Xe Toyota tốt lắm, bền lắm, giữ giá lắm… Đó là những gì mà tôi vẫn thường được nghe về thương hiệu ô tô phổ biến nhất thế giới, có lẽ cũng là những điểm hấp dẫn nhất của Toyota Wigo.
Xe Nhật, xe nhập khẩu – chỉ cần hai cái mác ấy thôi cũng đủ khiến nhiều người chọn mua mẫu xe này dù có thể chưa cần biết nó có gì hoặc biết nó nghèo nàn trang bị mà vẫn mua. Cộng thêm giá bán thuộc nhóm rẻ nhất thị trường, Toyota Wigo hấp dẫn với bất cứ ai đang có ý định mua chiếc ô tô đầu tiên trong đời.
Bản thân tôi mặc dù đang sử dụng Kia Morning nhưng cũng bị Toyota Wigo hấp dẫn. Hai mẫu xe này cùng tầm giá, chẳng phải ngang nhau hay sao? Vậy thì Toyota Wigo có gì hấp dẫn với tôi đâu nhỉ?
Có đấy, giống như kiểu chán cơm thèm phở, ngày nào cũng ăn thịt rồi đến một hôm lại thèm ăn rau. Và thế là… tôi quyết định mượn một chiếc Toyota Wigo để lái thử.
Để có trải nghiệm khách quan nhất, tôi đi theo cung đường mà mọi ngày vẫn đi làm cùng chiếc Morning: buổi sáng từ huyện ngoại thành Đông Anh sang trung tâm thành phố Hà Nội, các quận Đống Đa, Ba Đình và buổi tối ngược lại (một nửa đường trường, một nửa đường phố).
Cú nhấp chân ga đầu tiên ngay lập tức đã làm tôi bất ngờ. Chiếc Wigo tăng tốc khá nhanh và cảm giác bốc hơn hẳn chiếc Morning. Phiên bản mà tôi trải nghiệm là phiên bản AT, trang bị hộp số tự động 4 cấp giống với chiếc Morning tôi đang sử dụng. Động cơ của hai xe theo thiết kế là ngang ngửa nhau: Kia Morning 1,25 lít, Toyota Wigo 1,2 lít nhưng cùng cho công suất 86 mã lực. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng khác biệt có lẽ đến từ cấu tạo hộp số.
Cần phải nói rõ điểm này để bạn tránh hiểu sai Toyota Wigo mạnh hơn Kia Morning. Các nhà sản xuất theo đuổi những đặc điểm kỹ thuật khác nhau để đạt được sự tối ưu về trọng lượng, kích cỡ cũng như mục đích sử dụng của chiếc xe. Trong trường hợp này, Toyota muốn chiếc Wigo tăng tốc nhanh khi xuất phát (tức là khi chạy ở số thấp), đồng nghĩa với việc phải hy sinh một phần sức kéo ban đầu của xe. Điều đó cũng lý giải vì sao mô-men xoắn cực đại của Kia Morning là 120 Nm trong khi Toyota Wigo chỉ đạt 107 Nm với động cơ công suất như nhau. Bên cạnh đó, Kia Morning nặng hơn Toyota Wigo tới 70 kg, tương đương với chở thêm một hành khách.
Tôi thích cách làm của Toyota hơn, vì những mẫu xe city-car chủ yếu đi đường bằng, ít khi đi đường dốc và cũng không thường xuyên chở tải quá nặng. Chỉ cần xuất phát nhanh hơn sẽ mang lại cảm giác bốc hơn, sướng hơn, và cảm giác đó là tốt cho người lái.
Theo tôi, độ ồn của hai xe ngang nhau. Âm thanh vọng lên từ mặt đường, từ khoang động cơ nghe rõ mồn một. Tuy nhiên, khi lao qua chướng ngại vật (gờ giảm sóc, ổ gà, ổ voi, v.v), Toyota Wigo cho cảm giác êm hơn nhờ bộ lốp Bridgestone dày hơn Kia Morning.
Cần số của Toyota Wigo phiên bản AT là cần số thẳng, bạn cần phải lưu ý một chút để tránh vào nhầm số. Chiếc Wigo mà tôi mượn được còn có camera lùi nhưng nó hoàn toàn vô dụng. Hình ảnh bị méo đến mức khó quan sát. Nhưng không sao, kiếm cái khác thay thế là xong.
Tôi chỉ không hài lòng và không biết phải làm gì để vô lăng của chiếc Wigo trả lái tốt hơn. Đó là vô lăng có trợ lực nhưng chẳng hiểu sao trả lái rất kém. Nó làm tôi nhớ lại cảm giác khi học lái xe với chiếc Daewoo Lanos thần thánh. Chắc bạn cũng biết cảm giác đó phải không? Chính là cảm giác… lạc hậu!
Cảm giác lạc hậu với Toyota Wigo không chỉ đến từ vô lăng mà còn đến từ những trang bị trên xe. Bước vào một chiếc xe được sản xuất năm 2018 mà tôi cữ ngỡ là năm 1998. Mọi thứ đều không ưa nhìn trong mắt một người trẻ thuộc thế hệ Millennials như tôi, đặc biệt là hai chi tiết cần số và đèn trần.
Cái hôm tôi mang xe về nhà, ông ngoại tôi ngồi ghế phụ ngó nghía một lúc rồi hỏi: “Xe cũ hả?”. Tôi chỉ biết cười và sau đó giải thích với ông rằng đây là xe Nhật, máy Nhật, giá rẻ nên chỉ được như vậy thôi. Nếu tôi là chủ xe, mua xe mới tinh mà bị ai đó hỏi câu tương tự, chắc là buồn lắm.
Có một chi tiết không nên như vậy. Đó là ghế lái của Toyota Wigo không hỗ trợ chỉnh cao/thấp. Bạn không nghe nhầm đâu, nó chỉ có thể chỉnh góc ngả lưng, tiến tới hoặc lùi lại phía sau. Vì vậy, một số người sẽ gặp khó khăn để tìm tư thế lái vừa vặn với mẫu xe này. Tôi cao 1,69m nhưng thuộc dạng lưng dài chân ngắn, nếu chỉnh ghế tiến tới để có thể đạp hết hành trình chân ga và chân phanh thì cự ly từ người đến vô lăng lại quá gần. Điều này chắc chắn gây mất an toàn khi lái xe, lời khuyên cho những ai đang có ý định mua Toyota Wigo là nên chú ý tới điểm này.
Tóm lại, cá nhân tôi cho rằng Toyota Wigo không hợp với giới trẻ bởi thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ xã hội hiện đại. Nếu hẳn là Toyota theo đuổi phong cách hoài cổ thống nhất cả bên trong lẫn bên ngoài thì tốt biết mấy, đằng này bên ngoài một đằng (quá đẹp với xe nhỏ) bên trong một nẻo (quá sốc với xe 2018).
Có lẽ những người lớn tuổi dễ chấp nhận Toyota Wigo hơn, hoặc là những người đơn giản, thích giá trị cốt lõi, thích độ bền, thích xe của mình giữ giá.
Giữ giá chính là một lợi thế thiết thực về mặt tài chính đối với những ai làm kinh doanh xe hợp đồng, taxi. Có lẽ đây cũng là đối tượng khách hàng mục tiêu mà Toyota Việt Nam nhắm đến.
So với động cơ Hàn, động cơ Nhật có bền bỉ hơn không? Câu hỏi đó thời gian sẽ trả lời. Xe ăn xăng thế nào? Tôi thấy bảng đồng hồ báo trung bình khoảng 6,5-7 lít/100 km, không khác biệt là mấy so với đối thủ Kia Morning hay Hyundai Grand i10.
Hành khách ngồi trên Toyota Wigo sẽ thoải mái hơn Kia Morning vì không gian rộng dễ xoay sở, khoảng nghỉ chân thoải mái. Đáng tiếc là ghế ngồi chỉ được bọc vải và bộ thảm lót sàn tặng kèm theo xe quá nhỏ. Bạn nên khắc phục hai vấn đề này nếu không cabin sẽ rất nhanh bẩn.
Đó là trường hợp mua xe để kinh doanh. Còn nếu nghĩ cho bản thân mình, có nên mua xe để phục vụ mục đích đi lại hàng ngày hay không? Câu trả lời của tôi cũng còn nhiều yếu tố tác động lắm!
Tôi chợt nhận ra việc đóng/mở cửa xe bằng chìa khóa cơ và cụp gương bằng tay thật là phiền phức. Nếu phải làm những việc đó hàng ngày thì quả thực rất bất tiện và không vui vẻ chút nào. Đi siêu thị ôm đồm một đống thứ, ra đến xe phải để xuống đất để lấy chìa khóa xoay xoay vặn vặn, nghĩ đến đã thấy không ổn rồi.
Nhưng đó là cách nhìn nhận chiếc Toyota Wigo từ một người đã dùng Kia Morning. Và tôi cũng hoàn toàn tin tưởng rằng, nếu bạn đã có xe tầm như Morning, chẳng dại gì bạn đổi sang Toyota Wigo cả.
Còn nếu chưa mua chiếc xe nào mà đang kiếm tìm một cái tên khoảng 400 triệu đồng, chiếc xe Nhật vẫn có thể nằm trong danh sách của tôi và cả của bạn. Toyota xác định rõ ràng đối tượng khách hàng của Wigo là những người mua xe lần đầu hoặc giới kinh doanh dịch vụ. Giới kinh doanh dịch vụ thì đã rõ như tôi phân tích ở trên. Còn đối với khách hàng cá nhân, giá trị cốt lõi, phong cách dùng xe thân thiện, không phức tạp sẽ là điểm cộng bù lại cho dải trang bị ít ỏi trên xe.
Thế đấy, cách làm xe của Toyota luôn đánh đố người dùng. Trang bị không nhiều nhưng sức mạnh thương hiệu có thừa để giữ giá, đủ khấu hao cho bạn đi một thời gian mà không quá lỗ, dư sức thêm tiền lên đời. Đây sẽ là bài toán mà chính bạn phải giải. Còn đương nhiên đối với tôi, Toyota Wigo chỉ như một bát phở ăn một ngày thì thấy ngon chứ không thể ngày qua ngày cứ ăn phở mãi.
Ảnh: Lee Hoàng. Thiết kế: Tom
Nguồn : Source link