng chuyển đổi từ tẩu thuốc sang USB để sạc điện thoại hay nghe nhạc.
Nắp che móc kéo cáp trước mũi xe
Một chi tiết cực nhỏ ở phần mũi ô tô có thể giúp xe dễ dàng di chuyển trong trường hợp hỏng hóc hoặc chết máy tại chỗ mà không có xe nâng cứu hộ chuyên dụng.
Nếu quan sát kỹ phía mũi ô tô, bạn sẽ thấy một chi tiết nắp ốp nhỏ có hình dạng tròn, vuông hoặc đa giác tùy theo thiết kế của hãng xe. Đây chính là phần nắp nhựa để che đi móc kéo cáp cứu hộ ẩn bên trong.
Khi xe bị chết máy hoặc hỏng hóc cần phải cẩu kéo, tài xế khi lật nắp này ra sẽ tìm thấy đầu móc để móc cáp vào. Từ đó, xe có thể được kéo đi dễ dàng trong trường hợp không có xe nâng cứu hộ chuyên dụng.
Các khe nhỏ trên bản táp lô
Các khe cửa nhỏ nằm gần cột A có tác dụng chính là thông gió và sấy kính.
Có không ít người vẫn lầm tưởng các khe nhỏ bố trí trên bảng taplo, gần cột A là cửa gió của hệ thống điều hòa. Tuy nhiên, các khe này được thiết kế cố định hướng chéo ra bên ngoài và không thể điều chỉnh.
Ngoài tác dụng thông hơi, các khe cửa nhỏ này còn có chức năng điều hướng gió để sấy kính cửa sổ hai bên, giúp người lái dễ dàng quan sát gương chiếu hậu. Theo đó, chức năng sấy kính phát huy tác dụng khi đi xe vào vùng có sương mù và lúc trời mưa.
Đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard)
Đèn cảnh báo nguy hiểm nên được dùng trong trường hợp nguy hiểm và cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện khác, ví dụ như đối với các trường hợp: xe bị hỏng, xe dừng bên đường hoặc trong các tình huống khẩn cấp như mất phanh hoặc không thể kiểm soát…
Ngoài ra, tài xế cũng có thể dùng đèn khẩn cấp trong một số tình huống khác như đi trong sương mù, mưa lớn để cho các tài xế khác quan sát dễ dàng hơn.
Người dùng không nên sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm một cách vô tội vạ.
Chỉ số độ mòn của lốp
Lốp xe chính là một bộ phận quan trọng trên xe ô tô và kiểm tra lốp xe chính là việc đầu tiên mọi người cần làm trước mỗi lần khởi hành, dù đó là chuyến đi xa hay gần.
Các chỉ số độ mòn của lốp (thanh mòn) được đặt ở các rãnh chính và cách đều nhau quanh lốp. Trong trường hợp phát hiện thấy lốp đã bị mòn bằng với chiều dài của thanh mòn thì thay lốp mới là việc nên làm, chớ nên tiếc tiền thay lốp.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu đi xe ít, mọi người vẫn nên thay lốp sau khoảng 6 – 7 năm còn xe không chạy tới, chỉ để không không sử dụng cũng cần thay sau 10 năm.
Vị trí của chỉ số mòn lốp.
Nguồn : Source link