Cuộc đua không cân sức và nước cờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Mở app tìm trạm sạc, ứng dụng trả kết quả toàn trạm sạc của VinFast
Mới đây, trên mạng xã hội, một người dùng xe điện Mercedes đã chia sẻ câu chuyện của mình. Theo đó, chủ nhân của chiếc xe điện Mercedes mở app tìm trạm sạc trên ứng dụng của xe, ứng dụng của xe trả kết quả toàn trạm của VinFast, mà trạm của VinFast thì không cho xe hãng khác sạc nên kết quả họ nhận được vô ích.
Mở app tìm trạm sạc chỉ ra trạm VinFast- Cuộc đua không cân sức và nước cờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Điều này phản ánh một thực tế rằng, đến hiện tại vẫn chưa có hãng xe nào có mặt ở Việt Nam thực hiện phủ rộng hệ thống trạm sạc trên khắp Việt Nam, VinFast là hãng xe tiên phong trong việc này, đây được xem vừa là thách thức (về vốn đầu tư) cũng vừa là lợi thế cho thương hiệu VinFast.
Các thương hiệu khác như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz vẫn có trạm sạc cho khách hàng của họ ở Việt Nam tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng.
Theo thông tin từ Vneconomy, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ: “Sau 10 năm nữa, chúng tôi mới chia sẻ trạm sạc VinFast cho các hãng dùng chung. Không có lý gì khi chúng tôi bỏ ròng 700 triệu USD để xây dựng hạ tầng mà lại để cho các đối thủ có cơ hội dùng quá dễ dàng như vậy”.
Trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường kinh doanh trạm sạc xe điện vẫn còn nhiều biến số phức tạp, việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát triển hệ thống trạm sạc không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu được cho bước đi rất quan trọng để nâng tầm ảnh hưởng của một thương hiệu Việt ra thế giới và là nước cờ quan trọng nhằm chiếm lĩnh thị phần ngay từ rất sớm khi các đối thủ còn loay hoay tìm hướng đi.
Cuộc đua xe điện ngày một nóng
Thị trường ô tô điện ngày càng sôi động với sự tham gia của các hãng xe trong nước lẫn các thương hiệu nhập khẩu, các phân khúc từ xe giá rẻ đến xe hạng sang.
Ở phân khúc giá rẻ, công ty CP Ô tô TMT đã giới thiệu 2 mẫu xe điện mini giá rẻ Wuling HongGuang.
Trước đó, VinFast cũng liên tục giới thiệu nhiều mẫu xe điện ở các phân khúc khác nhau như VF3, VF6, VF7, VFe34, VF5 Plus và 2 mẫu cao cấp là VF8 và VF9.
Hyundai Thành Công cũng chào bán ra thị trường mẫu xe điện Ioniq 5 được lắp ráp trong nước.
Các hãng xe sang cũng không bỏ qua thị trường đầy hấp dẫn này, như Audi Việt Nam đã bày bán 3 mẫu e-tron quattro chạy hoàn toàn bằng điện – SUV, GT và RS GT. Tương tự, Tập đoàn THACO vừa đưa mẫu xe điện thương hiệu BMW về thị trường Việt Nam. Nhà phân phối Mercedes tại Việt Nam cũng đã đưa ra thị trường khá nhiều mẫu xe điện hạng sang như: EQS, SUV EQB – SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE – SUV hạng sang cỡ trung và EQS – SUV hạng sang cỡ lớn, với giá bán từ 2,3 tỉ đồng trở lên nhưng vẫn được thị trường đón nhận.
Chỉ có VinFast đầu tư trạm sạc bài bản
Thị trường xe điện đang phát triển khá tốt, nhất là phân khúc giá rẻ dần đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc công cộng được cho là vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dùng.
Bởi cả nước hiện nay chỉ có hãng xe nội VinFast đầu tư bài bản vào hệ thống trạm sạc công cộng. Theo những cập nhật mới nhất từ VinFast, hiện tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có trạm sạc cho xe máy, ô tô điện. Chủ xe có thể dễ dàng tìm được trạm sạc điện trên 125 tuyến quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ. Khoảng cách trung bình khoảng 3,5 km đối với trạm sạc ở nội đô, 65 km với trạm sạc trên đường quốc lộ và cao tốc, với quy hoạch lên tới 150.000 cổng sạc trên toàn quốc.
Con số 150.000 cổng sạc tại Việt Nam thậm chí còn vượt qua nhiều nước đang đầu tư mạnh cho giao thông xanh như Hà Lan (hiện có khoảng hơn 120.000 cổng sạc), Pháp (khoảng 84.000 cổng) hay tại Đức là 77.000 cổng sạc công cộng… Nếu tính theo tỷ lệ dân số, số lượng trạm sạc tại Việt Nam đang đạt mức trung bình là 15 cổng sạc xe điện cho mỗi 10.000 người Việt. Con số này gấp 5 lần tỷ lệ ở Mỹ – nơi đạt tỷ lệ 3 cổng sạc cho mỗi 10.000 người, báo VTC News đưa tin.
Trong khi đó, các mẫu xe điện còn lại thông thường sẽ cung cấp cho khách hàng một bộ sạc cao cấp sạc tại nhà hoặc chỉ cung cấp dịch vụ sạc pin tại các showroom, đại lý của hãng.
Hyundai vừa ra mắt mẫu xe IONIQ 5. Thời điểm ra mắt sản phẩm xe ô tô điện đầu tiên của mình tại Việt Nam cho đến hiện tại, Hyundai vẫn chưa có trạm sạc công cộng. Giải pháp tình thế của Hyundai là tặng khách hàng mua IONIQ 5 bộ sạc cao cấp tại nhà. Với mẫu xe giá rẻ Wuling HongGuang cũng thế.
Không như xe phổ thông, mảng xe sang thu hút nhiều hãng kinh doanh xe điện nhưng quy mô trạm sạc ít hơn nhiều.
Đầu tháng 7/2023, Porsche đưa vào vận hành trạm sạc nhanh DC (điện một chiều) tại trung tâm Porsche Studio, Hà Nội với công suất 180 kW. Trước đó, một điểm sạc nhanh công suất 175 kW đã hoạt động ở Porsche Center Sài Gòn từ tháng 5/2020.
Còn hãng Audi Việt Nam tuy xác nhận mạng lưới sạc nhanh, thuận tiện chính là yếu tố then chốt của hệ sinh thái xe điện toàn diện nhưng họ chỉ mới lắp đặt ở một số đại lý tại TP HCM. Hãng này chưa có trạm DC tại Hà Nội.
Theo thông tin trên báo Vnexpess, tại Việt Nam, sạc pin cho các dòng xe sang chạy điện được thực hiện bằng hai hình thức: sạc thường và sạc nhanh. Porsche, Audi, Mercedes hay BMW khi bán xe điện đều tặng bộ sạc di dộng kèm theo xe để khách sạc tại nhà. Ở các đại lý, hãng lắp thêm trụ sạc nhanh DC hoặc treo tường, giúp việc sạc xe nhanh hơn so với bộ sạc ở nhà.
Theo TS Nguyễn Thành Tâm, Bộ môn Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Quy Nhơn, tình trạng hiện nay là mạnh ai nấy làm, tự phát. Hãng nào cũng ra mắt xe điện, đa dạng, tính năng, kiểu dáng bắt mắt nhưng ít ai nói tới trạm sạc tiện lợi thế nào. “Theo tôi, nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn cụ thể về việc đầu tư, xây dựng trạm sạc để làm cơ sở cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư giống như các cây xăng tư nhân” – ông Tâm góp ý trên báo Người lao động.
Nhập khẩu xe điện thì cần đầu tư trạm sạc?
Trên báo VTC News, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ) nêu quan điểm: “Muốn phát triển xe điện thì phải có nhiều trạm sạc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng xe điện. Yêu cầu trạm sạc phải được lắp đặt tại các trạm dừng nghỉ, bến xe là điều cần thiết để tạo tiền đề cho phát triển xe sử dụng nhiên liệu sạch”.
“Các hãng xe nhập khẩu bán xe điện nhưng chưa ưu tiên phát triển hạ tầng trạm sạc. Đừng để thị trường Việt Nam chỉ để bán xe kiếm lời, còn thúc đẩy phát triển bài toán hạ tầng lại bỏ ngỏ. Cần thiết áp dụng quy định với xe nhập khẩu khi bán xe điện là phải đầu tư trạm sạc như một loại điều kiện trong kinh doanh”, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chia sẻ ý kiến trên báo Tuổi trẻ.
Bên cạnh việc xây dựng thêm nhiều trạm sạc, nhiều người cho rằng, nên có tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện dùng chung để mọi loại ô tô điện có thể sử dụng thay vì xe của hãng nào chỉ có thể sạc tại trạm của hãng đó.
Tại Vietnam Motor Show 2022, EV One, một công ty công nghệ của Singapore là đơn vị hiếm hoi giới thiệu một số giải pháp sạc khác nhau cho ô tô điện. Điều đặc biệt là, theo quảng cáo, các thiết bị này có thể phục vụ cho hầu hết mẫu xe điện hiện có mặt trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, EV One sẽ phân phối chính hãng những trụ sạc của thương hiệu ABB với công suất từ 3 kW đến 360kW, dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Tương tự Vinfast, các trụ sạc này cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn CCS2. Tuy nhiên, sau kỳ triển lãm Vietnam Motor Show, phía EV One chưa có thêm bất kỳ thông tin nào về kế hoạch phân phối tại Việt Nam. Với thực trạng kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện xây dựng trạm sạc dùng chung cho xe điện ở Việt Nam còn khá xa vời.
Tham khảo thêm
Nguồn : Source link