‘Vespa nhanh tã’ từ góc nhìn của chàng trai dùng xe Ý sau 5 năm chạy Honda Air Blade mãi không hỏng


5 năm về trước, trong tay tôi là chiếc chìa khoá của Honda Air Blade 125cc – phương tiện mà tôi dùng chủ yếu để đi từ nhà tới trường và ngược lại.

Việc được di chuyển bằng một chiếc xe máy chắc chắn là một trải nghiệm đầy hào hứng với nhiều cậu sinh viên năm nhất như tôi thời đó. Nhưng để thật lòng, sự hào hứng của tôi bị giảm đi quá nửa vì đó là chiếc xe được bố mẹ tôi lựa chọn mà tôi không hề biết trước. Hơn nữa, tôi là một cậu sinh viên Kiến Trúc chứ không phải là một bạn ở khoa cơ khí Bách Khoa, thế nên, tôi không thực sự cảm thấy thích thú với phương tiện di chuyển hàng ngày của mình.

Nhưng có lẽ bố mẹ tôi có cái lý riêng của họ. Khi mà bạn còn cắp sách đi học, thì tất nhiên việc học là việc cần được quan tâm đầu tiên, chứ không phải là cái xe 2 bánh. Và quả thực, tôi chẳng nghĩ ngợi gì về chiếc Honda Air Blade của mình. “Nghĩ ngợi” ở đây tức là quan tâm tới tình trạng của xe trong suốt thời gian sử dụng. Những khái niệm như “bảo dưỡng” hay “thay dầu” hoàn toàn chưa từng tồn tại trong ý thức của tôi lúc bấy giờ.

5 năm trôi qua, cứ thế nổ máy và đi, tôi không có bất kì hoạt động chăm sóc xe nào. Honda Air Blade chưa hỏng hẳn nhưng xuống cấp thấy rõ, tới mức tôi phải quyết định mua lấy một chiếc xe mới phục vụ nhu cầu di chuyển của công việc khi ra trường. Nhưng lần này thì khác, khi đã có công việc của riêng mình, đây sẽ lựa chọn của tôi, chiếc xe của tôi. Chỉ có một nỗi buồn nho nhỏ là giờ đây, chuyện mua xe là chuyện… phải dùng tiền của tôi.

Người dùng đánh giá Vepsa S Sprint Notte

Nếu bạn hỏi về công việc, cũng có thể nói tôi là một người làm nghệ thuật. Nếu bạn tiếp tục hỏi rằng có người làm nghệ thuật nào không có cá tính riêng không? Thì câu trả lời là “Không”. Đó cũng là tiêu chí để tôi lựa chọn chiếc xe mới của mình, một chiếc xe phải thực sự nói lên tôi là ai.

Sau khi dạo một vòng thị trường bằng vài cú nhấp chuột, tôi nhận ra rằng những hãng xe máy thuộc thương hiệu Nhật Bản vốn nổi tiếng ở Việt Nam không đáp ứng được kì vọng thẩm mỹ, dù họ vổn nối tiếng về độ bền. Trong khi đó, những hãng xe châu Âu thì ngược lại và vẻ đẹp tinh tế của họ hoàn toàn thuyết phục con mắt khó tính của tôi.

Sau khi lướt qua lướt lại, cộng thêm việc tham khảo ý kiến từ bạn bè, tôi quyết định dừng bước chân tìm kiếm của mình tại Vespa. Lý do đơn giản. Bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, tôi là một người “cuồng” màu đen, sự chú ý của tôi đã va phải ánh mắt của Vespa S Sprint notte. Nhìn mà xem, có chiếc xe tay ga nào trên thị trường ngầu hơn thế này không cơ chứ?

Tất nhiên là tình yêu giữa tôi và mẫu Vespa màu đen mờ có gặp phải đôi chút phản đối từ phụ huynh. Người lớn nói chung hay những người sử dụng Vespa đổ về trước, hầu hết ai cũng đều than phiền rằng Vespa không bền, xe Vepsa nhanh tã, tiếng đề nổ nghe giật mình,….

Thực lòng không nhớ tiếng nổ của Vespa đáng sợ thế nào, nhưng những lời “đe doạ” này nghe vẻ còn đáng sợ hơn. Nhưng việc gì cũng nên nghe từ 2 phía. Qua tìm hiểu cũng như hỏi han bạn bè, tôi biết Vespa giờ đây cũng không đến nỗi tệ và không nhận quá nhiều lời phàn nàn từ phía người tiêu dùng nữa, nhất là từ phía động cơ. Làm gì có chuyện xe không bền mà bây giờ vẫn đầy Vespa cổ cho người ta chơi vậy cơ chứ?

Sau khi tính toán thấy xe hết khoảng 90 triệu cho tổng chi phí ra biển, tôi quyết định mua xe. Với 90 triệu đồng, chắc chỉ có Honda SH là so sánh được với chiếc Vespa này về khoản có 2 ABS, thế nhưng tôi biết, giá niêm yết và giá bán tại đại lý của Honda là 2 câu chuyện khác nhau.

Nữa là, thiết kế của Honda SH thiếu đi sự tinh tế mà tôi cần. Trải nghiệm thực tế sau khi sử dụng khoảng 5 tháng nay, tôi thấy động cơ hoạt động khá êm ái. Tiếng đề nổ như lời đồn xưa cũng không còn nữa.

Tôi không nghĩ vậy. Ít có hãng xe nào sản xuất xe dành riêng cho một phái nào đó. Vẫn có những người đàn ông chạy Honda Lead, vẫn có những bạn nữ chạy Kawasaki Z1000. Tôi thấy Vespa thậm chí còn phù hợp với đàn ông hơn ấy chứ, nhất là với màu sơn này.

Động cơ mạnh mẽ ngay từ những đoạn xoắn ga đầu tiên. Thêm vào đó, không có chiếc xe nào sản xuất cho nữ mà nặng thế này. Đuôi xe đến anh em nhấc còn mệt nữa là chị em. 

Một trong những điểm khiến tôi cảm thấy ưng ý về chiếc xe này chính là khả năng “cá nhân hoá”. Tất nhiên là bất kì ai sau khi mua xe gì cũng có thể cá nhân hoá chiếc xe của mình bởi những món đồ độ hoặc màu sắc. Tuy nhiên, không phải xe nào, đặc biệt là những dòng xe tay ga Nhật Bản cũng ra được chất như Vespa.

Một chiếc Vespa có thể thực sự mạnh mẽ, hoặc bánh bèo, tuỳ thuộc vào sở thích của chủ nhân. Nhìn chung, xe gì thuộc về ai, vốn dĩ đơn giản là sự lựa chọn từ cá tính và nhu cầu của khách hàng.

Đúng là cái xe mà bố mẹ bỏ tiền ra với cái xe mà bản thân bỏ tiền ra mua, ý thức chăm sóc khác hẳn. Chỉ có điều, đôi lúc nghe bạn bè mua xe Honda mới nói rằng các đại lý có gọi và nhắc nhở lịch chăm sóc xe định kỳ, bản thân tôi cảm thấy hơi chạnh lòng. Dường như những người chơi Vespa như tôi đều phải tự đi mày mò, hỏi han, chủ yếu là kinh nghiệm truyền miệng xem bao nhiêu km thì nên thay cái này, bảo dưỡng cái kia. Có một chút gì đó ghen tị, nhưng thôi đó cũng là cơ hội để tôi được hiểu cái xe hơn.

Nếu một ngày chiếc xe này chết máy giữa đường, tôi biết là do tôi đã làm thiếu cái gì đó, quên không bảo dưỡng cái gì đó chứ không phải là lỗi tại xe. Chắc chắn là chăm xe Ý thì không thể nhàn như chăm xe Nhật được, cái này tôi đã phải xác định từ lúc mua xe.

Tôi đã đợi tới 2 tuần để có thể chạm vào chiếc xe của chính mình, hơn 5 tháng trước lượng hàng tại đại lý rất khan hiếm. Đã vậy, hôm rủ cô người yêu đi lấy xe cùng, trời lại phải tranh thủ đổ cơn mưa mới chịu. Ướt thì không bị ướt, nhưng đi về thấy người yêu than thở là mua cái xe gần trăm triệu đồng mà chỗ để chân cho người ngồi sau cũng không thoải mái, tôi quyết tâm tìm biện pháp giải quyết.

Gác chân độ được lắp ngay sau đó. Và đây cũng là chi tiết khiến tôi khám phá ra rằng tôi nghiện độ xe. Sau cặp gác chân, tôi mày mò tìm kiếm, đặt mua lấy bộ quây xe. Tôi để xe dưới hầm nên khá lộn xộn, nếu không có bộ quây, chắc lớp sơn xe của tôi sẽ gặp hoàn cảnh tương tự giống như cái gương trái của tôi vậy.

Các món đồ độ mà tôi đã, đang và sẽ tìm kiếm: Một là vì nhu cầu thẩm mỹ, hai là vì nó giúp tôi sửa chữa phần nào những khuyết điểm của xe. Và rồi, tôi mua thêm gác-ba-ga trước sau, chủ yếu là để người ngồi sau cảm giác có điểm tựa và đỡ chênh vênh, chứ gần như chẳng giữ được gì. Món đồ mới nhất và tốn kém nhất tôi lắp vào xe gần đây chính là bộ phuộc trước của YSS.

Phuộc trước của Vespa hầu như khá cứng vì chỉ có 1 bên. Sau khi bỏ 7 triệu tậu về bộ phuộc mới, cảm giác xe êm ái hơn hẳn. Chỉ có 1 nhược điểm mà tôi cảm thấy không thể khắc phục nổi là phần cốp xe quá bé, cứ mỗi lần cần đựng nhiều đồ thì nỗi nhớ em Air Blade trong tôi lại ùa về, thời sinh viên tôi có thể ném cả chiếc balo vào trong cốp xe mà vẫn còn dư chỗ.

Đáng tiếc là tôi chưa từng bảo dưỡng xe Honda nên không thể có sự so sánh tương quan. Nhưng cá nhân thấy chi phí sử dụng dụng xăng có đắt hơn đôi chút nếu so sánh với Honda Air Blade trước đây. Tới nay tôi đã đi được 2.500 km, có dắt vào hãng bảo dưỡng 2 lần. Lần một ở mốc 900 km với chi phí hết gần 1 triệu đồng. Lần 2 rẻ hơn khi chỉ thay dầu hết 250.000 đồng ở 1.500 km. Nói chung, tôi cảm thấy mọi chi phí liên quan tới Vespa đều cao cả. Ngay đến đồ độ cũng đắt hơn, nhưng mà mình đã quyết chơi thì mình phải chịu thôi.

Dự định sắp tới chắc chắn vẫn sẽ là tiếp tục nâng cấp một số chi tiết để chiếc xe có được một ngoại hình ấn tượng và có công năng sử dụng hiệu quả hơn. Còn về hiện tại, sau 5 tháng chung sống, chưa có gì về chiếc xe này làm tôi cảm thấy thất vọng. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn Vespa S Sprint Notte.



Nguồn : Source link