Chung tên, khác gốc
Passport cõ lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ với những ai từng quan tâm tới Honda vào đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, thực chất 2 mẫu xe này chẳng hề liên quan gì tới nhau trừ cái tên. 16 năm trước, Passport thực chất là Isuzu Rodeo được gắn logo Honda trong khi mẫu crossover 2 hàng ghế hiện nay được chế tạo mới hoàn toàn với nhiệm vụ làm cầu nối giữa CR-V cỡ nhỏ và Pilot cỡ lớn, qua đó hoàn thiện đội hình xe đa dụng của Honda.
Vận hành mạnh mẽ
Trên thực tế, Passport “hoàn toàn mới” sử dụng khá nhiều nền tảng cơ khí và kỹ thuật của Pilot, chỉ có điều chiều dài bị gọt bớt đi và hàng ghế thứ 3 không còn. Động cơ xe sử dụng là loại V6 3.5L SOHC 280 mã lực đã quá nhẵn mặt trên các dòng xe Honda khác, kèm với đó là tùy chọn hộp số tự động 9 cấp ZF duy nhất với khả năng xuống số nhanh hơn. Combo này vừa vặn đủ sức mạnh để mang lại cảm giác đôi chút dư dả cho Passport dù trọng lượng xe không nhẹ hơn Pilot là bao.
Ngoài khả năng vận hành tốt, hiệu suất nhiên liệu của động cơ V6 này cũng được cải thiện nhờ khả năng vô hiệu hóa 3 xy-lanh khi cần thiết, đồng thời trục lái phía sau tách ra và ngưng hoạt động khi tải trọng xe không quá nặng và dẫn động 2 cầu là không cần thiết. Passport tiêu tốn trung bình từ 10,7 tới 11,2 lít xăng trên mỗi 100 km – một thông số không quá xuất sắc nhưng nhìn chung cũng không tồi.
Một trong những ưu điểm của Passport, theo lời Honda, là khả năng off-road bất chấp việc xe sử dụng khung thân liền khối. Phiên bản mà chúng tôi có dịp sử dụng là cấu hình Elite cao cấp nhất trang bị hệ dẫn động 2 cầu. Khung gầm xe không có tấm bảo vệ va đập bên dưới nhưng khá thoáng và cao ráo (khoảng sáng gầm xe hơn 205 mm) nhờ lò xo dài.
Cũng bởi vậy, xe sở hữu góc tiếp cận và góc thoát tốt, có lẽ là hơn hẳn những gì mà một chủ xe thông thường cần. Hệ dẫn động 2 cầu cho độ bám đường chấp nhận được. Các chế độ lái Sand (cát), Snow (tuyết) hay Mud (bùn) khi được thử nghiệm đều chuyển mô-men xoắn tới các bánh cần thiết khá chính xác. Hệ thống kiểm soát hướng lực kéo chủ động đi kèm vi sau phía sau cho phép Passport chuyển 100% mô-men tới trục sau khi xe mắc kẹt.
Toàn bộ phiên bản Passport đều sử dụng la zăng 20 inch đi kèm lốp Continental CrossContact LX Sport 265/45R-20 góp phần giúp chiếc crossover vượt mọi địa hình đã nhắc tới ở trên khá dễ dàng. Thiết kế la zăng có thể nói là khá đẹp nhưng khiến xe khá rung lắc khi vận hành off-road ở tốc độ tầm trung trở lên.
Khá đáng buồn là dù Honda nhấn mạnh khả năng off-road như 1 điểm mạnh của Passport, xe lại không hề trang bị tính năng hỗ trợ đổ đèo. Để bù trừ cho khuyết điểm này, chân phanh của xe mang lại cảm giác đầm, chắc chắn và dễ điều khiển, nếu không thật sự đây là một yếu điểm thảm họa của chiếc crossover Nhật.
Cảm giác mà Passport mang lại khi vận hành onroad y hệt Pilot. Vô lăng khá nặng ở trung tâm và nhẹ như bẫng khi đã vào gần hết lái. Trọng tâm xe cao thể hiện rất rõ qua từng khúc cua gấp do trọng lượng xe không hề nhẹ. Passport có khả năng kéo tối đa xấp xỉ 2.300 kg nhưng yêu cầu bộ linh kiện full bên ngoài (bao gồm dây chằng, móc kéo và bộ làm mát hộp số có tổng giá trị gần 1.000 USD).
Nội thất chấp nhận được
Những fan ruột của Honda có thể nhận ra ngay nội thất Passport lấy nguyên gốc từ đâu chỉ qua một cái nhìn. Cả táp lô, vô lăng và cụm điều khiển trung tâm đều mang đậm dáng hình Pilot. Ghế và tựa tay trước khá thoải mái so với một mẫu xe bình dân. Hàng ghế sau có khả năng tiến lùi khá rộng cùng góc nghiêng lưng ghế vừa phải.
Thiết kế ngoại thất vuông vắn giúp không gian bên trong Passport khá rộng và thoáng, thể tích khoang hành lý cũng thuộc hàng tốt (1.161 lít ở trạng thái thông thường và 2.209 lít khi gập hết hàng ghế thứ 2).
Về trang bị, Passport khởi đầu với cấu hình Sport (33.000 USD) với đèn pha/hậu LED, khởi động xe từ xa và màn hình giải trí cỡ nhỏ. Cao cấp hơn một chút là bản EX-L (37.500 USD) bổ sung màn hình cảm ứng 8 inch tích hợp Android Auto/Apple CarPlay, nội thất bọc da và cửa hậu chỉnh điện.
Ở mức giá 40.325 USD là bản Touring có thêm ghế sau sưởi, giá để đồ trần xe và cảm ứng đỗ xe trước/sau. Bản Elite cao cấp nhất (44.725 USD) trang bị ghế trước làm mát, vô lăng sưởi và sạc điện thoại không dây.
Khác nhau về trang bị là vậy nhưng Honda cam kết đảm bảo an toàn cho mọi hành khách của mình khi gói Honda Sensing xuất hiện dưới dạng tiêu chuẩn ở mọi cấu hình từ thấp đến cao với những tính năng như Cruise Control thích ứng, cảnh báo va chạm trước và hỗ trợ giữ làn.
Tựu chung lại, gọi Honda Passport 2019 là hoàn toàn mới có hơi quá xa vời nhưng nhiệm vụ và kỳ vọng mà thương hiệu Nhật đề ra cho mẫu crossover này nhiều khả năng sẽ bị vượt qua dễ dàng. Từ nay, khách hàng chọn mua xe Honda sẽ có thêm một lựa chọn sáng giá mới ở tầm trung thay vì phải lựa chọn một mẫu xe nhỏ (CR-V) hoặc to (Pilot) hơn mình mong muốn nữa. Liệu chừng đó có là đủ để Passport vượt mặt được “kỳ phùng địch thủ” Hyundai Santa Fe trên toàn cầu?
Tham khảo: CarAndDriver
Nguồn : Source link