Sốt rét và những trải nghiệm ít thấy trong đời
Tôi xin khẳng định trước để bạn quyết định đọc tiếp hay back ra đọc bài khác. Hành trình này thực sự dài và bài viết cũng dài không kém. Nhưng để nói về cảm giác lái Chevrolet Trailblazer như thế nào, có lẽ tôi không viết được nhiều do chỉ trải nghiệm được khoảng 100km. Lý do sẽ được đề cập ở đoạn sau. Nhưng bù lại, để nói về cảm giác khi sử dụng xe, tôi tin chắc mình có thừa.
Một khởi đầu không thuận lợi
Trước hành trình, tôi tận hưởng Sài Gòn một cách hơi quá đà dù đây không phải là thành phố xa lạ với mình. Ở đó, người ta gọi nước chanh là đá chanh. Quả không sai mà. Đá chắc phải tới 95%, 4% là nước và 1% còn lại là chanh. Sau khi thưởng cốc nước cho dịu mát cái họng, tôi lên xe khách đi tới Vũng Tàu và ngủ quên trong tình trạng điều hoà thốc thẳng vào mặt. Và chắc bạn đã đoán ra điều gì rồi đấy. Tôi bị viêm họng dẫn tới tấy sốt.
Trên đường từ Vũng Tàu về sân bay Tân Sơn Nhất và nối chuyến từ Tân Sân Nhất về Nội Bài và lập tức từ Nội Bài đi Pleiku chỉ trong vòng 12 tiếng, tôi không thể tìm được hiệu thuốc ở khoảng cách gần trong thời gian gấp gáp. Thế mới thấy kinh nghiệm khi đi xa là luôn cần có thuốc theo người. Ở sân bay, họ chỉ có phòng trực y tế với viên Eferalgan trị giá 5.000 đồng, không đủ hạ cơn vật vã trong tôi.
Tôi tới được Pleiku để ghép đoàn GM Việt Nam trong tình trạng đi lảo đảo. Tôi có được viên thuốc Panadol đầu tiên để lấy lại tinh thần khi nhiều người, trong đó có thành viên của ban tổ chức, hỏi tôi xem có muốn bắt đầu không hay quay về nghỉ ngơi. Tất nhiên, tôi vẫn đi và vẫn đang viết bài cảm nhận như thế này.
Rời sân bay Pleiku trong chóng vánh sau khi nhận trang thiết bị cần thiết và nghe phổ biến về sự an toàn trong di chuyển, chúng tôi nhận xe. Mỗi xe gồm 4 người nên hàng ghế thứ 3 được gập gọn, nhường chỗ cho số hành lý cồng kềnh của cả 4 người dùng trong 3 ngày hay như tôi là gần 1 tuần vì vác theo cả số đồ của những hôm trước. Và đây là khoang hành lý thần thánh đó:
4 chiếc vali và 4 balo cùng nhiều đồ đạc khác nhưng không gian vẫn còn rất rộng. Mỗi tội, cửa sau lại đóng mở bằng tay. Để đóng nó, bạn cần một lực khá mạnh, nếu không, hệ thống cảnh báo sẽ hoạt động khiến bạn khó lòng lái xe. Điểm trừ này cần khắc phục vì ai trong đoàn cũng phàn nàn. Bởi với người dễ tính nhất, cửa khi bẩn như trong hành trình này, tay họ sẽ bẩn theo. Mà điều đó, chẳng ai muốn.
Thời tiết Pleiku không nắng nhưng oi bức. Ai xa quạt cũng dễ đổ mồ hôi và khó chịu. Khi vào xe, chúng tôi khá bất ngờ khi điều hoà đã bật sẵn, thậm chí động cơ cũng đã khởi động. Hoá ra, ban tổ chức đã khởi động xe từ xa. Trailblazer có thể làm được điều đó ở khoảng cách 100m. Nếu 10 phút mà chủ nhân không ra xe, xe sẽ tự động tắt. Và nếu ai đó tiếp cận xe mà không có khoá, cũng không thể vào. Tính năng này là duy nhất trong phân khúc. 1 điểm cộng ngay điểm khởi đầu, bù cho điểm trừ vừa đề cập.
Tôi tất nhiên là bị loại khỏi hàng ghế trước vì tình trạng sức khoẻ không ổn. Chẳng ai đồng ý để tôi lái vì như thế đe doạ tính mạng của chính họ và cả đoàn. Tôi trở về hàng sau trong tiếc nuối, chỉ biết thắt chặt dây an toàn.
Thật vậy, GM Việt Nam giới thiệu rất nhiều về những tính năng an toàn trên mẫu SUV 7 chỗ chủ lực. Nhưng ngần đó hệ thống vi tính chỉ có thể hoạt động đúng cách nếu như bạn thắt dây an toàn. Tại Việt Nam, nhiều lái xe đã có thói quen này nhưng những hành khách còn lại trên xe thường không chủ động thắt dây vì những lý do khác nhau. Tôi xác định sức khỏe và nhìn vào khung cảnh đường đèo phía trước mà nghĩ tới việc bảo vệ mình đầu tiên.
Ngày 1: Pleiku – Quy Nhơn
Hành trình hơn 300km đầu tiên của ngày thứ nhất. Đây thực sự là cung đường phô diễn những gì tinh túy nhất của Trailblazer với đủ địa hình: từ đường nhựa, bê tông trong thành phố Pleiku, đường rừng núi ở Kon Tum, đất đỏ gần Vĩnh Sơn tới quốc lộ trên hướng về Quy Nhơn.
Chiếc xe 7 chỗ có hàng ghế thứ 2 thực sự rộng rãi để tôi có thể duỗi chân không mỏi dù phía trước cũng đã đẩy về sau đủ cho người ngồi cạnh ghế lái thư thái. Độ ngả chưa tốt nên tôi vẫn thấy mỏi lưng trên hành trình dài. Da mềm vừa phải, mùi thơm dễ chịu, vừa đủ phục vụ những khách hàng không quá khó tính.
Ban tổ chức phát đàm liên lạc rằng, các xe hãy mở cửa để tận hưởng mùi cafe, mùi của núi rừng. Quả thật nó khiến nhiều người phát cuồng vì xa rời được đô thành, bỏ đi được mùi khói bụi thường thấy. Nhưng ôi thôi, với tôi, gió trời lúc đó lại lạ cực hình. Tôi xin đồng đội đóng cửa để dễ chịu hơn. Và đó mới là khi cảm nhận rõ được khả năng cách âm của Trailblazer. Khi cửa kính khép được 1/2, tôi đã thấy rõ âm thanh giảm bớt. Khi cửa đóng chặt, dường như tôi được nghỉ ngơi trong phòng kín, âm thanh dội vào không đáng kể. Chỉ khi nào xuống dốc hoặc dồn số, động cơ mới vang vọng vào một chút.
Tôi kệ cho đồng đội lái đi đâu thì lái bởi người quá mệt. Nói vậy thôi… thực ra tôi cũng lo lắng bởi việc đi đường đèo núi vốn đã thách thức người thường, chứ chưa nói tới người đang ốm mệt. Nhưng may thay lần nữa, Trailblazer có đủ công nghệ. Việc nghe quảng cáo về các hệ thống này nọ đúng là không bao giờ đáng tin bằng trải nghiệm thực tế. Đường cua nhiều bao nhiêu thì bạn càng cảm nhận rõ bấy nhiêu sự cân bằng của xe với hệ thống cân bằng điện tử. Kỹ năng lái của từng người trong đội là không giống nhau, nên việc thừa lái hay thiếu lái là điều đương nhiên. Nhưng có thừa hay thiếu thì máy tính cũng đã tính cho bạn rồi.
Trải nghiệm 100km duy nhất trên hành trình
Di chuyển không được bao lâu thì đoàn dừng chân nghỉ tại một hàng quán bên đường để thưởng thức sầu riêng. Viên thuốc Panadol bắt đầu phát huy tác dụng và tôi lấy lại được tinh thần cũng như sức khỏe. Tôi đề nghị được cầm lái và 3 người còn lại đồng ý với vẻ mặt có phần khiên cưỡng.
Trong khoảng 100km trải nghiệm cùng anh chàng cơ bắp này, tôi nhận ra rõ 3 điểm nổi trội của Trailblazer.
1. Xe chắc chắn, động cơ khoẻ
Trailblazer dùng động cơ dầu Duramax 2.5L tăng áp điều khiển cánh biến thiên mới. Về mặt lý thuyết, khối động cơ này sản sinh công suất tối đa 180 mã lực tại 3.600 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 440Nm tại 2.000 vòng/phút. Nhưng để dễ hình dung với những người đã dùng xe GM, nó tương tự động cơ trên mẫu bán tải nổi tiếng về vận hành là Colorado.
Chúng tôi gồm 4 người, tất nhiên chưa đủ tải với mẫu SUV 7 chỗ nhưng khối lượng hành lý (4 vali x 15kg và 4 balo x 5kg cùng một vài trang thiết bị khác) cũng thừa sức thay thế một người to lớn. Xe vẫn chạy êm, thừa sức bứt tốc để vượt các xe khác trên đường mà không cần do dự, đạp ga tới đâu là xe lăn bánh tới đó, ít cho cảm giác trễ ga.
Ở đoạn đường vắng, tôi thử vặn vô lăng liên tục để thử độ chắc chắn của xe. Chiếc SUV phản hồi tốt, ít rung lắc. Một trang bị mà GM gọi là bộ biến mô giảm chấn dạng con lắc ly tâm khiến độ ồn và rung từ hệ dẫn động tới khoang lái được triệt tiêu đáng kể.
2. Hệ thống an toàn rộng khắp
Lên rừng, đổ đèo là khi Trailblazer phô diễn được dải công nghệ rộng khắp.
Việc di chuyển ở đoạn đường nhiều khúc cua như trong ngày thứ nhất dễ khiến bạn lấn vào làn hai bên nếu đánh lái chưa chuẩn. Nhưng mỗi lần như vậy, Trailblazer lại phát tín hiệu cảnh báo (bằng hai tiếng tút tút) rất kịp thời để tôi căn lại làn đường của mình. Tất nhiên, hệ thống chỉ nhận diện được ở những con đường có vạch kẻ rõ ràng (ít nhất như hình trên).
Những cảnh báo khác mang lại sự an tâm cho người lái như cảnh báo điểm mù trên gương chiếu hậu hay cảnh báo tiền va chạm khi xe gần tiến tới xe trước mặt cũng hoạt động nhanh nhạy ở tốc độ trên 40km/h. Gương chiếu hậu cũng có khả năng chống chói bằng cách tự giảm sáng khi gặp phải những anh chàng thích gạt pha.
Điều thú vị nhất khiến tôi nhớ mãi trên 100km là hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc và hỗ trợ xuống dốc. Hỗ trợ khởi hành ngang dốc chắc đã không còn xa lạ gì với các lái xe ở Việt Nam khi nó ngăn xe trôi dốc khi bắt đầu di chuyển lên dốc nghiêng. Còn hỗ trợ xuống dốc là công nghệ cực kỳ ăn điểm và cũng ăn tiền khi giúp bạn tự tin đổ đèo. Xe sẽ tự động dồn số thích hợp, tự động kích hoạt hệ thống chống bó cứng phanh ABS ở mỗi bánh để tài xế có thể xuống dốc một cách trơn tru. Dù bạn là tài cứng hay tài non, việc đổ đèo, lên rừng cũng trở nên dễ dàng hơn.
Ngày 1 điểm xuyết bằng bữa trưa ngay cạnh hồ Đắk Ke. Nếu đã có xe, nhất là SUV hay bán tải mà có điều kiện đi xa, bạn hãy sắm ngay bộ đồ chuyên dụng như thế này để có thể thưởng ngoạn cái đẹp của thiên nhiên. Ghế và lều bạt có thể gấp gọn và để ngay trong xe.
Một phút ngẫu hứng của Trailblazer trên đoạn đất đỏ tại hồ Vĩnh Sơn.
3. Hệ thống giải trí vừa đủ
Khó có thể đòi hỏi ở mẫu xe tầm giá 1 tỷ có hệ thống âm thanh xuất sắc nhưng nó đủ phục vụ một người không khó tính ở khoản nghe nhìn. Màn LCD 7inch trên bản thường và 8inch trên bản cao cấp hiển thị không quá sắc nét nhưng chấp nhận được. Cảm ứng khá mượt mà. Bạn có thể kết nối cả điện thoại Android hay iOs để nghe nhạc của chính mình sau khoảng 3 thao tác bấm thân thiện, dễ dùng. Kết nối bằng dây USB hay Bluetooth đều nhạy. Nếu không, 35 kênh radio cũng có thể chữa cháy.
Ngày thứ nhất kết thúc bằng sự lạc đường đầy thú vị.
Ngày 2: Quy Nhơn – Đại Lãnh
Ngày thứ 2 là ngày rong chơi với cung đường ngắn hơn nhưng nhiều hoạt động hơn thay vì chỉ có di chuyển.
Khi các tính năng an toàn và sức mạnh động cơ của Trailblazer đã được thể hiện trong ngày đầu thì ngày thứ hai, mẫu SUV 7 chỗ chỉ phục vụ như một người bạn đồng hành để dẫn chúng tôi tới các điểm ăn chơi một cách thoải mái nhất có thể.
Trailblazer không cần thể hiện điều gì nữa vì nó đã ghi đủ điểm. “Giờ là lúc chúng ta tự do phiêu bạt”, ai trong chúng tôi cũng nói với nhau như vậy.
Ngồi xe và đi khắp Việt Nam, ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương – Đó chẳng phải là một trong những điều ao ước của nhiều người?
Thong dong trên đường ven biển với dải cát trắng hai bên – trải nghiệm không dễ có được trong cuộc sống bận rộn hiện nay.
Trước khi kết thúc nửa ngày di chuyển và tạm xa rời những chiếc Trailblazer, chúng tôi tham gia thử thách nho nhỏ là kéo và lùi trailer vào chuồng. Kéo ra đơn giản bao nhiêu thì lùi chuồng lại khó bấy nhiêu vì khó kiểm soát được hành trình của trailer.
Ngày 3: Đại Lãnh – Cam Ranh
Ngày thứ 3, chúng tôi bắt đầu được tự do khám phá thành phố mà không cần tuân theo sắp xếp nào của ban tổ chức. Một Nha Trang xinh đẹp hiện ra trước mắt và chúng tôi chỉ việc bon bon trên chiếc xe 7 chỗ cao lớn của Mỹ.
Sau buổi chiều của ngày thứ 2 xa rời Trailblazer để khám phá hòn đảo Light Coral ít người lui tới, chúng tôi trở lại đất liền và tiếp tục cầm lái để tiến về Nha Trang. Hành trình vẫn là những đoạn đường đẹp, không mấy thử thách bởi ban tổ chức cũng hiểu rõ chúng tôi đã mệt như thế nào và giờ là lúc Trailblazer chứng tỏ sự an tâm cho những người không cầm lái. Họ có thể an tâm ngủ trước khi lên máy bay trở về nhà.
Chúng tôi đón thêm thành viên thứ 5 do phát sinh. Hàng ghế thứ 2 có 3 người ngồi. Không gian bị chia sẻ, tất nhiên sự chật chội xuất hiện nhưng vẫn đủ xoay xở. Đặc biệt, dây an toàn có đủ cho cả 3 nên ai nấy cũng tự ý thức được sự an toàn cho chính mình.
Cơ bắp vậy thôi nhưng Trailblazer không kém sang chảnh khi đứng cạnh các resort nhé!
Cuộc đua doanh số
Sau cả hành trình, tôi lại nhớ tới cuộc đua về doanh số. Bởi dù hoạt động theo cách thức nào, doanh số cũng là điều mà bất kỳ nhà sản xuất nào cũng hướng tới.
Chevrolet Trailblazer nằm trong phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam. Đối thủ lớn nhất về mặt doanh số là Toyota Fortuner. Tôi chắc chắn rằng, dù Trailblazer tốt như vậy nhưng cũng chưa thể, thậm-chí-không-thể lật đổ Toyota Fortuner bởi mẫu xe Nhật đã là một thế lực quá lớn.
Nhưng với những gì mà mẫu xe Mỹ đang thể hiện, để mở rộng thị phần, gặm thêm miếng bánh của đối thủ thì không quá khó khăn. Hoặc ít nhất, Trailblazer đang phả hơi nóng vào phía sau Fortuner để “ông vua doanh số” buộc phải thay đổi, hoàn thiện mình nếu không muốn bị tụt lại. Sự cạnh tranh vì thế trở nên thú vị hơn thay vì chỉ có một chiều như trước đây. Khách hàng sẽ là những người vui mừng nhất khi thấy được sự thay đổi này.
Hãy chờ đón chặng đường khám phá mới của Chevrolet dưới tay VinFast trong thời gian tới.
Nguồn : Source link