Tin Quốc Tế

Nếu không có Civic, Honda có thể chỉ là hãng xe máy


Nếu không có Civic, Honda có thể chỉ là hãng xe máy - Ảnh 1.

Civic chính là cái tên xây dựng nên nền móng mảng kinh doanh ôtô sau này của Honda – Ảnh: Honda

Từ 1972 tới nay, gần 30 triệu chiếc Honda Civic đã được bán ra tại 170 quốc gia trên toàn cầu, biến dòng tên này trở thành một trong những chiếc xe 4 bánh được biết tới nhiều nhất trên thế giới. 

Thiết kế xe ở giai đoạn đầu tiên giống xe kei đặc trưng của người Nhật hơn là một chiếc sedan thuần túy như các thế hệ tiếp theo. Tuy vậy, đó là phép thử cần thiết để Honda đạt được những vinh quanh sau này.

Nói một cách ngắn gọn, Honda Civic đánh dấu sự thay đổi ở bộ máy lãnh đạo thương hiệu Nhật, khi nhà sáng lập Soichiro Honda rời ghế để nhường chỗ cho thế hệ trẻ giàu sức sáng tạo và có tầm nhìn bao quát hơn.

Khi thành lập công ty cùng tên vào năm 1948, Soichiro Honda luôn đeo đuổi những cỗ máy cơ khí “hoàn mỹ” dù là xe máy hay ôtô.

Chính đam mê này khiến Honda khi đó là một bộ máy hỗn loạn, khi các dự án quan trọng, chẳng hạn chiếc xe thành phẩm đầu tiên của hãng là xe thể thao S500 (ban đầu có tên S360), bị gián đoạn do yêu cầu từ nhà sáng lập.

Nếu không có Civic, Honda có thể chỉ là hãng xe máy - Ảnh 2.

Honda S360 là xe thể thao hoàn toàn là do tầm nhìn của nhà sáng lập – Ảnh: Honda

Việc Honda theo đuổi một chiếc xe thể thao ban đầu cũng chính là do tầm nhìn của Soichiro, khi ông nghĩ rằng hình ảnh một chiếc xe thể thao sẽ giúp nâng tầm nền công nghiệp ôtô Nhật Bản.

Dù vậy, không nhiều khách hàng của họ khi đó muốn sở hữu một chiếc xe như trên.

Tới cuối thập kỷ 1960, thương hiệu Honda mong muốn ra mắt một chiếc xe hoàn chỉnh cho đại chúng thay vì xe kei của người Nhật. Soichiro Honda tất nhiên giám sát dự án này 100%, để đảm bảo tính “hoàn mỹ” đủ sức giúp mẫu xe này nói riêng và thương hiệu cùng tên nói chung vươn tầm thế giới.

Giai đoạn phát triển của mẫu xe trên bắt đầu vào năm 1967. Ông Soichiro mong muốn hệ thống làm mát của xe sử dụng khí thay vì chất lỏng như mọi xe khác trên thị trường thời đó, và đương nhiên chẳng ai trong Honda có thể cãi lời ông.

Nhà sáng lập của Honda cũng có mặt tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của họ hằng ngày để đưa ra chỉ đạo sâu sát nhất, tất cả vì một chiếc ôtô vừa ý mình.

Nếu không có Civic, Honda có thể chỉ là hãng xe máy - Ảnh 3.

Ông Soichiro Honda có mặt hằng ngày tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của họ để đảm bảo tương lai mẫu xe “hoàn mỹ” – Ảnh: Honda

Sau đó, khi đối thủ đồng hương Toyota ra mắt Corona Mark II (1968), Soichiro thay đổi thông số đề ra cho 1300 – tên gọi chính thức được chọn cho xe khi đó để không thua kém đối thủ: 94 mã lực và tốc độ tối đa 175 km/h. Thay đổi này khiến công đoạn phát triển dòng xe mới của Honda tiếp tục trì trệ.

Theo một kỹ sư Honda khi đó hồi tưởng lại, không ai dám nói không với nhà sáng lập, thậm chí một câu trả lời tiêu cực nhỏ nhất cũng không có. Họ như những “diễn viên” phải làm mọi thứ để chiều lòng đạo diễn.

Ra mắt vào năm 1959, Honda 1300 nhận được nhiều lời khen từ báo giới mảng ôtô toàn cầu nhưng về doanh số lại là một thất bại. Soichiro đã tích hợp quá nhiều thứ mình muốn vào một cỗ máy duy nhất, và dù từng yếu tố đơn lẻ có thể ấn tượng, chúng không thể kết hợp lại trơn tru để tạo ra thứ mà khách hàng mong muốn.

Thất bại của Honda 1300 để lại dư âm cay đắng cho thương hiệu Nhật. Rất nhiều kỹ sư của họ khi đó muốn Soichiro từ chức, hoặc ít nhất không can dự vào các dự án tương lai.

Khi đội ngũ đảm nhiệm một dòng xe mới của Honda bước lên sân khấu, họ hiểu rằng mình cần một dự án mới toàn diện để thay đổi nhận định tiêu cực ban đầu. Với tuổi đời còn rất trẻ (chủ yếu khi đó nằm trong nhóm tuổi 20-40), họ có một tầm nhìn khác biệt với Soichiro Honda (sinh năm 1906, khi đó đã hơn 65 tuổi).

Nếu không có Civic, Honda có thể chỉ là hãng xe máy - Ảnh 4.

Trái với 1300, Civic đã trở thành “xe của mọi nhà” đúng như mong muốn của đội ngũ phát triển – Ảnh: Honda

Quan trọng hơn, họ muốn một mẫu xe “hoàn hảo với người dùng” dù là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em, thay vì chỉ là một mẫu xe hoàn hảo với nhà sáng lập. Civic, mang nghĩa “thuộc về người dân/dân sự”, vì thế được chọn làm tên xe.

Hàng loạt thay đổi được áp dụng trên Civic so với 1300, chẳng hạn động cơ được làm mát bằng chất lỏng thay vì khí như trước. Hệ thống treo trên xe cũng được đổi từ dạng cứng thành độc lập phía sau sau khi họ quyết tâm thuyết phục (và thành công) Soichiro Honda.

Cũng từ thời điểm này, nhà sáng lập nhận ra rằng mình có thể để lại di sản của mình cho các thế hệ sau tiếp tục phát triển.

Thế hệ Civic đầu tiên ra mắt vào tháng 7-1972 tới giờ đã trở thành huyền thoại và trở thành dòng xe tương xứng với tầm vóc của Honda ở mảng xe máy trước đó.

Về phần Soichiro Honda, ông từ chức chủ tịch vào năm 1971 và chính thức nghỉ hưu vào 1973 – thời điểm hãng kỷ niệm sinh nhật thứ 25.



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button