Vũ Minh Khôi là một doanh nhân thuộc thế hệ 8X, có niềm đam mê đặc biệt với những chiếc xe Đức, đặc biệt là dòng Mercedes-Benz. Chuyến đi xuyên Việt lần này vừa là trải nghiệm du lịch hè của cả gia đình, vừa là cơ hội thực sự để Minh Khôi đánh giá chiếc xe mới sau khi chuyển từ Mercedes-Benz C200 W204 lên Mercedes-Benz C250 W205.
Dưới đây là chia sẻ của nhân vật về người bạn đồng hành mới trên hành trình khoảng 4.000km.
Hành trình lần này không mang cho tôi quá nhiều lo lắng. Thực tế trước đây, khi cầm lái chiếc Mercedes-Benz C200 W204, tôi đã từng chạy cung đường Hà Nội – Đà Nẵng. Sau khi đổi lên chiếc Mercedes-Benz C250 AMG W205 mới, tôi và gia đình đã có dịp đi thăm Sapa. Những chuyến đi đó đã giúp tôi hiểu hơn về chiếc xe mà mình sở hữu, đồng thời có thêm kinh nghiệm chạy xe đường dài.
Trước mỗi chuyến đi xa, tôi đều vào hãng để kiểm tra lại tất thảy máy móc và gầm bệ, bảo dưỡng các chi tiết cần thiết. Vì là một chuyến đi dài, thế nên nếu gần tới hạn thay dầu thì tôi sẽ thay luôn, để đảm bảo động cơ được hoạt động trong tình trạng tốt nhất.
Chuyến đi này có tôi, vợ và một cháu lớn, còn cháu nhỏ thì ở nhà với ông bà. Cốp xe dư chỗ cho hành lý, tư trang của 2 người lớn và 1 trẻ em. Ngoài ra, tôi cũng mang thêm trong xe 1 túi cứu thương và 1 bơm lốp điện dự phòng.
Bản thân tôi đã có những cân nhắc nhất định khi chạy xuyên Việt cùng một chiếc sedan như C250 AMG. Chạy xuyên Việt không phải là chuyện đơn giản, và bất kì ai muốn chạy xuyên Việt đều nên có cho mình một mẫu xe phù hợp.
Nhiều người nghĩ rằng chạy xuyên Việt sẽ cần đến 1 chiếc SUV thực thụ, nhưng lộ trình của tôi bám theo đường quốc lộ, nên tôi cũng chẳng cần tới một mẫu xe gầm cao.
Trong hành trình Sapa đầu năm 2018, C250 AMG cũng đã được thử thách khi tôi vô tình lạc đường và phải leo lên những con dốc đầy đá dăm. Tuy chỉ là một mẫu xe dẫn động cầu sau, nhưng xe bám đường rất tốt, từ từ leo lên dốc mà không xảy ra hiện tượng trượt bánh.
Tôi đã độ Racechip để mở hết công suất máy lên khoảng 270 mã lực, đi kèm là bộ điều chỉnh độ nhạy của chân ga điện tử. Về sức mạnh chạy đường dài, như thế là quá ổn.
Và chuyến đi bắt đầu theo lộ trình đã được 2 vợ chồng vạch sẵn với những điểm đến như Quảng Bình, Phá Tam Giang, thành phố Huế, Quy Nhơn, thành phố Nha Trang, Tháp Tràm, Phan Thiết, Vũng Tàu,… Điểm đến cuối cùng là thành phố Hồ Chí Minh. Vì chặng đi này chỉ có tôi là người cầm lái, bản thân cũng chẳng phải là một lái xe chuyên nghiệp nên yếu tố sức khoẻ cần được lưu tâm. Sau mỗi 3 tiếng, cả nhà sẽ bắt đầu tìm địa điểm để dừng chân, nghỉ ngơi. Chuyến đi không quá quan trọng về thời gian tới đích nên tôi muốn cả gia đình có thể dừng lại và thăm thú ở nhiều địa điểm thú vị trong mỗi lần dừng chân.
Trong chuyến đi này, ai cũng có nhiệm vụ riêng của mình. Tôi chịu trách nhiệm lớn nhất là lái xe. Vợ tôi ngồi bên ghế phụ, có trách nhiệm thông tin cho tôi những biển báo giao thông bên đường trong trường hợp mình bỏ lỡ. Còn cháu trai được cho ngồi phía sau để đảm bảo an toàn, đồng thời cũng kiêm luôn chức “nhạc trưởng” với chiếc điện thoại được kết nối qua bluetooth.
Chuyến đi này cũng là lần đầu tiên tôi được chạy xe liên tục ở một tốc độ cao trong cả một quãng đường dài, tất nhiên là vẫn tuân thủ luật lệ giao thông. Với điều kiện sử dụng hàng ngày để đi làm trong khu vực nội đô, di chuyển trong khoảng tốc độ dưới 40 km/h, Mercedes-Benz C250 AMG cho thấy được sự chắc chắn nhưng có gì đó hơi cứng và thiếu mềm mại.
Nhưng khi di chuyển ở dải vận tốc từ 80 – 90 km/h, vẫn là chiếc xe ấy, nhưng cảm giác như tôi đang ngồi trên một khung gầm và hệ thống giảm xóc khác vậy. Việc chạy đều 80 – 90 km/h có vẻ khá tối ưu cho chiếc xe này, đây là tốc độ mà tôi cảm thấy chiếc xe di chuyển êm nhất, vẫn đảm bảo được độ đầm chắc, không vi phạm luật giao thông mà vẫn có được một mức tiêu thụ nhiên liệu hợp lý.
Chặng đi kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng quãng đường 2.065 km. Trong đó có khoảng 1.800 xa lộ, 200 km đi chơi, thăm thú các điểm dừng chân. Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình ghi nhận được là 8 lít/100 km.
Kết thúc chặng đầu tiên với vợ và cháu nhỏ. Hai mẹ con đi máy bay trở lại miền Bắc. Cùng lúc đó, một cậu bạn thân của tôi, bắt máy bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành trong chặng trở về. Nếu như chặng đi mất tới 7 ngày thì chặng về chỉ trong vọn vẹn 3 ngày. Ở chặng về, tôi và cậu bạn đổi lái luân phiên sau mỗi 3 tiếng, chỉ dừng chân tại Sài Gòn và Đà Nẵng. Hai người chạy tất nhiên là mát ga hơn so với khi đi cùng gia đình.
Nếu như lượt đi tôi tập trung vào trải nghiệm du lịch, thì lượt về tôi có thời gian cảm nhận chiếc xe nhiều hơn, đồng thời cũng thấy được rõ hơn những khuyết điểm của Mercedes-Benz C250 AMG.
Sẽ là trực quan nhất nếu đem so sánh với chiếc Mercedes-Benz C200 W204 mà tôi từng sử dụng trước đây. Những ai đã từng chạy cả W204 và W205 mới sẽ cảm nhận được dòng xe cũ chắc chắn hơn rất nhiều. So với thế hệ trước thì ở thế hệ này xe cách âm kém hơn, hệ quả là tiếng ồn trong khoang lái nhiều hơn. Các chi tiết trong khoang lái có độ ráp chưa tốt, nhiều chi tiết còn phát ra tiếng kêu nhỏ. Nhưng có lẽ C-Class là dòng xe thuộc dạng bình dân của Mercedes-Benz, nên lỗi lầm là điều không tránh khỏi, và vẫn còn chấp nhận được.
Có cái hay là trên bản AMG, ghế thể thao và ôm hơn, nên chạy đường dài cũng bớt mỏi. Động cơ turbo có một chút độ trễ, hiểu và quen được thì sẽ thực sự làm chủ được trong những pha bứt tốc hoặc vượt xe. Tuy vô lăng trợ lực điện của Mercedes-Benz C250 AMG W205 không thật và không phản hồi mặt đường tốt bằng bằng trợ lực dầu ở thế hệ trước, nhưng bù lại, Mercedes-Benz C250 AMG W205 có trọng lượng nhẹ hơn. Vì thế, xe linh hoạt hơn khi chuyển làn hoặc ôm cua ở tốc độ cao.
Công nghệ cũng là một trong những yếu tố khiến bản thân tôi cảm thấy tự tin và an toàn khi ngồi sau vô-lăng Mercedes-Benz. Một chuyến đi 10 ngày không đủ để đánh giá toàn bộ công nghệ an toàn, nhưng có một số đã thực sự phát huy và cho thấy tính hiệu quả của nó.
Đầu tiên và đơn giản nhất là hệ thống đèn Mercedes-Benz Intelligent Light. Ngoài chuyện có thể liếc theo hướng lái, nó còn tỏ ra hữu ích với tính năng tự động tắt những màn chập không cần thiết để tránh chói mắt người đi ngược chiều và lái xe. Ví dụ như nếu có 2 xe máy đang chạy phía trước, thì cả dải sáng của đèn pha sẽ xuất hiện 2 vùng tối, và 2 vùng tối đó sẽ di chuyển nếu 2 xe máy di chuyển. Trong đêm tối, mình biết được trước mặt mình đang có gì.
Trước chuyến đi, tôi có can thiệp và độ thêm những gói an toàn cho xe, bao gồm hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng Distronic Plus, hệ thống phanh hỗ trợ phòng ngừa va chạm CPA (collision prevention assist) và hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Cả 3 trang bị trên đều đóng vai trò rất quan trọng trong cả chặng đi và chặng về.
Một trong những điều khó khăn nhất của của việc lái xe đường dài là bạn sẽ phải liên tục tập trung. Nhưng nhờ có Distronic Plus mà mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, tôi lái xe và cảm thấy tiết kiệm được rất nhiều sức lực.
Các hãng xe khác gọi công nghệ này là Adaptive Cruise Control. Sau khi bạn đã cài đặt tốc độ cần thiết, xe sẽ quét các radar và tự động phanh để đảm bảo giữ được khoảng cách an toàn trong trường hợp xe phía trước giảm tốc độ. Nếu đường thông thoáng, xe sẽ tăng tốc trở lại đúng với tốc độ đã cài đặt trước đó.
Với hơn 3.800 km trong cả hành trình, sự cố là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn may mắn trở về nhà an toàn là nhờ vào những công nghệ hỗ trợ mà mình đã lắp thêm.
Sự cố ở chặng đi diễn ra tại khu vực Phan Thiết. Tôi đang di chuyển với tốc độ ổn định, đảm bảo khoảng cách an toàn với xe tải chạy cùng chiều phía trước và chấp hành đúng giới hạn tốc độ 90 km/h. Đột nhiên lúc này xe báo động nguy hiểm bằng âm thanh. Tôi nhìn lên và thấy chiếc xe tải đã phanh gấp.
Ngay lập tức tôi đạp mạnh chân phanh, nhưng tốc độ lúc đó là quá lớn và lực phanh cũng như quãng phanh mà tôi đạp là chưa đủ. Ngay lập tức, hệ thống phanh hỗ trợ phòng ngừa va chạm CPA đã can thiệp, lưng ghế dựng thẳng, dây an toàn được thiết chặt và xe tự động nhấn thêm phanh để dừng hẳn, khoảng cách giữa đầu xe tôi và đuôi xe tải chỉ là hơn 1 mét. Tình huống này viết ra có thể tốn vài dòng, nhưng sự việc xảy ra chỉ trong vài giây. Hoá ra có một đèn đỏ ngay sau khúc cua, đèn tín hiệu này khá khuất nên cả lái xe tải phía trước và tôi đều bị bất ngờ. Nếu không có sự can thiệp của CPA, chắc chắn giữa 2 xe đã xảy ra va chạm.
Sự cố hú vía thứ 2 diễn ra ở chặng về, tôi và cậu bạn chạy trên cao tốc trong điều kiện đường mưa rất to. Và khi đang chạy ở tốc độ cao, tôi nghe thấy một tiếng “cộp” rất lớn. Lúc đó, tôi đoán xe đã va phải cục đá hoặc một ổ gà rất sâu. Nhưng đường mưa quá lớn, lại là trên cao tốc, việc dừng lại kể cả ở làn khẩn cấp là quá nguy hiểm. Vậy nên trong suốt quá trình còn lại, tôi vừa chạy, vừa liên tục theo dõi thông số áp suất lốp. Vì cách Hà Nội không quá xa, theo dõi và thấy áp suất của 4 lốp vẫn ổn nên tôi đã quyết định chạy về tới nơi rồi mới xuống xe kiểm tra lại. May mắn là chiếc vành méo và cái lốp “chửa” vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đưa mình trở về nhà an toàn.
Kết thúc chuyến đi, tôi tiêu tốn hết gần 7 triệu tiền xăng, nhưng tốn tổng cộng 8,5 triệu để nắn lại vành và thay lốp mới. Quả là một cú sập hố nhớ đời. Hành trình này khép lại, tôi hiểu hơn về chiếc xe của mình, có nhiều hơn những kinh nghiệm chạy xe.
Để nói về chuyến đi tiếp theo của bản thân và gia đình thì tôi chưa rõ. Có thể tôi sẽ tiếp tục chọn Mercedes-Benz C250 AMG cho những cung đường mới, cũng có thể tôi sẽ chạy lại cung đường xuyên Việt với một mẫu xe khác và hi vọng vào những trải nghiệm thú vị hơn. Nhưng sau tất cả những cung đường đã qua, những nơi mình đã đến trong suốt hành trình này, cá nhân tôi cảm thấy hài lòng với Mercedes-Benz C250 AMG và cảnh đẹp của đất trời Việt Nam. Đi vui vẻ, về an toàn chẳng phải mới là đích đến cuối cùng hay sao?
Ảnh: NVCC
Nguồn : Source link