1. T-top: Mui xe dạng chữ T
Trước đây, nếu muốn tận hưởng cảm giác thú vị khi lái xe ngoài trời nhưng lại không thích loại mui vải mỏng manh hoặc mui trần vì sẽ khiến cấu trúc xe ít cứng cáp hơn; khách hàng của thế kỷ trước có thể chọn mua chiếc ô tô có mái xe dạng chữ T (còn gọi là T-top). T-top là dạng mái che với một thanh cứng ở giữa nối các trụ và các tấm che có thể tháo rời ở hai bên. Các tấm này thường được làm bằng kính an toàn dành riêng cho ô tô.
Mọi người thường biết đến T-top như một phát minh của General Motors, nhưng thực sự loại cấu trúc mái này đã được nhìn thấy từ đầu năm 1948 trên một chiếc ô tô nguyên mẫu độc nhất vô nhị của Công ty Xe thể thao Mỹ (TASCO). Hai mươi năm sau, T-top xuất hiện trở lại trên chiếc C3 Corvette thế hệ thứ ba mới, khiến nhà phát minh Gordon Buehrig (người có liên quan đến TASCO) khởi kiện. Buehrig đã thắng kiện nhưng với một khoản chi phí bồi thường khá nhỏ.
Đến những năm 1970, T-top trở nên phổ biến hơn; đặc biệt là khi nó nằm trên chiếc Pontiac Trans-Am màu đen và vàng “huyền thoại” trong bộ phim nổi tiếng “Smokey and the Bandit”. Ngay sau đó, GM đã nhanh chóng cung cấp tùy chọn T-top cho những chiếc xe của mình, tiếp theo là Ford với Thunderbird, Mustang và nhiều loại xe khác. Các nhà sản xuất Nhật Bản cũng tham gia vào cơn sốt này với những chiếc xe Datsun/Nissan Z và Suzuki X-90 kỳ quặc của quảng cáo Red Bull,…
Tuy nhiên, loại thiết kế này đã dần dần bị loại bỏ trong những thập kỷ tiếp theo với những lý do như lo ngại về an toàn khi lật xe, rò rỉ nước, các tấm kính có thể bị hư hỏng trong quá trình lưu trữ và xử lý,…
2. Máy chạy băng cassette và đĩa CD
Cụm giải trí ô tô với radio và đầu đọc băng cassette từng là một trang bị rất phổ biến ở xe hơi trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, đầu đọc băng cassette đã bắt đầu thoái trào trước sự xuất hiện của đầu đọc đĩa CD.
Dần dần, những hộc chứa đồ trên ô tô được lấp đầy bởi những chiếc đĩa CD khác nhau. Nhưng gần đây, chúng ta lại chứng kiến sự biến mất của những chiếc đĩa CD này bởi sự bất tiện, thao tác tốn nhiều thời gian,.. Thay vào đó, ô tô hiện nay thường sở hữu cụm thông tin giải trí với màn hình cảm ứng đầy trực quan và nhiều tính năng hiện đại.
3. Đèn pha mắt ếch
Nhiều năm trước, đèn pha trên ô tô từng là một trang bị khá cồng kềnh. Bóng đèn được làm bằng thủy tinh và thường khá lớn. Các nhà sản xuất ô tô thời đó thường thiết kế đường mui xe thấp và đèn pha có thể điều khiển cụp-xòe. Vào thời kỳ hoàng kim, đèn pha mắt ếch từng là một đặc trưng trên xe hơi, không khó để tìm thấy loại trang bị này trên gần như mọi mẫu xe, từ những chiếc Honda bình dân cho đến những chiếc Lamborghini đắt đỏ.
Tuy nhiên, việc điều khiển đèn pha ẩn vào trong hoặc nhô ra ngoài khi cần thiết đã sớm cho thấy nhiều khuyết điểm to lớn. Sau một thời gian sử dụng, loại đèn pha này thường bị lỗi bật tắt liên tục hoặc “nháy mắt” với xe khác khi một bên mở và một bên đóng. Những sự cố đèn pha như vậy rõ ràng là rất nguy hiểm, đặc biệt là khi thời tiết xấu; không những thế, chi phí để sản xuất, sửa chữa và thay mới đèn pha mắt ếch cũng khá đắt đỏ.
Chính vì vậy mà kể từ những chiếc Lotus Esprit và Chevrolet C5 Corvette, ngày nay ta không còn thấy thiết kế đèn pha mắt ếch này trên những chiếc xe sản xuất hàng loạt nữa.
4. Lốp dự phòng cỡ lớn
Nhằm giảm đáng kể trọng lượng xe, tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng không gian trống; nhiều nhà sản xuất ô tô ngày nay đã lựa chọn việc loại bỏ hoàn toàn hoặc thay thế lốp dự phòng cỡ lớn trên những chiếc xe hơi của mình. Đặc biệt là trên những chiếc xe điện, không gian và trọng lượng tận dụng được khi loại bỏ lốp dự phòng có thể được sử dụng để tăng kích thước pin, từ đó cải thiện phạm vi hoạt động vốn là một điểm yếu cần khắc phục hàng đầu của loại phương tiện không phát thải.
Thay vì một chiếc lốp dự phòng cỡ lớn, một số nhà cung cấp sử dụng lốp run-flat làm trang bị tiêu chuẩn cho ô tô bởi loại lốp chuyên dụng này cho phép xe có thể chạy thêm một quãng đường khá dài ngay cả khi lốp bị thủng. Một số nhà sản xuất khác vẫn cung cấp lốp dự phòng nhưng ở kích thước nhỏ hơn, chỉ để đưa xe đến đại lý, trạm xăng hoặc cơ sở sửa chữa khác gần nhất ở tốc độ tối đa là 80 km/giờ.
Trong khi đó, một số OEM như GM, BMW và Tesla hoàn toàn không cung cấp lốp dự phòng cho một số loại xe nhất định. Thay vào đó, khách hàng sẽ sở hữu một hộp dụng cụ sửa chữa để họ có thể giải quyết những lốp xì hơi nhỏ một cách tạm thời.
Mặc dù phải thừa nhận rằng những chiếc lốp dự phòng “full-size” như trước sẽ tốn rất nhiều diện tích trên những chiếc ô tô nhỏ hiện đại, nhưng lợi ích là chúng có thể giúp bạn tiếp tục hành trình một cách hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến khả năng xử lí của xe như những phương pháp thay thế khác. Mặt khác, tin vui là lốp dự phòng cỡ lớn cũng không hoàn toàn chết nhưng ngày nay nó hầu như chỉ đính kèm với những chiếc xe bán tải cỡ lớn, đặc biệt là những chiếc xe địa hình.
5. Đồ trang trí mui xe
Ngày xửa ngày xưa, đồ trang trí trên mui xe thực sự là trang bị không thể thiếu trên nắp bộ tản nhiệt của ô tô? Các bộ tản nhiệt ban đầu thường được gắn bên ngoài khoang động cơ nên các nhà sản xuất và chủ sở hữu thường tận dụng điều này để cá nhân hóa phương tiện của họ bằng nắp tản nhiệt trang trí hoặc gắn thêm các linh vật. Một vài chủ sở hữu thậm chí còn tích hợp nhiệt kế đo nhiệt độ nước làm mát trên nắp bộ tản nhiệt (nhiệt kế này có thể quan sát được từ ghế lái).
Theo thời gian, các bộ tản nhiệt thường có xu hướng được che giấu hoàn toàn trong khi xu hướng ăn trộm đồ trang trí trên mui xe gia tăng cũng như lo ngại về an toàn khi va chạm, thậm chí cả lực cản khí động học và ảnh hưởng của nó đối với việc tiết kiệm nhiên liệu khiến việc sử dụng những phụ tùng trang trí trên mui xe gần như biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số đồ trang trí nhỏ gọi trên mép mui xe như biểu tượng chú báo đang nhảy của Jaguar, ngôi sao ba cánh của Mercedes-Benz và người phụ nữ có cánh của Rolls-Royce, Spirit of Ecstasy.
Nguồn : Source link