Bộ sạc của VinFast rất ‘mềm’, và đây là công thức tính tiền điện mỗi tháng


Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ pin lithium chính là hai thành tố chính tạo nên cuộc cách mạng của xe điện so với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ tuyến bài TRÁI TIM NĂNG LƯỢNG của xe điện tại đây .

Có bao nhiêu cấp độ sạc pin cho xe ô tô điện?

Nếu phân cấp theo nguồn điện sử dụng, có thể chia các cấp độ sạc cho xe điện làm 3 cấp độ. Bởi dòng điện vào khác nhau nên tốc độ sạc của các cấp cũng khác nhau.

• Sạc cấp độ 1: Là loại sạc sử dụng nguồn điện 120V. Mức điện áp này thường thấy tại Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khu vực châu Mỹ. Với nguồn điện loại này, chúng ta có thể sử dụng với bộ sạc đi kèm xe mà không cần thêm thiết bị phụ trợ nào.

• Sạc cấp độ 2: Là loại sạc sử dụng nguồn điện 220V hoặc 240V, cho tốc độ sạc nhanh hơn so với sạc cấp độ 1. Nguồn điện 220V là nguồn điện dân dụng tiêu chuẩn tại châu Âu và một số quốc gia châu Á, có Việt Nam.

Loại sạc này yêu cầu người dùng phải lắp đặt bộ EVSE (Electric Vehicle Supply Equipment – tạm dịch: thiết bị sạc) và sử dụng hệ thống dây điện chịu được điện áp tương ứng.

Bộ sạc xe điện tại nhà của Ford. Ảnh: Ford

Sạc cấp độ 2 thường xuất hiện tại các khu dân cư, bãi đỗ xe công cộng, công sở hay các trung tâm thương mại. Với mỗi giờ sạc cấp độ 2, quãng đường di chuyển có thể tăng thêm 40km, tùy loại xe.

Trên thế giới, chi phí lắp đặt cho một bộ sạc cấp độ 2 sẽ dao động từ 20 đến 50 triệu đồng cho một bộ sạc hoàn chỉnh bao gồm bộ sạc, dây cắm và giá treo tường.

Tại Việt Nam, hiện có ô tô điện VF e34 của VinFast, giá một bộ sạc được tiết lộ là chỉ hơn 5 triệu đồng (xem chi tiết) . Như vậy có thể thấy, chi phí bộ sạc của hãng xe Việt rất “mềm” với người tiêu dùng.

• Sạc cấp độ 3: Là loại sạc sử dụng dòng điện 3 pha có điện áp cao (480V hoặc thậm chí có thể lên tới 800V). Cấp độ sạc này cần thêm một bộ biến áp nên giá thành lắp đặt đắt đỏ (khoảng 1 tỉ đồng cho một trạm sạc hoàn chỉnh).

Trạm sạc cấp độ 3 thường được dùng với mục đích thương mại ở những trạm dừng đỗ, các đại lý xe hay trung tâm thương mại.

Sạc xe điện có gây nguy hiểm không?

Bởi xe điện thường sử dụng nguồn điện có công suất lớn, các vấn đề về an toàn điện cũng vì thế mà được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, giống như hầu hết các thiết bị điện khác, bộ sạc xe điện sẽ an toàn nếu người dùng sử dụng đúng cách.

Bộ sạc tại nhà của ChargePoint. Ảnh: ChargePoint

Bên cạnh đó, hãy chọn mua và sử dụng loại sạc đảm bảo chất lượng và có mức độ an toàn cao. Một số hãng sản xuất uy tín có thể kể tới như ChargePoint (công ty chuyên về cơ sở hạ tầng xe điện của Mỹ) hay ABB (gã khổng lồ trong lĩnh vực robot, điện, thiết bị điện của Thụy Sĩ và cũng là nhà tài trợ cho giải đua xe điện FIA Formula E).

Cũng đừng quên rằng loại sạc đó phải phù hợp với chiếc xe của mình nhé.

Công thức chi phí sạc pin xe điện một tháng

Để ước tính chi phí tiền điện sạc cho xe điện tại nhà trong một tháng, ta có thể áp dụng công thức (*) đơn giản như sau: (A) = (B) x (C) x 3.117 (VNĐ) 

Trong đó: A là chi phí phải trả; B là mức tiêu hao năng lượng trung bình mỗi kilomet; C là quãng đường di chuyển trung bình trong một tháng; 3.117 VNĐ là giá điện sinh hoạt tại bậc 5.

Giả sử, bạn sử dụng Tesla Model S bản Performance đời 2020 có mức tiêu thụ năng lượng trung bình được công bố là 0,193kW/km và bạn di chuyển 1000km mỗi tháng.

Tiền điện bạn phải trả là: 0,193 (kW) x 1000 (km) x 3117 (VNĐ) = 601.581 (VNĐ)

Tesla Model S Performance 2020. Ảnh: Car and Drive

Nếu hãng xe không công bố mức tiêu hao năng lượng trung bình, ta có thể áp dụng công thức (**) đơn giản hơn như sau: (B) = (D) / (E) 

Cũng ví dụ với chiếc Tesla Model S bản Performance đời 2020 với bộ pin 95kWh đầy có thể di chuyển tối đa 515km. Mức tiêu hao năng lượng trung bình là:

B = 95(kW) / 515(km) = 0,186kW/km (gần đúng với con số thực tế 0,193kW/km)

(*) Công thức này chỉ mang tính tham khảo bởi cách tính này bỏ qua lượng điện năng mà chiếc xe tiêu thụ trong quá trình sạc. Có thể kể tới thiết bị điều khiển pin BMS (Battery Management System) điều chỉnh lượng điện vào xe.

(**) Công thức này chỉ mang tính tham khảo bởi cách tính này bỏ qua lượng điện tiêu hao cho các chức năng khác của xe trong khi vận hành (VD: màn hình, camera giám sát, hệ thống định vị…).



Nguồn : Source link