Chào anh Quang, câu hỏi có vẻ truyền thống nhưng tôi tin ai cũng muốn biết cơ duyên nào dẫn anh tới với BMW 7-Series?
Khoảng cuối năm 2005, khi đó tôi đang sinh sống tại Mỹ và cần tìm một chiếc sedan sang trọng, có thể đáp ứng tốt các nhu cầu cá nhân và công việc hàng ngày. Và BMW 7-Series, cụ thể là 750Li, lập tức lọt vào tầm ngắm của tôi.
Chiếc BMW 750Li mà tôi lựa chọn thuộc đời 2006 với các option được đại lý đặt sẵn. Sở dĩ vậy vì các showroom bên đó có xu hướng chọn các option phổ biến với người dùng, từ đó dễ bán hơn.
Chưa hết, việc chọn một chiếc xe có sẵn ở đại lý cũng giúp tôi rút ngắn thời gian chờ đợi. Nếu chọn option theo ý thích thì sẽ có thể phải nhận xe muộn hơn.
Điều gì ở BMW 7-Series đã thu hút anh thay vì các đối thủ cùng phân khúc như Mercedes-Benz S-Class hay Audi A8?
Tại thời điểm mua chiếc BMW, tôi không suy nghĩ tới việc tậu mẫu Mercedes-Benz S-Class bởi trước đó tôi đã có thời gian sử dụng mẫu xe này rồi nên không muốn mua thêm lần nữa.
Quan điểm sử dụng xe hơi của tôi là mỗi hãng sẽ chỉ sở hữu thử một lần thôi để biết.
Còn Audi A8 thì ở thời điểm đó lại không phổ thông trên đường phố lắm nên tôi cũng không hứng thú. Mãi tới thời điểm sau khi tôi về nước là khoảng 2008 – 2009 gì đó thì mẫu sedan của Audi mới trở nên phổ biến hơn. Có lẽ trong tương lai nếu có cơ hội, có thể tôi sẽ quay sang mua thử Audi A8 về trải nghiệm.
Nói về chuyện anh quay lại Việt Nam, việc mang xe sang về nước có khó không, thưa anh?
Tôi sử dụng tại thị trường nước ngoài được khoảng 3 năm thì quay về nước sinh sống. Vì quá yêu thích chiếc xe này nên tôi đã quyết mang về sử dụng.
Khi đó, thủ tục nhập khẩu dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều, thuế trước bạ cũng thấp nữa. Sau tất cả, giá xe khi về Việt Nam cả đăng ký là khoảng 180.000 USD, tính theo tỷ giá hồi đó là gần 3 tỷ đồng.
Đáng nhớ nhất là ngày tôi mang xe đi đăng ký trước đúng 1 ngày thuế trước bạ tăng lên mức 12%. Quả là một chiếc xe mang tới sự may mắn.
Tần suất anh sử dụng chiếc xe này qua thời gian có thay đổi không?
Hiện nay tần suất sử dụng cũng không còn quá nhiều như trước. Người dùng chiếc xe này hiện nay chủ yếu là bố tôi.
Trước đó, khi còn ở bên Mỹ, tôi sử dụng chiếc xe này hàng ngày để đi học, đi làm. Trung bình mỗi ngày tôi di chuyển tổng quãng đường tầm 160 km nên sau khoảng 3 năm tới thời điểm về nước, xe đã đi được khoảng 48.000 km.
Và sau đó, tần suất dùng xe giảm do điều kiện đường phố không phù hợp, nhiều ổ gà, đường cao tốc cũng không nhiều để chạy cho “thoát xe”.
Và cũng một phần vì nguyên nhân đó, tôi vừa bán chiếc xe, kết thúc thời gian 16 năm sở hữu với khá nhiều kỷ niệm.
Trải qua 16 năm đó, đâu là những ưu điểm mà anh đánh giá cao trên BMW 750Li?
Như tôi đã đề cập ở trên, chiếc BMW 750Li này tôi sở hữu từ khi lúc còn mới “đập hộp”, trải qua 16 năm nên chắc chắn tôi rất hiểu chiếc xe này. Chưa kể bản thân tôi cũng học chuyên ngành về ô tô nên cách tôi chăm sóc, bảo dưỡng xe cũng cẩn thận hơn.
Về ưu điểm của xe, BMW 7-Series đời này có hốc bánh khá rộng, lốp trước được đặt sát cản trước nhất có thể nên xe có bán kính vòng quay khá tốt, dù xe dài tới gần 5,2 mét. Khi di chuyển trong đường phố chật hẹp của Hà Nội, xe cho cảm giác dễ luồn lách, nhẹ nhàng không khiến bản thân quá áp lực.
Điểm mạnh thứ hai là khối động cơ V8, dung tích 4,8 lít hút khí tự nhiên hoạt động tốt ở nhiều dải vòng tua, bất cứ lúc nào thốc ga đều nhận được phản hồi ngay lập tức.
Ngoài ra, xe mang lại sự chắc chắn ngay cả khi chạy vận tốc tới 160 km/h, cụm từ “Boeing mặt đất” diễn tả rất đúng về chiếc BMW 7-Series này ở ngưỡng vận tốc đó. Để đạt được điều này, một phần nhờ trọng lượng của xe đạt gần 2 tấn, giúp cho xe đầm hơn.
Về khoang nội thất, ghế ngồi trên chiếc BMW 750Li phải nói là 10 điểm. Đây là một trong những loại ghế trên xe hơi mang lại cho tôi cảm giác êm ái, thoải mái nhất dù ở bất kỳ tư thế ngồi nào nhờ khả năng chỉnh điện đa hướng.
Một điểm khác mà tôi đánh giá cao ở chiếc xe này là dù ra đời đầu những năm 2000 nhưng đã có hệ thống đèn viền LED khá “xịn sò”. Cho đến giờ tôi vẫn thấy hệ thống đèn viền này chiếu sáng đẹp, trông “xịn mịn” không kém những xe thời nay.
BMW 7-Series là mẫu xe sang dành cho các ông chủ nên hàng ghế sau chắc chắn không thể không nhắc tới. Với trải nghiệm của tôi, xe có không gian rộng rãi, ngồi thoải mái, cách âm rất tốt, không bị lọt các tạp âm môi trường dù chiếc 750Li của tôi có tùy chọn hệ thống ống pô thể thao.
Như đã đề cập ở trên, trước khi mua BMW, tôi đã có thời gian sử dụng S-Class của Mercedes-Benz. Tôi thấy rằng, 7-Series mang tới cảm giác cân bằng hơn, đi “tĩnh” hơn, điều này cũng giúp người ngồi trong xe không bị mệt mỏi trong những chuyến đi xa. Còn so với mẫu Bentley Flying Spur thế hệ đầu (2006 -2013), hệ thống treo của BMW 750Li cũng mềm hơn, đi qua các gờ giảm tốc, ổ gà,… cũng mượt mà hơn.
Chắc chắn không có chiếc xe nào hoàn hảo, vậy chiếc 7-Series hẳn sẽ có những nhược điểm?
Tất nhiên thôi. Điểm trừ đầu tiên mà tôi thấy sau 16 năm sử dụng là động cơ của xe rất hay hỏng. Chi phí “nuôi” xe và bảo dưỡng để có thể hoạt động tốt tới hiện nay là rất tốn kém.
Thông thường bên Mỹ, khi một chiếc xe hơi hết bảo hành, họ sẽ bán lại cho những tệp người chơi thích mày mò, tự độ xe để họ có thể tự lắp các phụ tùng thay thế hoặc tự sửa xe. Hoặc cách khác là người tiêu dùng sẽ mang ra các bãi phế liệu và “rã” đồ chiếc xe.
Như chiếc BMW 750Li của tôi lúc đó có giá khoảng 86.000 USD, về mặt lý thuyết thì sau 5 năm sử dụng ở đó tôi sẽ thanh lý để đổi xe. Tuy nhiên nhưng khi nhập xe về Việt Nam, sau khi chịu các loại thuế thì giá bị đẩy lên quá cao, biến đây trở thành một tài sản lớn nên người tiêu dùng nói chung phải cố giữ gìn, sửa chữa để tiếp tục sử dụng tới khi có điều kiện đổi xe mới.
Tiếp tục nói về động cơ của chiếc BMW 7-Series đời này thì tôi thấy độ ổn định, bền bỉ trong quá trình sử dụng chắc chắn là thua Mercedes-Benz S-Class hoặc Lexus LS cùng đời. Tôi không rõ là vì tôi quá kỹ tính hay không nhưng thời điểm đại tu chiếc xe này là khá sớm.
Sau khi tìm hiểu thêm thì tôi thấy BMW đã mắc khá nhiều lỗi ngớ ngẩn trong quá trình sản xuất động cơ ở thời kỳ này nên mới khiến các chi tiết hao mòn nhanh tới vậy.
Nhiều người nói các chủ xe BMW đưa xe vào xưởng nhiều là khá đúng với những đời xe này. Còn các thế hệ sau này hiện đại hơn, họ đã nâng cấp chất lượng nên các chi tiết đã hoạt động bền bỉ hơn. Tôi có quen một vài người chơi xe BMW thế hệ mới và đều thấy động cơ hoạt động tốt hơn đáng kể.
Một điểm trừ khác là như tôi có nói ở trên, xe hoạt động rất tuyệt vời ở ngưỡng vận tốc 160 km/h. Tuy nhiên, nếu trên ngưỡng vận tốc này thì lại khác. Chiếc BMW 750Li bắt đầu có hiện tượng rung nhẹ, cảm giác lái không còn chắc chắn và an toàn như ở dải tốc độ dưới 160 km/h. Điều này xảy ra ngay cả khi ở thời điểm chiếc xe còn mới nhé.
Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể do chiếc sedan này sinh ra với mục đích hướng tới sự sang trọng chứ không phải để đi đua nên BMW cố gắng tối ưu nhất ở dải tốc độ không quá cao. Hoặc có thể do tôi khá “nhát” nên cảm thấy xe bị rung, không muốn đạp thêm ga. *Cười*.
Vậy lời đồn xe Đức đời cũ hay hỏng là thật?
Đúng là xe Đức hay hỏng, không những hỏng vặt mà còn hỏng nặng, đặc biệt những xe có dung tích động cơ lớn như xe của tôi. Yếu tố chính gây nên là các nhà sản xuất xe hơi họ đều thiết kế và thử xe ở điều kiện môi trường, giao thông nước ngoài, nơi mà thường xuyên di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 30-40 km/h. Chứ không như Việt Nam chỉ có vận tốc trung bình khoảng 15-20 km/h rồi giờ tan tầm thì nhích từng tí một xong lại phanh liên tục, động cơ rất dễ bị nóng và “bí” máy do không hút đủ lượng không khí để làm mát.
Ngoài ra, nếu bảo xe Đức cũ hay hỏng thì cũng phải so sánh với những xe nào. Nếu so với những chiếc xe Đức mới thì hay hỏng hóc là điều tất nhiên vì xe vốn dĩ đã cũ rồi. Xe cũng như người vậy, trẻ thì ít ốm còn già thì ốm nhiều.. nhưng ko có nghĩa là ông trẻ giỏi hơn ông già và ngược lại.
Vậy anh có lời khuyên gì với những người đang hoặc có ý định tới với xe Đức cũ, đặc biệt là BMW?
Sử dụng những chiếc BMW đời sâu như tôi thì sẽ phải chịu khó chăm sóc xe hơn thông thường là điều cần phải ghi nhớ.
Ngoài ra, các chủ xe cũng nên chịu khó thay thế các phụ tùng theo chu kỳ của nhà sản xuất đưa ra. Hãng có cung cấp danh sách những chi tiết cần phải thay hoặc kiểm tra sau bao nhiêu lâu sử dụng, ví dụ như tầm 10.000 km sẽ cần phải thay toàn bộ hệ thống làm mát.
Ngoài ra, nếu “chịu chơi” hơn là mua những phụ tùng chính hãng thì hầu như không phải quá lo ngại lắm về tình trạng của xe. Còn đương nhiên xe đã cũ rồi, cũng có những bộ phận mình không thay được thì nó sẽ bào mòn và xuống cấp theo năm tháng. Cái này thì hên xui thôi, hỏng đâu sửa đấy.
Hên xui như vậy thì vấn đề tìm kiếm phụ kiện có phải vấn đề quá lớn?
Theo như lần gần nhất mà tôi mang xe đi sửa thì thấy phụ tùng chính hãng cho xe BMW cũ đã ít đi đáng kể, thời gian đặt đồ từ nước ngoài cũng khá lâu do không còn sẵn tìm như xưa nữa.
Điều này cũng dễ hiểu bởi xe đã hết vòng đời rồi thì thôi, có hãng nào muốn cung cấp mãi cho dòng xe đã cũ đâu, vì dù gì cũng là chiến lược kinh doanh của hãng nữa mà.
Tất nhiên, vẫn sẽ có những loại phụ tùng, chi tiết kiếm được nhưng là loại không được sản xuất chính hãng, hàng nhái copy kém chất lượng, nhưng quan điểm tôi nếu lắp những loại đồ này nhiều sẽ không còn chất BMW ở xe nữa và rồi cũng khiến xe hỏng nhanh hơn thôi.
Anh có nói về chuyện bán chiếc BMW 750Li này. Mục tiêu tiếp theo của anh là gì?
Hiện tại tôi chưa có ý định mua tiếp một chiếc BMW 7-Series khác lắm vì đã trải qua 2 đời xe của thương hiệu này rồi. Như tôi cũng nói ban đầu, tôi không muốn mua lại một brand đã đi vì muốn trải nghiệm thêm các sản phẩm khác.
Lý do khác là giá xe BMW tại Việt Nam hiện nay quá cao, nên nếu mua thì phải sử dụng 10 năm hoặc hơn mới hết được khấu hao của xe, mà thương hiệu này thì lại không bền bỉ khi vận hành ở trong nước.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ trên! Chúc anh và gia đình có một năm mới vạn sự như ý!
https://autopro.com.vn/nuoi-bmw-750li-suot-16-nam-nguoi-dung-boc-bach-toan-nhung-bai-hoc-dat-gia-ve-xe-duc-cu-20220204230736781.chn
Nguồn : Source link