So với xe Nhật và Hàn Quốc, những chiếc ô tô Đức thường mất giá nhanh hơn sau một thời gian sử dụng. Tại cùng thời điểm mua, một chiếc Mercedes-Benz C200 có giá cao hơn Toyota Camry, nhưng chỉ sau vài năm, giá chiếc C200 cũ bán lại có thể chỉ ngang Corolla Altis cùng đời.
Tưởng như một món hời, nhiều người bắt đầu muốn “nhảy hố vôi” (ám chỉ tham gia một thú chơi tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc). Đảo qua các chủ đề liên quan tại một vài diễn đàn về ô tô, hay hỏi những người xung quanh đã và đang sử dụng xe một thời gian dài, câu trả lời thường nhận được là: “Tốn lắm. Nuôi như nuôi con nghiện.”
Khá yêu thích xe Đức nhưng đang dùng chiếc Toyota Corolla Altis, tôi quyết định gặp một người có nhiều năm sử dụng xe Mercedes-Benz, đã mua và sử dụng những chiếc xe cũ, để xem liệu mình có nên “nhảy hố vôi” hay không.
Anh Hiệp là quản lý doanh nghiệp và có đam mê tìm hiểu về kỹ thuật ô tô, đặc biệt là xe Đức. Anh đã từng cầm lái những chiếc E-Class chính hãng đời đầu tại Việt Nam mà công ty anh đặt mua về phục vụ kinh doanh.
Hiện nay, anh Hiệp đang sở hữu một chiếc Mercedes-Benz C200 2007 và chiếc C180 2003. Cả 2 xe đều được mua dưới dạng đã qua sử dụng. Chiếc C200 đã lăn bánh hơn 100.000 km, trong khi chiếc C180 có số odo hơn 200.000 km. Một chiếc C200 2007 còn tốt được đang được rao bán trên thị trường với giá khoảng trên 400 triệu đồng.
Dưới đây là chia sẻ của anh Hiệp về chiếc xe của mình sau vài năm sử dụng, cũng là câu trả lời cho một số thắc mắc thường gặp của những người muốn tìm hiểu về xe Mercedes-Benz cũ.
Tôi thừa nhận quan niệm “nuôi xe như nuôi con nghiện” này đúng, nhưng đã lỗi thời. Trước đây, việc bảo dưỡng hay thay thế phụ tùng, ngoài vào hãng, khó tìm được lựa chọn nào khác. Mỗi lần xe “hắt hơi, sổ mũi”, khi đưa vào hãng sẽ khá đau đầu khi nhìn hoá đơn, tới cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, thời buổi công nghệ đã phổ cập, trong khoảng 4-5 năm gần đây, mua phụ tùng xe Đức ở ngoài không thiếu với giá thấp hơn khá nhiều. Hàng nhái tôi không đề cập đến. Hàng chính hãng có thể đặt eBay từ Mỹ hay châu Âu về, thậm chí đặt từ Trung Quốc. Mercedes-Benz có thị phần khá lớn tại Trung Quốc, nhà máy được đầu tư mạnh, nhân công dồi dào, nên giá phụ tùng tại đây thấp hơn là điều hiển nhiên. Chất lượng sản xuất của hãng xe Đức phải đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Ở Việt Nam cũng vậy với xe “Mẹc” lắp ráp.
Để sử dụng xe Mercedes với chi phí thấp nhất cũng phải am hiểu về xe. Tôi lấy ví dụ thế này với chiếc xe của tôi, khi chiếc càng A sau khi đi một thời gian sẽ lão hoá phần đệm cao su. Đơn giản chỉ cần thay chân cao su càng A là xong. Càng có méo đâu mà phải thay cả bộ?
Ngày xưa công nghệ chưa phổ cập, người ta còn chưa thay được miếng cao su nên chủ xe sẽ phải móc cả khoản hầu bao lớn để thay nguyên bộ càng. Giờ đây có máy ép thuỷ lực, ép được miếng cao su hoàn toàn nhanh chóng. Chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng.
Một khi vào hãng, sự sửa chữa là rất ít. Tuyệt đại đa số là thay thế, mà đã thay thì chi phí không hề nhỏ. Tôi không tiếc cả chục triệu đồng thay càng A nếu như đó là điều bắt buộc, còn trong trường hợp này, tôi thấy thay toàn bộ là không cần thiết, lãng phí tiền. Một số chi tiết như má phanh mòn hay gioăng cao su mòn theo thời gian thì thay bộ phận đó là điều đương nhiên.
Về xăng cộ “uống như uống nước”, tôi khẳng định điều đó là không đúng với chiếc C200 này. Bạn đi chiếc Altis máy hơn 130 mã lực, ăn xăng trung bình 7-8 lít/100 km, thì tôi đi chiếc C200 máy hơn 180 mã lực, xăng 10-11 lít/100 km hỗn hợp là điều dễ hiểu. Bỏ khoản chênh lệch về xăng đó, tôi được tận hưởng chiếc xe mạnh hơn khá nhiều.
Hơn nữa, sau nhiều năm sử dụng “Mẹc”, tôi đã quen xe nên việc điều số và vòng tua theo ý muốn rất dễ dàng. Tốc độ thấp ở số cao, vòng tua thấp giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Người ta thường sợ khi có đèn hay thông báo trên bảng táp-lô xe Mercedes-Benz, cho rằng xe hay hỏng vặt và “báo lỗi tùm lum”. Tôi đánh giá đây là điểm mạnh, là tính năng an toàn mà những chiếc xe Nhật hay Hàn cùng tầm tiền không có được.
Má phanh mòn, xe báo chi tiết độ mòn; đèn chiếu biển số hỏng, xe báo cụ thể vị trí hỏng… Hay đến thế cơ mà!
Tôi từng lái chiếc Daewoo Gentra mà má phanh mòn không hay biết. Nhớ có lần vượt xe trên đường quốc lộ, bất ngờ thấy xe tải ập tới, phanh dúi dụi mà không thấy xe giảm tốc độ. May sao, tôi xử lý phanh kịp bằng số nên thoát hiểm. Xác định thà vỡ hộp số còn hơn nguy hiểm tới tính mạng. Xém chết!
Nói thế để mọi người hiểu rằng việc báo lỗi trên táp-lô xe Mercedes-Benz, hay cả BMW, Audi… khá thông minh. Thử nhìn trong phân khúc C200, xe Camry hay Accord có tính năng như vậy không?
Các chi tiết khác trên xe đến kỳ đều hao mòn. Xe nào cũng vậy, cả Toyota hay Hyundai, không cứ phải xe Đức. Mòn mà xe báo mình biết để thay là tốt, chứ nhiều người đi xe không để ý, phanh mòn vẹt rồi cũng chẳng biết, rất nguy hiểm.
Tôn trọng ở đây không phải là người ngoài tôn trọng mình, mà là chiếc xe tôn trọng chủ của nó. Các tính năng an toàn khỏi bàn, ngay cả với những chiếc C-Class “bình dân” đã có tuổi đời hơn chục năm. Khung gầm chắc chắn, vỏ xe dày, khả năng cách âm rất tốt. Lỗi đến đâu, hao mòn đến đâu, xe báo cụ thể đến đó.
Bản thấp nhất dòng C-Class 2007 đã được trang bị âm thanh Harman Kardon Logic 7. Ở phía ngoài, xe có đèn xenon tự động, đèn sương mù tự động theo góc lái. Cảm biến xung quanh xe được bố trí đèn báo trước, sau rất tinh tế… Để kể hết còn rất nhiều. Thiết kế từng chi tiết trên xe dường như đã được nghiên cứu rất kỹ dựa trên việc sử dụng xe thực tế để đem đến trải nghiệm tốt như vậy.
Tâm lý người mua hàng đa số theo phong trào. Xe giữ giá hay mất giá cũng từ cái phong trào và truyền miệng đó mà ra. Bố tôi là người cũng sử dụng xe hàng chục năm, khi thấy tôi mua về chiếc C200 2007 giá chỉ hơn 400 triệu, thốt lên: “Sao tiền ngần ấy mà mua được cái xe như thế này. Không mua xe này còn mua xe nào nữa?”
Người ta cứ chê và e sợ sử dụng xe Đức khiến giá xe cũ giảm sâu. Nhờ thế, tôi thấy hời khi mua xe cũ. Có lên đời, tôi cũng chỉ chọn Mercedes-Benz, và tôi muốn nhấn mạnh là dòng C-Class. Riêng S-Class ở tầm khác, sửa chữa phức tạp hơn rất nhiều. Dòng C lành, mua cũ được và chi phí chăm xe một năm có khi không đến 10-20 triệu đồng nếu xe tốt.
Một số hình ảnh khác của Mercedes-Benz C200 2007:
Nguồn : Source link