‘Chủ cũ coi như gánh nặng, chủ mới coi như món hời’


Tôi nhớ cách đây không lâu vẫn còn nhìn thấy đâu đó trên YouTube, Tùng cầm lái chiếc Triumph Scrambler 1200 phân khối. Ở trước bình xăng là chú chó Alaska to bằng nửa người trưởng thành. Nhưng rồi mới chỉ vào đầu câu chuyện, Tùng nói kể từ vlog đèo “Bơ” trên bình xăng đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi trong tủ chìa khóa mà chính Tùng cũng bất ngờ khi nhìn lại.

Cuộc sống của Tùng sau khi chuyển từ vần xe 2 bánh sang 4 bánh có gì khác biệt so với trước đây?

Cũng khác khá nhiều đó, có thể nói là vừa nhẹ nhàng và cũng vừa “nặng” hơn ở những chỗ khác. Những người chơi phân khối lớn thường sẽ có thêm một chiếc xe ga như SH, Lead hay Air Blade để vận hành trong phố. Nhưng mình thì khác, mình chỉ sở hữu duy nhất 1 chiếc Triumph Scrambler 1200cc, đổ đầy cả xăng sẽ rơi vào khoảng 230kg nên việc di chuyển trong nội thành khá là nặng nề.

Kể từ khi đổi sang 4 bánh, mình thấy việc di chuyển trong phố trở nên dễ dàng hơn, nhưng lại “nặng nề” ở một chỗ khác. Đó là tự nhiên mình lại trở thành “kỹ sư”.

Vì sao lại trở thành “kỹ sư” khi mua ô tô?

Để trả lời câu hỏi này thì phải tua lại thời gian một chút. Mình bắt đầu mua chiếc xe đầu tiên vào thời điểm 11/2021. Đó là một chiếc BMW E46 đời 2004. Từ đó đến nay cũng trải qua nhiều đời xe BMW, mình bắt đầu biết một vài điều như nước làm mát vì sao lại sôi nhanh, thay ống dầu trợ lực trên xe thế nào, kiểm trả đáy các te hộp dầu hộp số… Chắc bây giờ có thể ra xưởng và phụ việc cho các anh thợ được rồi. (cười)

Cơ duyên nào đã khiến Tùng biết đến BMW cổ?

Bắt đầu từ hơn một năm trước, lúc ấy mình có một hội các anh em chơi phân khối lớn nhỏ trong Sài Gòn. Không còn nhớ câu chuyện thế nào nhưng mình và các anh em có trêu nhau rằng mặc dù đã bỏ một số tiền không nhỏ ra để mua xe thế nhưng vẫn là xe… không có mái, nắng vẫn tới mặt mà mưa vẫn tới đầu. 

Thế rồi có một cậu em nói rằng trên thị trường giờ đang có những chiếc BMW cũ chỉ dao động từ 150-200 triệu đồng, tức là bằng ⅓ chiếc Triumph của mình lúc bấy giờ. Đây chính là mấu chốt khiến BMW ghim vào đầu mình lúc đó.

Trải qua thời điểm dịch Covid-19, mình trở lại Hà Nội và quyết định lập gia đình. Lúc ấy mình có một chú chó, vợ mình cũng có một chú chó và thế là phải tính tới chuyện mua ô tô để 2 vợ chồng vừa di chuyển mà lại vừa có phương tiện để chở 2 “ông em”. Và chỉ sau có 1 tuần, mình đã ở trong hết các hội nhóm từ đời xe BMW E46, E60, E90, F30… Quyết định “nhảy hố vôi” của mình khá là nhanh khi biết rằng những chiếc BMW này vừa có thể làm phương tiện đi lại mà vừa có thể “chơi”.

Người ta thường nói BMW cổ thời gian lên cầu nâng còn nhiều hơn cả thời gian chạy ngoài đường, vậy lý do gì đã khiến Tùng quyết định chiếc xe đầu tiên của mình là một chiếc xe BMW đã gần 20 năm tuổi?

Mình vốn không thích mình chiếc xe trông bình thường hay mọi người gọi là xe “zin”. Khi lê la tìm hiểu các hội nhóm, mình thấy những người đi BMW thường độ chiếc xe của mình thành một phiên bản độc nhất mang đậm dấu ấn cá nhân chủ sở hữu. Máu độ xe phân khối lớn của mình trỗi dậy, các bạn thậm chí chỉ cần search từ khóa “BMW E46” trên YouTube là có thể nhận được hàng tá video cả trong lẫn ngoài nước về việc độ chế chiếc xe này thành một chiếc xe hầm hố không khác gì xe đua. 

Cũng có rất nhiều người can ngăn mình rằng BMW là những chiếc xe khá “đỏng đảnh”, tiền bảo dưỡng nhiều hơn tiền xe, thi thoảng lại ăn vạ ngoài đường… Nhưng tính mình cũng ngang, đã thích một điều gì thì sẽ muốn tự mình trải nghiệm, kể cả có vất vả ra làm sao. Và cứ như thế mình “nhảy hố vôi” BMW với chiếc E46 là chiếc xe đầu tiên. 

Điều thắc mắc tiếp theo đối với rất nhiều người chơi BMW đó là tiền chi phí sửa chữa có trở thành một rào cản không?

Nhiều người truyền tai nhau BMW sửa chữa đắt đỏ và tốn rất nhiều thời gian, chắc chắn rồi. Thế nhưng nếu chịu khó đào sâu thêm một chút nữa, mọi người sẽ thấy rằng thời điểm hiện tại nuôi BMW cổ không còn đắt đỏ như trước nữa.

Thương mại điện tử mở rộng như hiện nay đã khiến cho việc mua một món đồ nhất là từ “người bạn hàng xóm” của Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Phụ tùng từ các hãng thứ ba cũng đã rất dồi dào, không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào hãng. Ví dụ một cái bơm nước trên xe vào khoảng 5-6 triệu đồng, thế nhưng khi vào hãng họ sẽ bắt buộc bạn phải thay cả dàn từ bơm cho tới ống dẫn rơi vào khoảng vài chục triệu. 

Vậy trong 1 năm vừa qua, Tùng đã trải qua những mẫu BMW nào?

Mình khởi đầu với một chiếc E46, sau đó chỉ vài tháng là chiếc E60. Chiếc E60 phải nằm xưởng hơi lâu vì những hạng mục bảo dưỡng nặng nên mình mua thêm một chiếc E90 để di chuyển hàng ngày. Sau này khi những chiếc xe trên đều không thể thỏa mãn bản thân nên mình quyết định thử một chiếc BMW “đời mới” hơn một chút là BMW F30. Nhưng đây cũng chỉ là chiếc F30 đầu tiên, sau này có một anh bạn chơi thân muốn mua lại nên mình đã tìm đến chiếc F30 hiện tại mà mình đang sở hữu.

Trong 1 năm vừa qua Tùng chỉ mua BMW thôi hay có chiếc xe của hãng nào khác không?

Xen giữa những chiếc BMW mình có thử trải nghiệm C 300 W204. Tuy nhiên, chiếc xe đó khiến mình cảm thấy vẫn hơi thiếu một điều gì đó so với những chiếc BMW mình đã sử dụng. Ví dụ như vô lăng cảm giác nhẹ, và hộp số cũng không nhanh nhạy hiểu ý người lái. Tất nhiên Mercedes-Benz hướng tới cảm giác sang trọng và tiện nghi, thế nhưng tiêu chí này dường như không phù hợp với mình lắm nên mình vẫn quyết định quay trở lại BMW.

Nhân tiện đang nhắc lại chiếc C 300 của mình, đây cũng là một kinh nghiệm xương máu mà chính mình đúc kết ra rằng, đừng tin vào người chủ cũ nói rằng “xe ngon chỉ cần đổ xăng là đi”. Sau khi lái chiếc C 300 được vài ngày, mình nhận thấy xe bị hụt ở khoảng vận tốc 30-40 km/h. Sau khi bắt bệnh ở nhiều gara khác nhau, mình phát hiện ra chủ cũ… không thay dầu cho xe. Cặn dầu đóng thành từng mảng, cảm tưởng có thể lấy thìa xúc ra như xúc vữa. Chiếc xe đó cuối cùng phải hạ máy, ngâm vào nhiều loại hóa chất và mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi lại thể trạng máy ban đầu.

Lời khuyên cho mọi người là hãy check thật kĩ xe trước khi mua, đừng ngần ngại bỏ một ít chi phí ban đầu để kiểm tra xe tại các gara, tránh mua phải xe lỗi, lúc ấy bỏ cũng không được mà đi cũng chẳng xong.

Vậy Tùng còn kỷ niệm nào đáng nhớ với những chiếc xe BMW của mình không?

Có chứ. Đó là hồi mình vẫn còn chập chững lái xe, lúc đó xe báo lỗi và mình đành phải vào một gara lạ để kiểm tra. Sau khi báo giá, mình thấy lạ khi trong hóa đơn có một hạng mục là 980.000 đồng dành cho 4 chiếc vòng cao su be bé. Lúc ấy mình rất bối rối và phân vân, nhưng quyết định sẽ quay lại sửa vào hôm sau. Với việc sẵn kênh YouTube và máy ảnh, mình quay trở lại và dựng chân máy, làm vlog đi sửa xe. Mọi chuyện rất bình thường cho đến khi mình giơ hóa đơn trước máy quay và chỉ ra chi phí 4 chiếc vòng cao su gần 1 triệu đồng. Lúc này anh chủ gara mới đi ra và nói nhỏ hôm vừa rồi tính nhầm đơn giá, 4 chiếc vòng này đã nằm trong chi phí khác. 

Mình vui vẻ đồng ý và không hẹn quay trở lại gara này lần sau. Bài học ở đây là nên tìm một gara uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.

Mình rất muốn biết suy nghĩ đầu tiên của Tùng khi xuống tiền mua chiếc E46.

BMW cổ nó lạ lắm. Chủ cũ coi như một gánh nặng chỉ muốn đẩy đi thật nhanh, còn chủ mới thì đây lại như một món hời. Thông thường khi làm quen với một thú chơi nào đó, người ta sẽ thường đi từ những thứ cơ bản nhất, nhỏ nhất, nhưng với mình khi bắt đầu chơi xe tay côn, mình đã vập ngay vào một chiếc Triumph. Điều này khiến mình không có những trải nghiệm từ nhỏ tới lớn để biết rằng chiếc xe của mình vì sao nó hay hơn những chiếc xe nhỏ hơn, 2 máy khác gì với 3 máy, 4 máy…

Khi sang đến ô tô, mình quyết định đi từ những “level” thấp nhất để hiểu rằng một chiếc xe vận hành ra sao, trải nghiệm như thế nào. Nếu không phù hợp có thể quay xe ngay vì cái gì đã hơn 10 năm tuổi thì sẽ không thể mất giá hơn được nữa. Nhưng nhờ đó, mình biết được rằng từ cách đây 2 3 chục năm, người ta đã mê cảm giác lái của BMW từ lúc trợ lực dầu, rất chính xác và phản hồi trực tiếp những gì trên mặt đường tới tay người lái, hay hỏng vì bị sôi nước làm mát, bung ống dầu trợ lực tay lái…

Nếu dùng 3 từ để miêu tả về chiếc xe hiện tại của mình, Tùng sẽ nghĩ ngay tới 3 từ gì?

Thứ nhất là “Láo” vì nhiều lúc xuống hầm để xe, mình tự thấy chiếc xe của mình độ ngoại hình hầm hố, pô to, ngổ ngáo và có độ “ngông” nhất định.

“Vui” vì cảm giác lái chắc chắn là thỏa mãn được những pha tăng tốc đảo làn của mình rồi. Có anh em giao lưu, có trải nghiệm tự tay vọc vạch mẫu xe của mình. 

“Đủ” vì hiện tại với gia đình 2 vợ chồng, 2 chú chó và 1 chú mèo – một chiếc sedan như F30 là quá đủ để chở tất cả các thành viên đi chơi đây đó rồi. Mình còn đang có dự định trước khi có em bé sẽ trải nghiệm thử một chiếc Sedan 2 cửa xem cảm giác sẽ như thế nào. (cười)

Cảm ơn Tùng đã tham gia buổi trò chuyện, chúc Tùng năm mới hoàn thành được nhiều dự định cá nhân và vững tay lái trên mọi nẻo đường. 



Nguồn : Source link