Chuyện bầu Hiển sản xuất 2.000 xe máy/ngày chiếm thị phần số 1 Việt Nam, ‘mua đứt’ ngân hàng Nhơn Ái không cần mặc cả
Năm 1999, một số đối tác Trung Quốc có nhu cầu tìm cộng sự để sản xuất xe máy tại Việt Nam. Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) được giới thiệu.
“Trong tay tôi không có tiền, nhưng phía đối tác đề nghị chỉ cần tôi xin được giấy phép còn phía họ sẽ lo về vốn, linh kiện và dây chuyền” – Ông Đỗ Quang Hiển kể lại.
Khi đó, bầu Hiển vừa trải qua một “kiếp nạn” lớn. Từ vị trí “bá chủ” trên thị trường điện tử điện lạnh Việt Nam, Tập đoàn T&T lâm vào khó khăn, thậm chí nợ thuế vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập lậu ồ ạt tràn vào.
“Tôi lúc đấy như chết đuối vớ được cọc. Ngoài việc làm đề án để có được giấy phép, đã từng có lúc phải đi “ăn chịu”, “tiếp khách chịu” trong mỗi lần tiếp khách” – Ông Hiển cho biết.
Sau đó, T&T đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên có được giấy phép và bắt tay vào lắp ráp xe máy. Hoạt động kinh doanh diễn ra rất tốt.
Với thành công bước đầu này, một tập đoàn lớn đã đề nghị hợp tác với T&T để cùng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ xe máy, linh kiện và lắp ráp xe máy lớn nhất Miền Bắc, đó là nhà máy T&T Hưng Yên với tổng giá trị đầu tư khi đó là 300 tỷ đồng.
Có thể nói, nhà máy T&T Hưng Yên là một trong những nhà máy đầu tiên hình thành nên nền sản xuất công nghiệp xe máy tại Việt Nam. Khi đó, T&T đã mua nhôm về đúc và sản xuất được động cơ xe máy, gia công cơ khí, sơn, hoàn thiện lắp, ráp, thể nghiệm. Khung xe được sản xuất từ những ống sắt mua của Hoà Phát. Họ sản xuất cả vỏ xe.
Theo thông tin từ Tập đoàn này, xe máy T&T cung cấp cho người dân Việt Nam ở khắp các vùng nông thôn, thành phố với giá bán 16 -20 triệu đồng. T&T nhanh chóng trở thành đơn vị sản xuất trong nước dẫn đầu thị phần xe máy năm 2000 với 180.000 xe/năm, cao gấp 3-4 lần các hãng nước ngoài. Xe của T&T còn xuất khẩu sang Châu Phi.
“Lúc ấy khi báo cáo thành tích sản xuất của T&T lên Bộ Công nghiệp và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, ông đã phải đánh dấu hỏi lớn “T&T là ai?” Thật may, khi tôi khởi công xây dựng nhà máy, bác có đến dự và sau này xuống xưởng kiểm tra dây chuyền sản xuất đã phát biểu rằng “tư nhân người ta đã chủ động đầu tư, xây nhà máy, mở xưởng sản xuất rồi đâu có chờ xin ngân sách nữa”. Vậy giá trị cống hiến của T&T ở đây là đã giải quyết được nỗi đau đáu của Chính phủ về ngành công nghiệp sản xuất xe máy” – Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển kể lại.
Được biết, để đạt được sản lượng 2.000 chiếc xe/ngày cung ứng cho thị trường, Công ty đã phải tổ chức 3 ca sản xuất 24/24 với hơn 2.000 công nhân. Ông Đỗ Quang Hiển phải cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với anh em công nhân dưới xưởng và không bao giờ đóng cửa phòng làm việc.
Nhưng chính vì quá nổi tiếng mà các cửa hàng cùng đua nhau kinh doanh và tự cạnh tranh với nhau về giá. Có thời điểm, một chiếc xe máy T&T đại lý bán ra lãi 2 triệu nhưng sau đó có khi chỉ lãi 50.000 đồng. Điều đó khiến cho các đại lý không còn muốn bán xe máy T&T nữa vì lợi nhuận không cao.
Sau đó cộng thêm những thay đổi về công nghệ và cả cơ chế nên khiến cho hoạt động kinh doanh dần đi xuống.
Tuy nhiên sau này, đam mê với cơ khí vẫn khiến ông Đỗ Quang Hiển quyết định thành lập Công ty T&T Motor vào năm 2011, đầu tư dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe motor 4 bánh. Sản phẩm mang thương hiệu . Những chiếc ‘xe tải’ T&T Exotic giá 60-90 triệu đồng, xe 3 bánh T&T Fushida… cũng được nhiều người mua để vận chuyển hàng hoá nhỏ ở nông thôn.
Trở lại cuộc chia tay với ngành xe máy của bầu Hiển, sau khi kiếm được rất nhiều tiền từ lĩnh vực này, vào khoảng năm 2005, ông Hiển được giới thiệu đầu tư vào một số ngân hàng nông thôn ở trong miền Tây, trong đó Ngân hàng Nhơn Ái ở Cần Thơ tạo cảm tình với ‘ông bầu’ vì cái tên “Nhơn Ái” tức Nhân Ái, cũng đồng điệu với chữ “Tâm” trong cái tên của T&T. Được biết, ông Hiển đã không hề mặc cả, chốt giao dịch với vị Chủ tịch cũ của ngân hàng này và chuyển hết tiền vào ngày hôm sau, bắt đầu hành trình mới với Ngân hàng TMCP SHB.
Nguồn : Source link