Xe Ô Tô

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc


Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, Toyota Việt Nam tổ chức hành trình trải nghiệm các mẫu xe lắp ráp, gồm: Toyota Vios, Toyota Corolla Altis, Toyota Camry và Toyota Innova trên hành trình khá dài: Hà Nội – Mộc Châu trong 3 ngày. Chúng không hề mới trên thị trường nên tôi cần một lý-do-không-cũ để nhận lời trải nghiệm.

Động lực chỉ tới sau khi tôi tìm kiếm từ khóa Toyota trên mạng Internet và mạng xã hội 3 ngày trước hành trình. Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn bài viết chê xe của Toyota. Chúng tới từ người dùng, từ những người xưng danh là người dùng nhưng thực chất là đối thủ của hãng xe Nhật. Nhưng dù là ai viết, tôi cũng muốn đặt mình vào vị thế của khách hàng để xem Toyota có đáng bị đánh giá tiêu cực như thế hay không.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 1.

Các mẫu xe Toyota lắp ráp trong nước được sử dụng trong lần đánh giá lần này.

Với các thành viên trong đoàn, tôi kém may mắn khi phải ngồi các mẫu xe cấp thấp ngay ở chặng đầu. Nhưng với tôi, việc trải nghiệm lên cao dần, từ Vios lên Camry và bước lên gầm cao Innova theo đúng thứ tự lại cho trải nghiệm thú vị y như một vòng tuần hoàn lên đời xe của số đông khách hàng.

Toyota Vios: Có đúng là thùng tôn di động?

Đảo qua một vòng các ý kiến nổi trôi trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp các bài viết chê Toyota Vios là mẫu xe không có gì. Nó hay bị gán với hình ảnh thùng tôn di động. Và tôi bắt đầu chuyến trải nghiệm trên cái “thùng tôn” đó.

Hành trình khởi động từ Hà Nội đến… Bắc Ninh thay vì hướng ngược lại lên Mộc Châu vì Toyota muốn kết hợp với sự kiện TSEP – “Toyota cùng em học an toàn giao thông”, đồng thời tham quan đại lý 3S Toyota Bắc Ninh mới được thành lập, nằm tại vị trí trung tâm phát triển mới của thành phố.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 2.

TSEP là chương trình Toyota tổ chức nhằm góp phần giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho thế hệ trẻ và chung tay xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh hơn cho người dân Việt Nam.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 3.

Toyota Bắc Ninh hứa hẹn sẽ là đại lý tiềm năng, nổi bật tại khu vực phía Bắc với diện tích hơn 8.000 m2 và doanh số bán hàng tăng trưởng lên 30-50% hàng năm kể từ khi thành lập.

Tôi cầm lái mẫu Vios E CVT. Đây là phiên bản cao cấp nhất của Vios tại Việt Nam. Với những ai đã có kinh nghiệm, hiểu biết và sử dụng nhiều xe tại Việt Nam, Toyota Vios rõ ràng khó chiều với nội thất khá cơ bản. Các kết nối USB, AUX, Bluetooth, CD, FM, không màn hình cảm ứng chỉ đủ nhu cầu nghe đài và thưởng thức nhạc sẵn có trong điện thoại hoặc một USB đã chuẩn bị từ trước. 

Vì di chuyển trong phố và muốn chủ động hơn về tình hình giao thông nên tôi chọn mở kênh 91 MHz để cập nhật. Phần còn lại của chặng 1, tôi vui vẻ trò chuyện cùng 3 đồng nghiệp khác nên cũng quên đi sự thiếu sót trong nội thất của Toyota Vios.  

Bù lại, Toyota Vios ghi điểm với không gian ghế ngồi rộng rãi. Chiều cao trần xe và khoảng để chân dư dả cho phép tôi vẫn có thể đẩy lùi ghế về sau do chân hơi dài mà người ngồi sau vẫn còn khoảng trống giữa đầu gối và hàng ghế trước.

Dù bị so với “thùng tôn” nhưng phần hoàn thiện của Toyota Vios khá đáng khen khi phần nhựa táp-lô được ốp khá đẹp mắt, cho cảm giác như ốp da khi nhìn thoáng qua. Một vài đường viền xuất hiện như chỉ may trên các mẫu xe sang giúp phần nào nâng tầm mẫu xe hạng B.

Điểm chê là ghế nỉ dễ bám bẩn và bám mùi. Song, đây là chủ đích của liên doanh Nhật Bản khi muốn giảm giá thành nhằm tiếp cận đối tượng người mới mua xe tại Việt Nam.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 4.

Chiếc Vios do tôi cầm lái thường phải dẫn đầu trên nhiều chặng trải nghiệm nên những người đi sau chắc sẽ hơi khó chịu vì không thể bứt tốc được như mong đợi.

Trên chặng đầu tiên của hành trình trải nghiệm kéo dài khoảng 40km, Toyota Vios không cho cảm giác lái quá ấn tượng nhưng đủ ổn định. Hộp số CVT cho khả năng tăng tốc khá mượt mà, nhất là khi xe di chuyển sang đường cao tốc. Sự đuối sức và trễ ga thực sự chỉ diễn ra ở dải tốc độ ngoài 100km/h. Bù lại, khi đó, vô lăng vẫn khá chắc chắn.

Toyota định vị khách hàng của Vios là người trẻ, các gia đình cần phương tiện di chuyển trong đô thị. Đây là lớp khách hàng đầu tiên, có thể chỉ ở độ tuổi 25-30. Sau một vài năm quen với ô tô, họ học dần với công nghệ và lên đời các mẫu xe cao cấp hơn. Khi đó, bán đi chiếc Vios với giá khấu hao tốt để bù tiền mua xe mới sẽ là điều rất đáng quan tâm. Và với những khía cạnh này, Vios lại đang làm quá tốt. Thực tế cũng cho thấy khi doanh số của xe luôn đứng đầu dù có thể xe dịch vụ cũng chiếm số đông.

Khi Toyota Corolla Altis sướng hơn cả Camry

Rời vô lăng Vios, tôi chuyển sang cầm lái Toyota Corolla Altis. Sự khác biệt là quá rõ khi chiếc sedan hạng C dễ dàng cho người lái cảm giác chắc chắn hơn hẳn. Phiên bản được dùng để trải nghiệm lại là chiếc 2.0V Sport mới nhất.

Bản thân cái tên cũng đã nói lên điều mà Toyota muốn gửi gắm vào Altis mới. Động cơ 3ZR-FE dung tích 2.0L với công suất tối đa 143 mã lực và mô-men xoắn cực đại 187 Nm không quá mạnh nhưng giúp xe đủ bốc để đạp thốc ga trên đường Láng Hoà Lạc. Mỗi cú vượt xe, hộp số vô cấp và lẫy chuyển số thể thao trên vô lăng giúp người lái tự tin hơn.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 5.

Toyota Corolla Altis ấn tượng ở ngoại hình bao nhiêu thì hụt hẫng ở nội thất bấy nhiêu. Tuy nhiên, xe biết cách chiều người thích cảm giác lái bằng vận hành thể thao đúng như tên gọi.

Cái đáng chê ở Toyota Corolla Altis có lẽ là bố trí bảng táp lô có phần hơi cao so với tầm nhìn. Điều này sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi đi cao tốc nhưng sẽ là vấn đề không nhỏ khi di chuyển trên phố đông.

Xuôi theo Láng Hòa Lạc, trước khi tới với trải nghiệm đèo núi, tôi cũng hơi chột dạ. Chiếc sedan phố thị như Altis thì đi như nào nhỉ? Thế nhưng, với chế độ thể thao kết hợp động cơ 2.0L Dual VVT-I và hộp số CVT-I giúp chiếc xe vượt qua những cung đường đèo dốc hiểm trở như: dốc Kẽm, dốc Cun và đèo Thung Khe một cách khá dễ dàng.

Kỷ niệm đáng tiếc nhưng cũng đáng nhớ nhất là giữa đường, một chiếc xe tải đột ngột đánh lái sang trái để rẽ vào nhà dân lấy đồ (hoặc gửi đồ thì tôi cũng không quan tâm). Tôi đạp phanh gấp vì giật mình. Lúc này mới thấm thía rằng nếu không có ABS, chắc gì giờ có thể ngồi đây để gõ ra những dòng như thế này?

Tới những đoạn cua, tôi vẫn nhìn gương để xem người bạn đồng hành Vios đang ở đâu. Chỉ duy nhất Vios chưa có cân bằng điện tử VSC nên chắc hẳn người cầm lái sẽ phải dày dặn kinh nghiệm hơn nếu không muốn gặp những tai nạn không đáng có. Tin mừng là Toyota Việt Nam cho biết Vios sắp được bổ sung cả tính năng này để hoàn thiện trên toàn bộ dải sản phẩm đang bán.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 6.

Sau khi trải nghiệm hết 4 mẫu xe lắp ráp của Toyota, tôi có thể khẳng định chắc chắn Corolla Altis là mẫu xe cho cảm giác lái tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Tuy quãng đường chỉ dài hơn 60 cây số nhưng chúng tôi vẫn có thể vừa cảm nhận đầy đủ chiếc xe vừa tận hưởng phong cảnh tuyệt đẹp của vùng núi Tây Bắc, đặc biệt khi dừng chân nghỉ tại đèo Đá Trắng, ngắm nhìn hoàng hôn đang dần xuống và thả hồn trong khung cảnh thơ mộng của vùng đất Mai Châu đầy quyến rũ.

Trải qua hơn 5 tiếng di chuyển, cuối cùng chúng tôi cũng đã tới địa điểm nghỉ ngơi đầu tiên – một nơi hoàn hảo để tận hưởng buổi tối yên bình chốn Tây Bắc.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 7.

Dàn xe lắp ráp của Toyota nghỉ chân sau chặng đầu tiên. Từ trái qua là Camry, Altis, Vios, Innova Venturer và 2 chiếc Innova V (1 của đoàn lái thử, 1 của đoàn hậu cần).

Toyota Camry dành cho người có tiền

Sang ngày thứ 2, tôi chuyển sang sử dụng Camry. Có lẽ, tôi đã kỳ vọng hơi nhiều vào chiếc xe tiệm cận xe sang của Toyota nên đòi hỏi quá đà. So với Corolla Altis, có thể khẳng định Camry cho cảm giác lái không sướng bằng! Nhưng cũng phải, nhiều chủ xe Camry sẽ ngồi ở phía sau chứ không phải lái xe.

Phiên bản được dùng để trải nghiệm là mẫu Camry 2.5Q cao cấp nhất của Toyota được ra mắt phiên bản cải tiến vào tháng 10 năm ngoái.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 8.

Toyota Camry có được sự sang trọng tương xứng với mức giá quanh 1 tỷ đồng.

Sự hụt hẫng về cảm giác lái được bù đắp ở trang bị mà hãng xe Nhật mang vào mẫu “flagship”. Bỏ ra khoảng 1 tỷ mua xe, bạn nhận được cảm giác sang trọng, hiện đại bởi tất cả chi tiết nội thất đều được bọc da kết hợp với ốp gỗ vân carbon và mạ chrome sáng bóng. Điều làm nhóm chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất là xe được cách âm tốt, ngay cả âm thanh của động cơ khi khởi động xe, tăng tốc hay di chuyển phát ra đều khá êm mượt.

Bản cao cấp nhất này có điều hoà 3 vùng độc lập với bảng điều khiển được tích hợp trên tựa tay hàng ghế sau. Trang bị rèm chắn nắng phía sau điều chỉnh điện cũng giúp cho người ngồi hàng ghế sau mát mẻ hơn. Khi người lái chuyển cần số sang vị trí “R”, hệ thống rèm chống nắng sẽ tự động hạ xuống để người lái quan sát phía sau tốt hơn.

Nhưng là người thích lái, tôi vẫn nhớ chiếc Altis của ngày hôm trước cho dù Camry có quyến rũ bằng sự sang trọng đến thế nào!

Khi Toyota Innova thoát bóng xe dịch vụ

Ngày cuối, cảm xúc dần bớt phấn khích vì thấm mệt. Tôi cùng đoàn di chuyển về Hà Nội để kết thúc chuyến trải nghiệm. Tôi cầm lái mẫu xe cuối cùng: Toyota Innova Venturer. Thực chất, Toyota Việt Nam bố trí 5 xe, còn một chiếc Toyota Innova V nữa nhưng tôi cố tình xin nhận phiên bản Venturer chỉ vì… thích màu đỏ. Hai phiên bản không có khác biệt về trang bị động cơ mà chỉ khác biệt ở ngoại hình. Venturer hiếm hơn, nổi bật hơn và cho tôi cảm giác không giống xe dịch vụ hơn.

Thử chê Toyota trên hành trình trải nghiệm Tây Bắc - Ảnh 9.

Màu sắc đủ giúp Toyota Innova nổi bật trên đường. Thiết kế lột xác ở thế hệ mới cũng giúp các khách hàng cá nhân tự tin hơn về mẫu xe của riêng mình, chứ không phải một chiếc xe dịch vụ đang chạy ngoài đường.

Nhiều người trong đoàn thấy may mắn khi được ngồi Toyota Camry ở chặng cuối vì xe “gần” sang sẽ cho cảm giác thư thái nhất ở chặng về. Nhưng không, tôi lại thấy may mắn khi được lái Innova. Lý do đơn giản vì tôi mua quá nhiều quà từ Mộc Châu về để biếu tặng những người ở nhà. Mọi chuyện sẽ không khác biệt là bao nếu những người đồng hành với tôi trên xe không mua nhiều y như tôi. Sự rộng rãi của Innova vì thế phát huy tác dụng ngay lập tức. Nếu các anh chị trên Camry, Altis và đặc biệt là Vios phải ôm cả túi hay để đồ ở hàng ghế sau thì chúng tôi bon bon trên chiếc Innova mà không cần quan tâm tới diện tích để đồ. 4 người nhưng có tới 8 chỗ ngồi!

Muốn chê Innova cũng dễ vì độ trễ ga dễ cảm nhận khi lên tốc độ khoảng 80km/h. Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng khách hàng mục tiêu của Innova, nhất là bản Venturer là gia đình trẻ. Mà đôi khi, di chuyển ở tốc độ vừa phải đã là đủ nhu cầu. Cái họ cần là không gian thì chiếc MPV có dư thừa. Nay, chiếc xe lại được khoác bộ cánh cá tính hơn, khác taxi 7 chỗ hơn. Điều đó dễ lý giải vì sao Toyota vẫn bán được hàng trăm Innova mỗi tháng để xếp nhất phân khúc này. 

Kết thúc hành trình trải nghiệm 

Về tới Hà Nội cũng là lúc kết thúc hành trình trải nghiệm các mẫu xe lắp ráp của Toyota Việt Nam. 4 mẫu xe mang lại những cảm xúc khác nhau và đủ khía cạnh để khen/chê. Nhưng nếu đặt vào vị thế của khách hàng, có thể hiểu được quyết định và chiến lược của liên doanh Nhật Bản khi tạo ra những mẫu xe như vậy vì họ hiểu đối tượng mục tiêu cần gì và phục vụ đúng những nhu cầu như vậy. 

Trong năm 2018, Toyota Việt Nam vẫn sẽ lắp ráp các mẫu xe nói trên và để ngỏ khả năng lắp ráp trở lại Fortuner. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ, việc phục vụ đúng nhu cầu có lẽ là chưa đủ. Do đó, cân đối được bài toán lợi nhuận và trang bị, phục vụ khách hàng tốt hơn nữa sẽ có thể giúp Toyota vững vàng hơn ở vị trí số 1 doanh số thay vì đang bị các thương hiệu đồng hương bám đuổi sít sao. 

Ảnh: Tùng Lâm



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button