Chân dung “nữ hổ tướng” ngành ô tô Việt “thách thức” người khổng lồ Elon Musk
Profile “khủng”
Trước khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, bà Thủy từng giữ nhiều chức vụ quan trọng mang tầm ảnh hưởng lớn.
Khi chưa về với Vingroup vào năm 2008, bà Lê Thị Thu Thủy từng là Phó chủ tịch của Lehman Brothers tại các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, bà cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản trên thị trường châu Á.
Tháng 6/2012, bà Thuỷ nhận chức Tổng giám đốc Vingroup, thay thế người tiền nhiệm là bà Mai Hương Nội. Khi gia nhập Vingroup, với vai trò là Trưởng ban Đầu tư và sau này là Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách đầu tư, bà Thủy đã trực tiếp thực hiện nhiều thương vụ quan trọng có ảnh hưởng với đối tác nước ngoài như phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.
Ngày 12/3/2013, tại Geneva (Thụy Sỹ), bà Lê Thị Thu Thủy, lúc đó là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013” – Young Global Leaders (YGL) Class of 2013.
Đây là chương trình thường niên của WEF nhằm tôn vinh và kết nối các lãnh đạo trẻ dưới 40 tuổi trên toàn thế giới – những người có thành tích xuất sắc, nổi trội trong lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời cống hiến tích cực cho cộng đồng và xã hội. Để đạt được danh hiệu này, các ứng viên phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt, từ kiểm tra nội bộ đến đánh giá độc lập. Và cuối cùng là đánh giá của một ủy ban xét duyệt mà đứng đầu là Hoàng hậu Jordan, bà Rania Al Abdullah.
Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF. Diễn đàn này quy tụ hơn 700 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và được tổ chức hàng năm.
Tháng 6/2017, khi Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô, bà Thủy đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn, được giao nhiệm vụ mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam. Cũng từ thời điểm đó, tên tuổi của nữ tướng ngành ô tô Việt bắt đầu nổi bật hơn rất nhiều trong ngành ô tô trong nước và quốc tế khi chèo lái con thuyền VinFast ra biển lớn.
Bà Thủy từng nói: “Tháng 9/2017, tôi bắt đầu đi khắp thế giới để nói với mọi người trong ngành ô tô và cung ứng. Họ nghĩ rằng chúng tôi điên nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác khá tốt với GM”.
Nữ tướng chèo lái con thuyền VinFast vượt sóng lớn
Dưới thời của bà Thủy, VinFast từ một tay chơi hoàn toàn mới trong ngành ô tô đã được cả thế giới biết đến. Bước đột phá đầu tiên khiến cộng động thế giới chú ý chính là lễ ra mắt 2 dòng xe “Made in Việt Nam” của VinFast là LUX A2.0 và LUX SA2.0 tại sự kiện Paris Motor Show 2018. Giữa một rừng những cái tên đình đám trong ngành công nghiệp ô tô như Mercedes-Benz, Audi, Porsche, Peugeot, Lamborghini, Jaguar, Land Rover… sự xuất hiện của VinFast không chỉ là một “kẻ ngoại đạo” mà còn hứa hẹn sẽ là một thế lực mới đến từ Đông Nam Á.
“Chúng tôi rất vui mừng bởi kể từ lúc này, Việt Nam đã chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thế giới”, bà Lê Thị Thu Thủy với cương vị là Chủ tịch VinFast phát biểu trong lễ ra mắt của Vinfast tại Paris Auto Show 2018.
Tại sự kiện có tính bước ngoặt của ngành ô tô Việt Nam này, bà Thủy cũng cho biết mục tiêu của Vingroup là xây dựng thương hiệu Việt Nam tầm cỡ quốc tế. Và VinFast đã giới thiệu thành quả đầu tiên trên con đường hiện thực hóa sứ mệnh đưa chiếc ô tô đầu tiên của Việt Nam tham dự triển lãm quốc tế là hai mẫu Sedan LUX A2.0 và SUV LUX SA2.0.
Từ một cái tên vô danh, Vinfast đã và đang hiện thức hóa tham vọng trong ngành công nghiệp ô tô. 335ha đất đầm lầy ở Hải Phòng chỉ sau 1 năm đã trở thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast hiện đại với công suất dự kiến 500.000 xe/năm vào năm 2025.
Kiên trì theo đuổi mục tiêu mang xe Việt ra thế giới, 5 năm qua, dưới sự chèo lái của bà Thuỷ, VinFast tiếp tục gặt hái được những thành công đáng kể khi 2 chiếc xe điện VinFast VF e35 và VF e36 được xuất hiện triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 tháng 11/2021.
Gần đây nhất chính là việc 3 mẫu xe mới thuộc phân khúc A, B, C có tên gọi là VinFast VF7, VF8 và VF9 tham gia Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 tại Los Angeles, Mỹ.
Đến tháng 12/2021, bà Thuỷ tiếp tục được bổ nhiệm làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu, đồng thời vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Trên cương vị này, Bà Thủy sẽ chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Công ty VinFast, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Bà Thuỷ sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh tại các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.
Trong giai đoạn tiếp theo, bà Thuỷ cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh sang các thị trường tiềm năng khác trên toàn cầu.
“Tôi rất vui mừng khi đảm nhiệm vị trí này và sẽ nỗ lực vì mục tiêu chung, đưa VinFast thành công trên trường quốc tế và được khách hàng toàn cầu đón nhận”, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết.
Cuộc đua với những người khổng lồ
Bước chân ra biển lớn, con tàu VinFast cần nhân tố kiệt suất, với nhiều năm kinh nghiệm nắm giữ ở các vị trí quản lý khác nhau, bà Lê Thị Thu Thủy được giới chuyên gia đánh giá rất cao và kì vọng sẽ là nhân tố thúc đẩy nâng tầm VinFast thành thương hiệu toàn cầu cũng như sản phẩm xe điện của VinFast sẽ được khách hàng quốc tế đón nhận.
Được thành lập vào năm 2017, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đã tạo ra nhiều bất ngờ khi chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất xe điện chỉ 5 năm sau khi ra mắt. Năm 2022, nhà sản xuất ô tô Việt đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời nói về kế hoạch xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ, và theo đuổi IPO.
Sau khi rời cảng Hải Phòng, lô 999 xe VF 8 đầu tiên của VinFast tới Mỹ đã chính thức cập cảng California vào tháng 12/2022. Mục tiêu ban đầu của VinFast là giao xe trong tháng 12/2022. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó được lùi sang tháng 2/2023.
Ngày 1/3/2023 giờ Mỹ, VinFast đã chính thức tiến hành bàn giao 45 chiếc xe VF 8 City Edition đầu tiên cho khách hàng tại 9 cửa hàng VinFast Store, chính thức khởi động thị trường Bắc Mỹ. Những chiếc xe tiếp theo trong lô xe City Edition sẽ được giao tại chuỗi cửa hàng VinFast hoặc chuyển đến nhà khách hàng trong các ngày tới.
Lô xe VF 8 City Edition gồm 999 chiếc đã nhập cảng Mỹ tháng 12/2022. Là phiên bản giới hạn ra mắt thị trường đầu tiên, VF 8 City Edition có các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng.
Trong các hoạt động của VinFast ở nước ngoài, đáng chú ý là kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, Mỹ. Đây là bước đi quan trọng của VinFast tại thị trường lớn thứ 2 thế giới này vì Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát IRA liên quan đến xe điện cách đây chưa lâu. Đặc biệt, VinFast Bắc Mỹ cũng sẽ tinh giản bộ máy để tối ưu hơn. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, việc làm này không ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động của nhà máy VinFast đã đặt ra trước đó. Công suất của nhà máy tại Bắc Carolina của VinFast dự kiến là 150.000 xe/năm (giai đoạn 1).
Từ một cái tên vô danh, theo Reuters, VinFast, một hãng xe điện của Việt Nam đang chạy đua với Tesla và các hãng xe điện khác trong việc chinh phục những con đường nước Mỹ và châu Âu. Reuters nhận định: “chắc chắn đó không phải là một con đường dễ dàng”.
VinFast đã tạo dựng tên tuổi tại Việt Nam với các dòng ô tô chạy xăng. Tuy nhiên, bà Thuỷ cùng đội ngũ đang đi theo một hướng hoàn toàn khác, bằng cách sản xuất 100% ô tô chạy điện và đưa thương hiệu của mình ra toàn cầu. Chỉ trong vòng một năm, bà Thuỷ có kế hoạch mở 70 showroom trên khắp nước Mỹ, Canada và châu Âu để bán những chiếc xe thể thao đa dụng như VinFast VF9, có giá 76.000 USD, so với mức giá 120.000 USD của mẫu xe tương đương là Model X.
Trong chiến lược “thần tốc” của mình, Bà Thu Thuỷ đã lựa chọn dựa vào các nhà cung cấp như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology hay công ty cung cấp thiết bị điện Aptiv thay vì phát triển các công nghệ độc quyền của VinFast.
Đặc biệt, hãng xe Việt còn “chơi lớn” khi xây nhà máy tại Mỹ, đây là điều mà các hãng đối thủ Trung Quốc như Nio hay Xpeng khó có thể thực hiện được khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục leo thang.
Kế hoạch marketing đã mang lại kết quả khi VinFast cho biết đã có 58.000 lượt đặt trước mua xe điện, tính đến đầu tháng 12/2022. Một đợt chào bán cổ phiếu công khai (IPO) theo kế hoạch tại New York chính là chìa khoá để VinFast mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, bà Thuỷ phải có nhiệm vụ thuyết phục các nhà đầu tư không nên lo ngại về tình hình tài chính của công ty, khi tập đoàn mẹ công bố khoản lỗ ròng 34.5000 tỷ đồng ( khoảng 1,48 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, hiện đã có 9 công ty Việt Nam niêm yết tại nước ngoài, huy động được tổng số vốn 1,5 tỷ USD. Do đó, nếu thành công, việc niêm yết của VinFast sẽ mang đến cơ hội hiếm có để khai thác nền kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,2% vào năm 2023. Điều này sẽ giúp bà Thuỷ có thể tận dụng được cơ hội này để thúc đẩy nỗ lực tại thị trường nước ngoài.
Trước một thế giới đầy biến động và thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt, trả lời VneconomyAutomotive mới đây về chính sách giá – vấn đề đang vô cùng nóng khi Tesla đã chính thức giảm giá xe điện thời gian qua, bà Lê Thị Thu Thủy, hiện là Chủ tịch VinFast cho biết: “Nếu thực sự có một cuộc đua về giá, người chịu thiệt không phải VinFast. Trong giai đoạn này, số xe bán của chúng tôi nhỏ hơn họ cả trăm lần nên nếu chúng tôi mất một đồng thì họ phải mất hàng trăm đồng, hơn nữa các doanh nghiệp lớn sau nhiều năm phát triển, dư địa tối ưu của họ không còn nhiều”.
Bà Thuỷ nói thêm: “VinFast mới gia nhập thị trường, quy mô chưa lớn nhưng có đủ sự linh hoạt cũng như khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất để tối ưu hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người dùng. Vì thế cuộc đua về giá dù với đối thủ nào cũng không hề đáng sợ, thậm chí đó còn là cơ hội cho VinFast”.
“Ô tô điện là nơi so đấu về năng lực sản xuất, khả năng làm chủ công nghệ, thương mại hóa, chính sách giá, chất lượng dịch vụ, hậu mãi… Chúng tôi có đủ tự tin, thậm chí vượt trội về nhiều mặt so với các đối thủ như: tốc độ phát triển và ra mắt các mẫu xe mới chỉ mấy tháng thay vì mấy năm như các hãng xe khác, trợ lý ảo thông minh vượt trội có khả năng tương tác linh hoạt với người dùng, chính sách giá hấp dẫn, dịch vụ hậu mãi tận tâm với hệ thống xe cứu hộ sạc – sửa lưu động, trung tâm tư vấn và hỗ trợ sửa chữa toàn cầu 24/7, bảo hành 10 năm…”, bà Thuỷ nhấn mạnh về quan điểm và tầm nhìn của VinFast trong cuộc chiến xe điện.
Nguồn : Source link