Đủ bộc lộ rõ ưu nhược điểm của xe tự xưng ‘sát thủ tay ga’


38 km trải nghiệm xe máy điện PEGA Newtech

Lo lắng và hào hứng là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi nghĩ về hành trình này. Lo lắng vì trước giờ không thiếu những lần tôi chạy vòng quanh Hà Nội cả chục cây số, nhưng lại chưa từng có cơ hội rời Hà Nội bằng một chiếc xe 2 bánh. Phần hào hứng là vì lần này tôi được trải nghiệm quãng đường dài trên một mẫu xe máy điện mới, và đi cùng những người bạn mới.

Đoàn xe chuẩn bị khởi hành tại Xã Đàn với điểm đến là Vincom Bắc Ninh. Điểm trừ đầu tiên được hầu hết mọi người ghi nhận là phần cốp xe chưa thực sự hợp lý, cốp rộng nhưng khá nông, khó để vừa những vật cơ bản nhất như một chiếc mũ bảo hiểm nửa đầu.

Trước khi bắt đầu hành trình, ai cũng cố gắng mở cho mình một bản nhạc thông qua hệ thống loa bluetooth của xe. Chiếc loa ngoài bluetooth này khá đơn giản để kết nối. Với những lái xe “mù đường” như tôi, việc bật Google Map và nghe hướng dẫn qua loa ngoài quả thực vô cùng tiện lợi.

Thay vì làm ra một chiếc xe phổ thông, Pega Newtech chú trọng hơn tới khách hàng nam giới với ngoại hình khá to lớn và mạnh mẽ. Pega NewTech tỏ rõ ưu điểm đầu tiên mà tôi cho là rất cần thiết trên một hành trình dài, đó chính là sự thoải mái. Nếu bạn có chiều cao ổn, tay lái sẽ ở một vị trí khá vừa phải, phần đệm yên xe rất êm, chỗ để chân cho cả người ngồi trước và sau đều hợp lý.

Phần đệm xe có thể trông không thuận mắt nhưng lại khá hợp lý khi di chuyển. Người ngồi trước có tựa lưng, người ngồi sau không bị trượt xuống như những chiếc xe máy thông thường khi giảm tốc độ.

Tuy vậy, vóc dáng của mẫu xe này không quá phù hợp với nữ giới. Phần tay lái cao có thể khiến nhiều người cảm thấy khá mỏi.

Vặn hết cỡ tay ga ở cấp số 3 đi kèm chế độ RACE, nếu chạy một người vận tốc tối đa của xe có thể lên tới 65 km/h. Để ghi lại những hình ảnh về cuộc hành trình này, tôi ngồi trên một chiếc Pega Newtech khác với một người bạn đồng hành, cùng tương đối đồ đạc phục vụ cho việc tác nghiệp. Do vậy, tốc độ tối đa khi chở 2 người giảm xuống còn khoảng 57 km/h.

Ba mức tốc độ khác nhau có thể lựa chọn làm cho chuyến đi trở nên nhẹ nhàng hơn khi thường xuyên băng qua những khu vực dân cư đông đúc. Tuy nhiên, khi chạy được quá nửa hành trình cũng là lúc những nhược điểm bắt đầu xuất hiện.

Phần chắn gió phía trước gần như vô ích trước trời gió lớn và có chút mưa phùn của những ngày tháng 3.

Loa ngoài bluetooh chính là yếu tố giúp tôi và người bạn đồng hành cảm thấy bớt nhàm chán và buồn ngủ. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh của loa ngoài chỉ ở mức chấp nhận được. Bù lại, loa của Pega Newtech có khả năng chống nước tương đối, đủ để bạn vẫn có thể nghe nhạc dưới trời mưa.

Tuy nhiên, loa ngoài cũng là tiện ích làm bản thân tôi cũng như người bạn đồng hành hốt hoảng khi nhận ra đó là bộ phận “xơi” điện nhiều nhất sau hơn nửa hành trình. Người bạn đồng hành chạy xe một mình ở bên cạnh và không bật loa còn 4/5 vạch năng lượng, trong khi chúng tôi chỉ còn 2.

Ngoài ra, pin xe cũng làm cho người sử dụng khá hoang mang khi những vạch năng lượng thường xuyên lên xuống thất thường.

Pega Newtech chọn cách giảm dần tốc độ tối đa khi điện yếu. Ưu điểm của điều này là nó giúp người lái đi được quãng đường xa nhất, nhưng nhược điểm cũng dễ dàng được nhận ra, khi đoàn xe máy điện về cuối hành trình không thể đủ sức vượt qua một chiếc xe tải đất đang lưu thông khá chậm và đành chấp nhận đi phía sau “hứng bụi” suốt vài trăm mét.

May mắn thay, chúng tôi vẫn về tới đích với 1 vạch năng lượng cuối cùng. Nhìn chung, với mức giá bán đề xuất 25 triệu đồng, Pega Newtech sẽ là một chiếc xe đô thị đáng cân nhắc với những tiện nghi mà nó có được. Nhưng có lẽ chạy đường dài là một thử thách chưa thực sự phù hợp với dòng xe này. Và nếu vẫn cứ muốn tiếp tục mục tiêu đó, Pega cần phải có nhiều thay đổi tích cực hơn.

Một số hình ảnh về Pega NewTech:



Nguồn : Source link