Tin Quốc Tế

Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc


Nhật Bản trỗi dậy: Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Panasonic vốn là hãng Nhật Bản tiên phong trong mảng ắc quy cho xe điện cho đến tận năm 2016. Thế nhưng sự cạnh tranh từ Trung Quốc đã đẩy thương hiệu này xuống vị trí thứ 4 hiện nay.

Nhận thức được vấn đề, chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản không muốn bài học ngành bán dẫn lặp lại khi các ông trùm trong ngành của họ như Toshiba từ vị thế đứng đầu để rồi bị soán ngôi bởi Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Giờ đây với một kế hoạch mới, bao gồm dự án nhà máy 4 tỷ USD tại Kansas-Mỹ, Panasonic đang quyết tâm tìm lại ánh hào quang vốn có của mình.

Thế nhưng liệu kế hoạch này có gặp cản trở khi nhu cầu tiêu thụ xe điện giảm tốc?

Câu trả lời của chính phủ Nhật Bản là KHÔNG.

Ngành pin xe điện sẽ tiếp tục là trọng tâm trong sự trỗi dậy của nền kinh tế thứ 3 thế giới. Nhật Bản sẽ không chờ đợi an toàn nữa mà sẽ chấp nhận mạo hiểm tham gia cuộc đua công nghệ này.

Nhật Bản trỗi dậy: Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc - Ảnh 2.

Trỗi dậy

Tờ Nikkei Asian Review cho hay Panasonic từng là hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Trong thập niên 1990 và đầu 2000, nghiên cứu đoạt giải Nobel của Akira Yoshino đã giúp phát triển công nghệ pin Lithium ion tại Nhật Bản dẫn đầu thế giới.

Tuy nhiên, quan điểm dè chừng của các hãng ô tô Nhật Bản như Toyota đã khiến công nghệ này không được coi trọng. Hậu quả là các đối thủ Trung Quốc nhanh chóng trỗi dậy thay thế nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển toàn ngành.

Giờ đây, Panasonic đang phải vất vả giữ ngôi vị thứ 4 trên thị trường pin xe điện, sau những đối thủ như CATL và BYD của Trung Quốc hay LG Energy của Hàn Quốc, vốn là các doanh nghiệp nhanh chóng chiếm thị phần mà Nhật Bản để lại.

Chuyên gia Masashi Okada của hãng tư vấn Mỹ Arthur nhận định Trung Quốc và Hàn Quốc đang có lợi thế rất lớn nhờ các hãng ô tô của họ phát triển mạnh mảng xe điện, trong khi Toyota lại khá hờ hững với sản phẩm này.

Mặc dù dòng xe Hybrid của Toyota có dùng pin xe điện nhưng chúng không thể so với những chiếc ô tô điện hoàn toàn như của Tesla hay BYD.

Chính vì điều này mà Panasonic quyết định “chơi lớn” khi đổ 4 tỷ USD cho dự án siêu nhà máy tại Kansas-Mỹ.

Xin được nhắc là hãng chưa từng xây dựng thêm nhà máy nào ở Mỹ kể từ năm 2017 và có thái độ cực kỳ thận trọng tương tự Toyota về ngành pin xe điện.

Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã thay đổi khi chính phủ Nhật Bản không muốn lịch sử lặp lại như ngành bán dẫn, vốn là công nghệ do họ dẫn đầu nhưng lại bị vượt mặt sau đó.

Panasonic cho biết hãng đang có kế hoạch tăng gấp 4 lần công suất pin xe điện từ nay đến năm 2031, nghĩa là sẽ có thêm các dự án siêu nhà máy nữa được xây dựng tại Mỹ.

Với lợi thế đồng minh, Panasonic của Nhật Bản tự tin có thể phát triển mạnh tại thị trường xe điện lớn thứ 2 thế giới là Mỹ.

Việc tiếp cận được các khoản ưu đãi phát triển xe điện được cho là sẽ bổ sung thêm 110 tỷ Yên, tương đương 760 triệu USD hay 24% tổng thu nhập ròng cho Panasonic trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2024.

Dự án bang Kansas của Panasonic sẽ là nhà cung ứng chính cho Tesla với sản lượng tương đương 550.000 chiếc Model 3 mỗi năm.

Nhật Bản trỗi dậy: Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc - Ảnh 3.

Không lùi bước

Dù mạnh tay là vậy nhưng nhiều chuyên gia cũng lo lắng sự giảm tốc của thị trường xe điện sẽ ảnh hưởng đến Panasonic.

Số liệu của Motor Intelligence cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện tại Mỹ đã giảm từ 74% trong tháng 10/2022 xuống còn 42% tháng 11/2023.

Thế nhưng chuyên gia Mitsutaka Fujita của Techno Systems Research cho rằng việc Panasonic đầu tư muộn cho pin xe điện hóa ra lại có lợi khi chỉ cần dừng ở mức tối thiểu cần thiết nếu thị trường không thuận lợi.

Tuy nhiên tờ Nikkei nhận định chính phủ Nhật Bản sẽ không sợ hãi trước sự giảm tốc của thị trường xe điện.

Nỗi ám ảnh bị soán ngôi vương ngành chip bán dẫn của Toshiba bởi đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc khiến Nhật Bản không thể ngồi chờ đợi an toàn hơn được nữa mà phải chấp nhận mạo hiểm.

“Không giống như ngành chip bán dẫn đã bị bỏ lại quá xa, mảng pin xe điện của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn đủ công nghệ và năng lực để cạnh tranh trên thị trường. Tôi nghĩ rằng vẫn còn thời gian cho Nhật Bản lật ngược tình thế”, một quan chức chính phủ giấu tên nói với Nikkei.

Đồng quan điểm, các giám đốc Panasonic cho rằng lợi thế đồng minh của Nhật Bản với Mỹ giúp họ dễ tiếp cận thị trường này hơn các đối thủ Trung Quốc.

Tương tự, các hãng pin xe điện của Nhật Bản khác cũng đang làm theo.

Vào tháng 10/2023, Toyota Motor thông báo đầu tư thêm 8 tỷ USD mở một nhà máy pin xe điện ở Morth Carolina, nâng tổng số vốn cam kết lên thành 13,9 tỷ USD và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025.

“Mỗi khoản đầu tư đều có rủi ro dù bạn có thận trọng thế nào đi nữa…Không thể có dự án nào là an toàn 100% cả. Tuy nhiên nếu chúng tôi không chấp nhận hành động mạo hiểm thì mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi”, Phó chủ tịch Shoichiro Watanabe của Panasonic Energy thừa nhận.

Nhật Bản trỗi dậy: Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc - Ảnh 4.

Vì lợi ích quốc gia

Theo Nikkei, Nhật Bản đang đặt rất nặng việc hỗ trợ ngành pin xe điện bắt kịp đối thủ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây không còn là vấn đề lợi nhuận doanh nghiệp đơn thuần mà được đưa lên thành lợi ích quốc gia.

Bất chấp những đồn đoán về dư thừa công suất, giảm tốc nhu cầu, chính phủ Nhật Bản vẫn công bố hàng loạt chính sách, khoản trợ cấp cho ngành pin xe điện.

Tháng 4/2023, Nhật Bản công bố khoản tài trợ trị giá 160 tỷ Yên cho liên minh Honda với nhà sản xuất pin xe điện GS Yuasa trong dự án xây nhà máy pin Lithium ion ở quận Shiga.

Tháng 6 cùng năm, Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ 120 tỷ Yên từ ngân sách cho liên doanh pin xe điện Prime Planet Energy & Solutions của Toyota với Panasonic.

Tờ Nikkei cho hay Nhật Bản đặt mục tiêu sản lượng 150 GWH pin xe điện vào năm 2030, cao hơn gấp 7 lần so với sản lượng 20 GWH hiện nay.

“Mục tiêu là đưa Nhật Bản thành cường quốc toàn cầu về phát triển cũng như sản xuất pin xe điện”, tài liệu công bố tháng 4/2023 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ghi rõ.

Phía chính phủ ước tính Nhật Bản sẽ phải tiêu tốn khoảng 3,4 nghìn tỷ Yên, tương đương 230 tỷ USD để hoàn thành giấc mơ cung ứng 20% thị phần pin xe điện toàn cầu.

Không dừng lại đó, Nhật Bản từ năm 2024 sẽ phổ biến các khóa học về công nghệ pin xe điện cho các trường dạy nghề, trung học và đại học nhằm đào tạo 30.000 lao động lành nghề vào năm 2030.

Nhật Bản trỗi dậy: Cựu vương pin xe điện chi 230 tỷ USD, đào tạo 30.000 lao động, quyết đòi lại ngai vàng từ tay Trung Quốc - Ảnh 5.

Các lớp đào tạo công nghệ pin xe điện ở Nhật Bản

30 chưa phải là Tết

Theo Nikkei, cuộc đua ngành pin xe điện sẽ kéo dài hơi và chưa thể chắc chắn được điều gì.

Trong thời gian qua, hàng loạt những tin xấu đã bủa vây ngành xe điện khi nhu cầu giảm tốc, đặt ra tính khả thi của các siêu dự án trong ngành.

Tháng 10/2023, hãng GM cho biết sẽ hoãn dự án nhà máy sản xuất xe tải điện ở bang Michigan-Mỹ.

Phía Ford Motor cũng nói rằng đang xem xét lại dự án 12 tỷ USD cho ngành xe điện vì doanh số không cao như kỳ vọng.

Một số nguyên nhân chính cho tình trạng này là việc thói quen lái xe đường dài của người Mỹ. Việc sạc một lần lại thường không đủ đi được quãng đường mong muốn như xe xăng, khiến người dùng phải lo lắng về địa điểm trạm sạc.

Tiếp đó là lãi suất tăng cao khiến mua trả góp hay vay tín dụng mua xe vốn rất phổ biến ở Mỹ trở nên đắt đỏ cho xe điện, nhất là khi sản phẩm này không hề rẻ so với ô tô xăng.

Trong khi đó, các chương trình trợ cấp xe điện ở Đức đã bị tạm hoãn vào tháng 12/2023 sau phán quyết của tòa án hiến pháp, còn thị trường Pháp thì sẽ loại bỏ các xe điện từ Châu Á khỏi ngân sách hỗ trợ của mình.

Chính những yếu tố này khiến thị trường xe điện có thể không đạt mục tiêu chiếm 20% thị phần năm 2030 như trước đó.

Chuyên gia Masashi Go của Roland Berger nhận định công nghệ xe điện vẫn chưa hoàn thiện cũng như được chấp nhận rộng rãi, bởi vậy cuộc đua trong ngành chắc chắn sẽ còn kéo dài và chưa thể chắc chắn ai sẽ là người chiến thắng.

*Nguồn: Nikkei



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button