‘Xuống đời mà vẫn hài lòng’


“Đang ở biệt thự, thỉnh thoảng chạy sang nhà tầng có thấy bí bách không?” – đó là câu nói vui của bạn bè dành cho Mai Tùng Lâm, người dùng sở hữu cả Lexus LX 570 và Land Rover Range Rover Velar nhưng vẫn quyết định tậu thêm Mercedes-Benz GLC 300.

Hẳn là chiếc SUV cỡ nhỏ đến từ Đức này có những điểm hấp dẫn khiến Lâm bị thuyết phục dù đã chạy những dòng xe cao cấp được ví như “chuyên cơ mặt đất”. Vậy đâu là lý do khiến xe Mercedes-Benz GLC 300 AMG 2020 lọt vào “mắt xanh” của vị chủ nhân này? Chúng tôi đã tìm gặp chủ xe để tìm hiểu, và cũng để trả lời cho câu hỏi mà nhiều bạn bè của Lâm đã hỏi anh, rằng đang đi LX 570 và Range Rover Velar chuyển sang GLC 300 có “bí bách” không.

Xin chào anh Lâm, cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn. Có lẽ điều mà không ít người, trong đó có cả tôi, tò mò nhất là tại sao anh lại mua chiếc GLC 300 trong khi gia đình đang có những chiếc xe cao cấp hơn rất nhiều. Xin anh cho biết lý do.

Đúng là tôi đang chạy Lexus LX 570, Land Rover Range Rover Velar và cả Mercedes-Benz C 300 AMG nữa. Tôi ưu tiên đi SUV hơn vì gầm cao, tầm nhìn thoáng. Tuy nhiên, hai chiếc SUV trên có thân hình vạm vỡ, cồng kềnh quá khi di chuyển trong phố. Phải nói là đi lại khá bất tiện. Còn C 300 lại là xe gầm thấp, tầm nhìn không thoáng rộng bằng. Do đó, tôi muốn một chiếc xe vừa gọn gàng, linh hoạt lại vẫn đảm bảo có không gian quan sát tốt.

So sánh tầm nhìn của Velar và GLC của Mai Tùng Lâm.

Tôi đã chạy tương đối nhiều dòng xe, cả sedan lẫn SUV của các thương hiệu hạng sang đến từ Nhật Bản, Đức và Anh. Có nhiều trải nghiệm với xe hơi nên tôi cũng không đắn đo nhiều trong việc bổ sung một chiếc SUV nữa nhằm phục vụ công việc và nhu cầu di chuyển hàng ngày của gia đình. Tôi cần thêm một chiếc xe nhỏ gọn hơn để đi lại trong phố, nhưng vẫn phải có tiện nghi hiện đại và sang trọng và GLC 300 chính là lựa chọn cuối cùng.

Trong phân khúc GLC còn có X3 hay Q5. Tại sao anh lại chọn GLC, thưa anh?

Lý do chính khiến tôi lựa chọn GLC 300 là bởi phiên bản nâng cấp facelift lần này có thiết kế ấn tượng hơn hẳn bản cũ. Nói là facelift nhưng Mercedes làm rất tốt để thay đổi cái nhìn về chiếc GLC này. Nhiều chi tiết thiết kế trên xe được tinh chỉnh lại theo xu hướng trẻ trung hiện đại. Phía trước là mặt ca-lăng mới, đèn LED mới, bộ mâm AMG thể thao và đèn hậu LED phía sau cũng trở nên tinh tế hơn. Nội thất cũng vậy, ngay từ đồng hồ rồi màn hình… những chi tiết làm thay đổi hẳn trải nghiệm khi ngồi trong. Tôi đánh giá cao sự thay đổi lần này trên GLC.

Không chỉ vậy, so với chiếc BMW X3 bản cao nhất khi đó là xDrive30i M Sport thì Mercedes-Benz GLC 300 cũng có mức giá hợp lý hơn khá nhiều nên không khó để tôi đưa ra quyết định của mình. Chênh nhau phải đến 400 triệu đồng. Mà nói về cả thiết kế và tiện nghi thì tôi đánh giá cao GLC hơn X3.

GLC 300 là lựa chọn thêm, vậy anh sử dụng chiếc xe này như thế nào? Những chiếc LX 570 hay Range Rover Velar còn lại sử dụng trong những trường hợp nào?

Tôi sử dụng GLC 300 chủ yếu với mục đích di chuyển hàng ngày trong đường phố phục vụ gia đình. GLC là một chiếc xe nhỏ gọn nên tôi rất thích chạy trong phố và xe tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều so với 2 chiếc xe còn lại.

Trong khi đó, nếu đi xa như đi công tác hay đi du lịch thì tôi thường chạy LX 570 bởi chiếc xe này mang đến cảm giác an toàn, khung gầm cứng vững và khả năng vận hành vượt trội hơn nhiều so với GLC 300. Nói về độ êm và cách âm thì GLC không thể so sánh được với LX 570 nhưng dùng GLC làm xe đi phố nên tôi thấy sự khác biệt đó không ảnh hưởng nhiều.

LX 570 là xe Nhật nổi tiếng bền bỉ, giữ giá, Range Rover Velar là xe Anh sang kiểu quý tộc, êm ái, còn GLC 300 có gì, thưa anh?

Xe Nhật nói chung và Lexus LX 570 nói riêng luôn thực dụng, bền bỉ và giữ giá, những yếu tố mà người Việt rất cần khi chọn xe. Dù cho LX 570 có là xe hạng sang giá tới gần chục tỷ đi nữa thì nó vẫn có những giá trị cốt lõi của xe Toyota. Thực tế, trong quá trình sử dụng tôi cũng cảm nhận được điều đó. Chạy mấy năm mà chỉ việc đổ xăng, thay dầu rồi chạy “phàm phạp”. Bảo dưỡng, thay thế phụ tùng thì sẵn và giá cả rất phải chăng. Nhưng do sử dụng động cơ lớn nên LX 570 “ngốn” xăng như uống nước lã là một nhược điểm khá lớn.

Trong khi đó, Range Rover Velar đúng phong cách quý tộc, là một chiếc xe êm ái và yên tĩnh khi ngồi trong khoang cabin. Song, chiếc xe đến từ Anh này lại rất hay hỏng vặt, phụ tùng đắt, xưởng dịch vụ ít và thời gian đặt linh kiện lâu. Mỗi lần chẳng may có va chạm là xe nằm chờ sửa chữa cả tháng nên cũng thấy phiền phức.

Tôi hy vọng GLC sẽ dung hòa, bù trừ các yếu tố mà tôi cảm thấy chưa ưng ý trên 2 chiếc xe LX 570 và Range Rover Velar. Hệ thống đại lý của Mercedes-Benz cũng phủ sóng khắp cả nước nên không ngại vấn đề bảo dưỡng xe. Xe lắp ráp nên phụ tùng cũng sẵn có. Xe thì tiết kiệm xăng hơn rất nhiều so với LX 570 hay Range Rover Velar. Tiện nghi bên trong cũng không phải tệ. Cầm lái xe Đức nó vẫn có cái gì đó sướng hơn xe Nhật. Đổi “xuống” mà tôi cảm thấy vẫn hài lòng.

Anh có nói rằng anh là người thường cầm lái chứ ít khi ngồi ghế phụ hay ngồi sau. Vậy với chiếc GLC 300, anh đánh giá như thế nào về khả năng vận hành?

Từ lúc mua xe tôi cũng chạy GLC 300 khá thường xuyên nhưng chủ yếu trong phố. Còn hành trình xa nhất có lẽ từ Hà Nội đến Mộc Châu. Đường ở đây thì chắc mọi người cũng biết rồi, chủ yếu là đường đèo quanh co. Trải qua nhiều cung đường chiếc xe mới bộc lộ được những ưu nhược điểm mà quá trình vận hành thông thường khó có thể cảm nhận được.

Với tôi, cảm giác lái của Mercedes-Benz chắc không có quá nhiều điều để chê, vừa đủ tốt. Khi chạy đường đèo, cảm giác rất yên tâm, máy bốc, thoáng, không có cảm giác bị ì, vất vả khi leo dốc. Cộng với đó xe có vô-lăng khá đầm chắc đấy, chạy đường cao tốc hay đường đồi núi đều khá đầm. Dẫu vậy, vần vô-lăng LX 570 quen rồi nên sang chạy GLC 300 cảm thấy nó nhẹ bẫng khi chạy trong phố.

Dù chạy LX 570 và Range Rover Velar nhưng tôi cảm thấy khả năng cách âm của GLC 300 vẫn ở mức tốt, hệ thống treo êm ái. Đây là 2 yếu tố khiến đi đường dài cảm thấy thoải mái chứ không mỏi mệt.

Vậy còn điểm gì trên GLC 300 mà anh cảm thấy chưa hài lòng không?

Thật là khó để nói vì tôi vẫn đang thấy GLC nó vừa với nhu cầu, vừa với tầm tiền. Gọi nó là xe sang “quốc dân” là thế. Rất dễ chọn mua. Theo tôi được biết thì GLC bán cũng rất chạy trong phân khúc xe sang. Nhưng cũng phải nói là xe nào thì cũng có ưu, có nhược. Chiếc xe có thể hợp người này, nhưng chưa chắc người kia đã thích và tôi nghĩ GLC 300 cũng vậy.

So với bản nhập khẩu, việc GLC 300 lắp ráp bị cắt bỏ tương đối nhiều “option” là điều tôi chưa ưng ý nhất. Riêng phần vô-lăng D-cut đã khiến không gian nội thất của xe giảm bớt sự thể thao như tên gọi AMG của gói trang bị mà riêng chỉ có trên GLC 300. Bộ mâm xe lắp ráp nhỏ hơn xe nhập cũng khiến tổng thể xe trông không sang bằng.

Thú thực, trước khi lấy chiếc GLC 300 lắp ráp này, tôi đã lái bản nhập khẩu, xe “full option” sờ đâu cũng thấy tiện nghi. Đến lúc nhận chiếc xe lắp ráp, thấy thiếu nhiều thứ quá nên tôi cảm thấy có phần hụt hẫng.

Có lẽ quen với Range Rover Velar rồi nên tôi thấy hệ thống âm thanh của GLC 300 không được hay cho lắm. Gọi là Burmester cho có tên tuổi chứ âm thanh chưa thực sự như tôi mong muốn. Nói thế không có nghĩa là xe đắt tiền hơn thì âm thanh hay hơn. Vẫn có những xe cùng tầm tiền khoảng 2,5 tỷ nhưng vẫn có hệ thống âm thanh tốt hơn.

Là người cầm lái nhiều nên tôi mong muốn một chiếc xe nhiều tính năng hỗ trợ khi vận hành hơn. Chính vì thế, tôi đã lắp thêm hệ thống ga tự động thích ứng và giới hạn tốc độ cho chiếc GLC 300 dưới dạng retrofit, tức là lắp đồ chính hãng và kích hoạt bằng máy tính. Kể từ khi có nó, lái xe trên cao tốc trở nên nhàn, giảm căng thẳng hơn hẳn.

Nhìn chung, với tầm giá 2,5 tỷ đồng, tôi nghĩ Mercedes-Benz GLC 300 là chiếc xe đáng mua khi hội tụ đủ các yếu tố từ thiết kế, tiện nghi đến chi phí nuôi xe hợp lý.

Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi!



Nguồn : Source link