Như xe Đức giá Hàn


Anh Tú là một người kinh doanh, chủ một cửa hàng thời trang tại Hà Nội. Sau khi đổi qua những chiếc Hyundai Getz và Kia K3, anh quyết định lên đời Hyundai Tucson. Chiếc Tucson của anh được mua vào tháng 3/2017, lô gần cuối trước khi Hyundai Thành Công chuyển sang lắp ráp.

Anh đã có ý định mua xe vào năm 2016 nhưng do có những phản hồi báo lỗi về cảm biến điều hoà và phanh tay điện tử dễ gãy nên chờ đến đợt nhập 2017 mới mua. Thời điểm này, xe đã được sửa lỗi. Giá xe khi đó là 995 triệu đồng, cao hơn các mẫu xe Nhật cùng tầm như Mazda CX-5 hay Honda CR-V và tiệm cận Hyundai Santa Fe lắp ráp trong nước.

Dưới đây là chia sẻ của anh Tú đánh giá chiếc Hyundai Tucson nhập khẩu sau hơn 1 năm sử dụng.

Nếu hỏi tôi tại sao không chọn những chiếc xe Nhật cùng phân khúc thay vì Tucson thì lý do là bởi xe Hàn Quốc nhiều “option” (trang bị) và đó là điều tôi thích. Từ trước đến nay, tôi đều đi xe Hàn, từ chiếc Hyundai Getz, qua Kia K3 rồi đổi lên Hyundai Tucson vì muốn gầm cao. Ngồi trên những chiếc xe Nhật tại Việt Nam có gì đó thiếu thiếu. Hơn nữa, những xe khác đều lắp ráp. Khi đó có Outlander nhập nhưng giá cao quá.

Bản thân nhà tôi cũng có chiếc xe Nhật là Corolla Altis nhưng xe chủ yếu để vợ đi. Tôi hiếm khi cầm lái. Đang ngồi Tucson đổi sang Altis không quen vì xe chẳng có gì, lái buồn. Chiếc xe đúng chỉ phục vụ đi lại đơn thuần hoặc sử dụng đi gặp đối tác tạo cảm giác lịch lãm hơn.

Hyundai Thành Công khi nhập về đã cắt nhiều option của Tucson so với bản cao cấp nhất tại Hàn Quốc. Để mà nói, trang bị “full” (đầy đủ) trên Tucson đâu kém cạnh nhiều xe Đức, thậm chí còn nhiều đồ chơi hơn những chiếc cùng tầm. Hiện nay, đã có nơi lên được trang bị như nguyên bản cho Tucson hay cả Santa Fe nên đây không phải là vấn đề.

Tại Hàn Quốc hay cả ở Mỹ, Tucson bản full có đầy đủ các trang bị an toàn chủ động như cảnh báo điểm mù, giao thông cắt ngang, làn đường và cảm biến trước/sau đầy đủ. Hệ thống giải trí trên xe tại nước ngoài cũng nhiều hơn. Ghế xe có thông gió, làm mát và nhớ vị trí…

Để giải quyết sự thiếu sót này, tôi đã nâng cấp thêm tính năng cảnh báo điểm mù, cảm biến áp suất lốp và cảm biến đỗ xe phía trước. Ngoài ra, tôi còn độ thêm camera 360 độ. Bên trong xe lắp thêm 1 loa trước chính hãng mà đã bị cắt đi. Tính năng nhớ ghế cũng được khôi phục. Đầu CD cũ tôi thay bằng màn hình mới của Pioneer. Trên thị trường không thiếu đồ chơi, đồ độ cho xe Hàn Quốc với giá cả hợp lý.

Tôi đã thử qua chiếc Mazda CX-5 và thấy rằng: so với Tucson thì độ chắc chắn khung gầm không bằng. Trong hành trình sang Lào, trong đoàn có cả những chiếc CX-5 lắp cả thanh giằng ở khoang máy nhưng xe vẫn không đem lại cảm giác chắc chắn trên những đoạn đường đèo với địa hình xấu. Khi đó tôi còn chạy chiếc Kia K3.

Chiếc Tucson đem đến sự chắc chắn hơn về cả khung vỏ lẫn gầm. Khả năng cách âm tốt hơn. Động cơ 2.0L với số tự động 6 cấp khá bốc. Thích nhất là khi chuyển sang chế độ thể thao, chiếc xe vọt, vô-lăng đầm chắc hơn.

Tuy vậy, tôi cũng không thể khen hết 100% cái xe mà mình đang sử dụng. Là một người hay đi tỉnh xa nên đèn của chiếc Tucson chưa đáp ứng được nhu cầu của tôi. Đèn cốt cho tầm nhìn tạm được, còn đèn pha tối quá. Đi đường dài có những đoạn phải bật pha nhưng tầm nhìn hơi gần, khó có thể xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Tôi đã thay bóng pha từ halogen sang LED, đồng thời độ thêm 4 projector kèm bóng xenon vào vị trí đèn sương mù để khắc phục. Riêng đèn pha khi thay bóng đã thấy khác biệt hoàn toàn. Đi trong phố, chỉ đèn cốt nguyên bản đã quá đủ nhưng chạy đường trường và đường núi cần ánh sáng hỗ trợ.

Ngoài ra, rất tiếc là Tucson chỉ có hệ dẫn động cầu trước. Nhiều lần đi lên vùng núi tôi phải đổi chiếc Ford Ranger của người bạn để đi. Tucson không thể đi được trên những địa hình đó với dẫn động 1 cầu. Có những địa điểm mà trong đoàn chỉ có xe 2 cầu mới đi sâu vào tận nơi [để làm từ thiện – PV] còn những chiếc 1 cầu phải đỗ từ tận ngoài xã, ngoài huyện.

Trước đây, tôi thấy Tucson tại Mỹ vẫn có 2 cầu. Khi hỏi giá nhập về thì được báo có thể lên tới gần 2 tỷ đồng, bằng 2 chiếc hiện tại. Hơn nữa, lo thủ tục, giấy tờ nhập theo quy định của nhà nước cũng không phải điều dễ dàng.

Một ưu điểm của Tucson so với đối thủ đôi khi lại là nhược điểm khi vận hành tại Việt Nam, đó là cửa sổ trời toàn cảnh. Tôi ít khi sử dụng bởi ngoài đường lúc nào cũng bụi bẩn, lại nắng nóng. Khổ nhất là trời nắng, khoang xe nóng hơn hẳn mặc dù đã kéo tấm chắn cửa sổ trời. Có thể sử dụng phương án dán kính để khắc phục.

Lý do tôi không chọn Santa Fe khi đó là bởi xe lắp ráp và 7 chỗ thừa thãi so với nhu cầu. Nhà có 2 vợ chồng với con nhỏ nên không bao giờ dùng đến hàng ghế cuối, mua xe 7 chỗ sẽ lãng phí. Hơn nữa, đa số thời gian tôi vẫn đi một mình nên xe rộng thênh thang, cảm giác thừa thãi. Đợt đó có Santa Fe bản 5 chỗ nhưng option đã bị cắt hết, đâu khác một chiếc Vios.

Chất lượng xe Hàn Quốc lắp ráp vẫn chưa thể bằng xe nhập khẩu, nhất là vật liệu làm nội thất. Sau 30.000 đến 40.000 km trở lên, vận hành tại Việt Nam, nội thất xe lắp sẽ nhanh xuống hơn. Máy móc, động cơ thì chất lượng như nhau bởi đều nhập khẩu.

Ngoài Santa Fe, trước đây tôi cũng có ý định mua Kia Sportage đời mới nhập khẩu Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trường Hải chỉ bán trong một thời gian ngắn rồi ngừng nhập nên chuyển sang mua Hyundai Tucson. Tôi từng chạy thử Sportage và thấy ưng ý hơn Tucson vì nhiều option hơn. Sportage là chiếc xe đi khá hay. Đến lúc tôi ra showroom hỏi thì được báo đã hết hàng.

Hiện tại, tôi chưa thấy có lựa chọn nào xứng đáng để lên đời, mặc dù không xác định gắn bó lâu dài với mẫu xe này. Sau khi độ thêm “đồ chơi”, chiếc Tucson đã đáp ứng khá đủ nhu cầu sử dụng của bản thân. Nếu thêm tuỳ chọn 2 cầu, đây sẽ là phiên bản đáng cân nhắc. Nhưng Hyundai Thành Công nhiều khả năng không làm vậy, bởi sẽ lấn sân sang Santa Fe. Hyundai Tucson vẫn là chiếc xe ưng ý với tôi nhất cho đến thời điểm này.



Nguồn : Source link