Bất ngờ hơn những con số trên giấy!


Trong buổi trải nghiệm xe Terra tại Tổ hợp LePARC (Hà Nội), Nissan Việt Nam tổ chức những thử thách để khai thác triệt để tiềm năng của chiếc xe. Một chiếc SUV như Nissan Terra như được “thả hổ về rừng” khi đưa vào những cung đường như vậy.

Tuy nhiên, với một sản phẩm mới, Terra đang đứng giữa ranh giới niềm tin của người tiêu dùng bởi trên thị trường đã có khá nhiều đối thủ cùng phân khúc xuất hiện từ nhiều năm trước. Terra có gì hơn thua các mẫu xe khác hẳn sẽ là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi tìm mua một chiếc SUV trong tầm tiền trên dưới 1 tỷ đồng.

Để giải đáp phần nào thắc mắc đó, tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với anh Nguyễn Thanh Hải (còn được biết đến với tên Hải Kar) ngay tại sự kiện. Anh Hải là một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, từng cầm lái rất nhiều mẫu xe khác nhau và là người tổ chức những chặng đua offroad lớn tại Việt Nam.

Tôi là một người “low-tech”, quen với những giá trị truyền thống hơn là công nghệ hiện đại. Do đó, chiếc xe với nhiều công nghệ như thế này thực sự thiết kế cho số đông. Đặt địa vị là một người dùng bình thường, muốn vượt đèo, leo dốc, thì những công nghệ như hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo, hiển thị độ nghiêng thân xe… đã đáp ứng rất tốt rồi.

Đoạn đường địa hình như vậy với tôi và một chiếc SUV như Nissan Terra không có gì khó khăn cả. Đó gần như một lẽ hiển nhiên bởi chiếc xe hoàn toàn dư sức vượt qua. Không có điểm nào chê khi nói về việc offroad.

Nhưng có một điều ở chiếc xe khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Nó vận hành ổn hơn khá nhiều so với việc chỉ nhìn thông số kỹ thuật ghi trên tờ catalog. Trước khi cầm lái, tôi không nghĩ một chiếc SUV máy xăng lại mang đến trải nghiệm tốt như vậy.

Chiếc xe tôi chạy thử là bản cao nhất, máy xăng, 4×4. Ban đầu tôi hơi bất ngờ, vốn nghĩ máy xăng đuối hơn máy dầu rất nhiều về mô-men xoắn thì tăng tốc trên đoạn đường đó sẽ yếu. Với một người quen với khả năng tăng tốc trên xe máy dầu, khi chuyển sang xe xăng dễ có cảm giác nhạt nhẽo. Nhưng ở Terra, việc kết hợp một cách tối ưu giữa động cơ và hộp số bù trừ được sự hụt hẫng đó, tất nhiên không phải hoàn toàn nhưng đủ để có được sự hài lòng.

Cụ thể ở đây, mô-men xoắn theo thông số kỹ thuật tương đối lép vế (241 Nm/4.000 rpm) khi so với xe máy dầu (450 Nm/2.000 rpm), nhưng cách phối hợp của hộp số, của từng cấp số với động cơ đem lại cảm giác tăng tốc rất OK. Nó không yếu như máy xăng khác có công suất với mô-men xoắn tương đương.

Đi ra ngoài đường trường, cảm giác tay lái khá quan trọng. Có thể nhiều người chê tay lái trợ lực dầu của chiếc Terra là nặng và lỗi thời, còn tôi cho rằng đó là điểm cộng. Phản hồi bề mặt đường lên tay lái trợ lực dầu thật hơn trợ lực điện. Xử lý tình huống nhờ đó cũng chính xác hơn. Ngày nay, nhiều hãng xe đã làm trợ lực điện rất tốt rồi nhưng không phải đa số bởi chỉ xuất hiện trên các dòng xe cao cấp. Hơn nữa, trợ lực dầu bền bỉ hơn, ít tốn kém chi phí sửa chữa ví dụ như trợ lực điện nếu bị vào nước.

Ghế ngồi chiếc Terra đem đến cảm giác trọng tâm của người ngồi lái thấp. Thường với SUV, ghế lái sẽ đẩy trọng tâm người lên cao. Với kiểu ngồi thấp tựa sedan, khi chạy, chiếc xe cho cảm nhận yên tâm hơn, thể thao hơn và… không sợ lật. Đó chỉ là cảm quan nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là tư thế ngồi đó khá ổn. Không gian ngồi cũng rất thoải mái. Tôi cao 1,83 m và hoàn toàn hài lòng.

Việc dùng camera giả lập môi trường xung quanh sẽ là điểm mạnh khi sử dụng trong đô thị. Nó thực sự là đặc tính tốt và hữu dụng cho người dùng chứ không phải khoe mẽ công nghệ gì cả, bởi chiếc xe này thực sự khá lớn. Đa số người mua xe sẽ thích tính năng này và chắc chắn sẽ sử dụng nếu thường xuyên khi di chuyển trong phố. Các tính năng khác như cảnh báo va chạm, điểm mù và làn đường phát huy tác dụng rõ rệt trên cao tốc.

Sở dĩ tôi nói Nissan không khoe mẽ là bởi riêng thương hiệu này đã là một nền tảng tốt cho mẫu xe mới như Terra rồi. Độ bền bỉ, chất lượng hoàn thiện, khả năng vận hành là những yếu tố cơ sở mà người dùng đặt niềm tin vào. Từ đó, Nissan tạo giá trị gia tăng cho chiếc xe, chính là công nghệ an toàn, để có tính đặc trưng và thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.

Thực sự mà nói, khoảng cách giữa các SUV cùng phân khúc, tầm tiền là không quá nhiều. Các hãng đều cố gắng đưa những gì tốt nhất lên sản phẩm của mình. Nhưng không phải vì thế xe nào cũng như nhau. Mỗi mẫu xe lại có giá trị đặc trưng. Và với Terra, đó là công nghệ.

Như tôi vừa nói, Nissan rất biết cách thêm gia vị vào sản phẩm. Công nghệ mới không quá nhiều, đủ dùng và được đưa vào đúng thời điểm.

Ưu điểm thứ 2 của Terra là sự kết hợp khéo léo giữa động cơ xăng và hộp số. Một chiếc SUV lớn sử dụng máy xăng 2,5 lít không tăng áp tưởng yếu nhưng không phải. Nó xử lý tốt ở giai đoạn tăng tốc ban đầu – điều mà máy dầu luôn lấn lướt máy xăng nhờ mô-men xoắn cao.

Điểm thứ 3 mà tôi đánh giá cao là thiết kế. Tôi là một người ngoại đạo trong lĩnh vực này. Nếu để bình phẩm thiết kế chiếc xe một cách chuyên nghiệp thì tôi sẽ không tham gia. Nhưng theo cảm nhận của riêng cá nhân tôi, Nissan trau chuốt phần đuôi xe Terra thực sự tốt.

Yếu điểm của SUV phát triển từ khung gầm bán tải là phần đuôi bị vểnh lên, khiến tổng thể hơi thô khi xét về khía cạnh duy mỹ. Đó là do kết cấu của xe bán tải. Một mẫu SUV dành cho thị trường đang phát triển như Terra mà có được thiết kế như vậy rất đáng hoan nghênh. Nếu ai còn nhớ cái tên Nissan Pathfinder hẳn sẽ đồng tình với nhận định này, bởi Terra mang lại cảm giác có nét gì đó giống với Pathfinder – mẫu xe mà bản thân nó đã là SUV chứ không phải phát triển từ khung gầm bán tải.

Việc trả lời nên hay không còn phụ thuộc người cần tư vấn họ muốn gì. Ví dụ một người rất khó khăn mới kiếm được 1 tỷ đồng, cái xe như một gia tài lớn, họ kỳ vọng đi 3 năm bán lại ít mất giá, trong đầu đã nghĩ đến Toyota Fortuner và hỏi tôi tư vấn, khi đó tôi sẽ đồng ý khuyên họ lấy xe đó chứ không phải Nissan Terra. Còn với những ai chỉ quan tâm đến trải nghiệm cầm lái, khả năng vận hành và công nghệ mới thì tôi hoàn toàn đồng ý rằng nên mua.

Ảnh: Lee Hoàng



Nguồn : Source link