Mặc dù đã sắp chuyển sang thế hệ mới nhưng Hyundai Santa Fe hiện tại vẫn là mẫu xe được khách Việt ưa chuộng. Doanh số trung bình xấp xỉ 600 xe mỗi tháng là minh chứng cho điều đó.
Là xe gầm cao đắt đỏ nhất của Hyundai tại Việt Nam thời điểm này, Santa Fe hẳn sẽ khiến không ít người đắn đo trước khi xuống tiền cả tỷ đồng cho một chiếc xe Hàn Quốc. Đánh giá của người dùng sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc thường gặp với xe Hàn nói chung và Santa Fe nói riêng.
Anh Cường đang điều hành một doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng. Anh đang sử dụng một chiếc Santa Fe 2017 máy dầu bản cao cấp nhất, đã lăn bánh hơn 10.000 km. Xe vẫn còn gần như mới với nhiều chi tiết nilon chưa bóc. Anh cho biết xe chỉ đi về quê chứ trong phố chủ yếu vẫn sử dụng xe máy. Ngoài ra, công ty anh còn một chiếc máy dầu khác bản tiêu chuẩn, đời 2015, đã chạy được gần 160.000 km.
Dưới đây là cảm nhận của anh Cường với chiếc Santa Fe của mình sau thời gian sử dụng.
Thực lòng mà nói thì Santa Fe gầm cao cũng chẳng ra hẳn gầm cao, vẫn chỉ là crossover, to hơn một chút so với Tucson. Santa Fe vừa đắt tiền hơn, vừa to hơn, di chuyển trong phố không tiện lắm mà công năng cũng tương đương. Nếu như Tucson máy dầu không gặp vấn đề rung và ồn thì cũng đáng để lựa chọn. Santa Fe êm ái hơn.
Cùng tầm tiền còn có Fortuner nhưng Santa Fe lại không so được cùng phân khúc, vì Fortuner là SUV thuần chất. Tuy nhiên, nội thất Fortuner nghèo nàn, phanh tay vẫn là cơ, cửa sổ trời không có. Tôi lại thích trang bị trên xe phải nhiều nên loại mẫu xe này khỏi tầm ngắm.
X-Trail hay Outlander cũng vậy. Nội thất quá đơn giản. CR-V có hiện đại hơn nhưng đâu đó phảng phất cái tính cách thực dụng của người Nhật. Các chi tiết có thiết kế hơi cục mịch và tạo cảm giác không thoát, ví dụ như chiếc cần số nằm lửng lơ ngay sát bảng điều khiển.
CX-5 được điểm cộng là nhiều đồ chơi nhưng trải nghiệm trên xe khó ưng nổi. Cảm giác xe bồng bềnh, khung gầm không được chắc chắn. Riêng khoản này CX-5 thua hẳn Santa Fe. Hơn nữa, vỏ CX-5 khá mỏng và không dày dặn như Santa Fe mặc dù cùng lắp ráp. Tất nhiên nếu lắp thanh giằng thì CX-5 chạy cứng xe hơn nhưng tựu chung lại không thể bằng Santa Fe.
Nói về trang bị, Santa Fe có đầy đủ các tiện nghi mà xe cùng tầm tiền chưa chắc đã có, từ chỉnh điện ghế lái lẫn ghế phụ, nhớ vị trí, phanh điện tử tự động giữ (Auto Hold) đến cửa sổ trời toàn cảnh…
Đặc biệt hơn, những tính năng đã bị cắt đi khi lắp tại Việt Nam có thể khôi phục hoàn toàn. Chiếc xe của tôi đã lắp cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang, thông gió ghế ngồi, cảm biến áp suất lốp… Tất cả đều chính hãng Mobis của Hyundai bởi tôi thích chiếc xe trông nguyên bản như hãng nhất có thể. Người chịu chơi hơn sẽ lắp thêm cảnh báo làn đường và phanh tự động, đâu kém gì xe cao cấp.
Bởi là xe máy dầu nên không tránh khỏi tiếng ồn nhưng việc giảm thiểu khó chịu khá đơn giản. Tôi đã lắp thêm gioăng cao su ở kính lái và lọc gió điều hoà carbon. Nhờ đó, tiếng động cơ lọt vào xe ít hơn. Các cánh cửa cũng được tôi gắn thêm gioăng cao su. Lốp xe thay bằng loại Michelin. Những yếu tố này cũng góp phần tăng sự yên tĩnh trong khoang xe.
Để nói về độ bền, tôi xin chia ra làm 3 phần. Thứ nhất là chất lượng vật liệu, lắp ráp, thứ hai là động cơ, và thứ ba là hỏng vặt.
Nhìn nhận một cách khách quan với hai chiếc Santa Fe của mình, tôi công nhận chất lượng lắp ráp xe Santa Fe còn chưa tốt. Sau lâu ngày sử dụng, một số bộ phận bắt đầu xộc xệch, ví dụ như bệ tì tay – nơi trẻ con hay đu chân lên. Rồi đến cả nhựa cốp xe cũng vậy. Với sedan có thể được cách âm nhờ cốp xe tách rời còn với Santa Fe có khoang hành lý liền thì nghe rõ tiếng lọc xọc khi qua gờ giảm tốc hay ổ gà.
Nhựa xe Đức ở một tầm hoàn toàn khác. Nhựa ốp phía trước hay táp li cửa cực kỳ dày dặn. Xe Đức đi cả chục năm trời vẫn cực kỳ chắn chắn nhưng với xe Hàn là ọp ẹp ngay, nhất là với xe nào hay bị tháo ra lắp vào các chi tiết nhựa. Lẫy không thể khít được như ban đầu.
Ốc trên xe Hàn cũng làm không tốt lắm. Nếu lỡ tháo lắp mà vặn quá tay là chờn ren. Công ty nhà tôi có đủ loại xe tải nên nắm rất rõ vấn đề này. Chất lượng từ chiếc đinh vít của Hàn Quốc vẫn đi sau hàng Mỹ, Đức. Xe Mỹ có vặn chặt đến mấy cũng không lo cháy ren.
Tiếng tăm máy dầu của Hyundai bền bỉ nổi tiếng nhất thế giới rồi, với xe tải hay xe du lịch cũng vậy. Tôi chưa dám đưa ra nhận xét rằng động cơ diesel trên Santa Fe thực sự bền hay không nhưng trường hợp thực tế với chiếc Santa Fe 2015 chạy gần 160.000 km công ty tôi thì vẫn tốt. Xe đó chỉ chạy đường trường, mức tiêu thụ nhiên liệu hiện tại chưa đến 6 lít/100 km.
Mặc dù vậy, nhược điểm của máy diesel xe Santa Fe là ồn. Càng sử dụng lâu máy nổ càng to, tiếng ồn càng lớn, gây khó chịu. Nhưng không phải xe Santa Fe nào cũng ồn như nhau. Càng chăm kỹ động cơ thì máy sẽ êm hơn xe khác không sử dụng đúng cách. Giải pháp giảm độ ồn của tôi cho xe Santa Fe là lắp gioăng kính trước và lọc gió điều hoà carbon.
Nếu ai nói xe Hàn hay xe Santa Fe hay hỏng vặt thì tôi xin phản bác lại ý kiến này. Của bền tại người. Ai sử dụng xe mà không hiểu về xe của mình thì sẽ dẫn đến hỏng thôi. Chiếc Santa Fe của tôi vẫn chạy tốt mà chẳng hỏng gì. Xe công ty chạy đường dài liên tục mà cũng chỉ cần thay dầu, bi tăng, bi tỳ, dây curoa… Đây là những thứ phải thay định kỳ, xe nào cũng nên vậy, chứ không tính là hỏng hóc của xe.
Các loại dầu cho xe tôi đều thay đúng và còn sớm hơn cả mốc mà hãng đưa ra. Lý do là bởi khí hậu Việt Nam khắc nghiệt. Xe Hyundai ở xứ lạnh, khi vận hành ở Việt Nam, máy móc sẽ phải hoạt động với cường độ cao hơn. Làm như vậy xe mới bền.
Rồi cách vận hành của nhiều người cũng khiến xe nhanh tã. Cứ khởi động máy xong là đạp ga đi luôn, trong khi xe còn hàng tá các chi tiết mà hệ thống phải tự động kiểm tra trước khi lên đường. Động cơ dầu thì cứ đường tắc, đường nhỏ trong phố mà đi? Đi như thế rất hại, tạo nhiều muội, không tốt cho động cơ. Nếu thích đi phố thì sử dụng xe xăng chứ đừng mua máy dầu.
Nhiều người cứ nói là mua Santa Fe cố gắng thêm đôi trăm triệu lên đời xe nọ, xe kia tốt hơn nhưng đó chỉ là cái nhìn trước mắt. Giả sử cố quá mua được xe Mercedes-Benz GLC rồi tiền không có mà nuôi, lại phải bán. Người dư dả tài chính không nói tới, mà người sử dụng xe ở đây cần tính kỹ tới chi phí phát sinh lâu dài khi mua xe.
Với Santa Fe thì chi phí nuôi xe rất thấp. Một năm chi 5-10 triệu đồng sửa sang chiếc xe là quá thừa. Nhưng với Mercedes-Benz, số tiền đó đố sửa được xe. Nhà tôi còn có chiếc Mercedes-Benz S500, riêng thay ắc-quy phụ đã 12 triệu, lọc gió điều hoà đợt vừa rồi thay hết 6,8 triệu. Lọc xịn tôi đặt về cho Santa Fe có 550 ngàn đồng.
Không chỉ Santa Fe mà xe nào cũng vậy thôi, vẫn là bài toán giá thành trước khi đưa tới tay người tiêu dùng. Vừa đòi hỏi xe đẹp, nhiều trang bị công nghệ, lại bền, khung vỏ và nhựa xe dày dặn, gầm bệ chắc chắn, thay đồ rẻ, thì chi phí cho một chiếc Santa Fe khi đó chắc chắn sẽ đội lên cả trăm triệu đồng.
Lấy ví dụ chiếc Santa Fe bản đủ mà tôi mua giá 1,07 tỷ, còn Fortuner cao nhất là hơn 1,35 tỷ. Khoản chênh lệch tới gần 300 triệu đồng. Giả sử đắp thêm số tiền đó vào một chiếc Santa Fe, tôi đảm bảo đi sướng hơn rất nhiều. Vỏ làm dày hơn, khung rồi các chi tiết hoàn thiện khi đó cũng tốt hơn.
Nếu ai hỏi tại sao Hyundai Thành Công không tăng thêm một vài trăm triệu làm chiếc Santa Fe hoàn hảo hơn đi, thì tôi hỏi ngược lại, liệu có bao nhiêu người tại Việt Nam dám chi thêm số tiền đó để mua một chiếc xe này? Khi mua xe còn phải đắn đo 5-10 triệu mặc cả chứ chưa nói đến tiền trăm. Vậy thì đừng vội phàn nàn rằng hãng cắt đồ nọ, làm đồ kia chưa tốt mà trước hết hãy nhìn vào giá xe và soi kỹ xe khác cùng tầm tiền.
Chung quy lại, việc so sánh Santa Fe với các xe khác cũng chỉ là theo ý kiến cá nhân. Riêng tôi cảm thấy hài lòng với xe Santa Fe cùng khoản tiền bỏ ra bởi chiếc xe đáp ứng đúng nhu cầu của tôi. Thú thực, tôi không thích một mẫu xe nào nhất định mà thích những gì chiếc xe phục vụ mình.
Một số hình ảnh khác của Hyundai Santa Fe 2017:
Nguồn : Source link