Tesla chia sẻ trạm sạc nhằm đưa ô tô trở nên phổ biến hơn
Là hãng xe điện hàng đầu thế giới hiện nay với mạng lưới sạc xe điện rộng khắp, Tesla chiếm lợi thế độc quyền trong hệ thống sạc các loại xe của hãng.
Vẫn chưa rõ Tesla có kế hoạch thực hiện kế hoạch mở mạng lưới Supercharger ở Mỹ như thế nào, nhưng CEO Elon Musk trước đó đã nói về việc có một bộ chuyển đổi tại các trạm sạc cho những người không phải là chủ sở hữu Tesla sử dụng.
Đầu năm nay, Musk từng ám chỉ rằng Tesla sẽ bổ sung các đầu nối CCS trực tiếp tại các điểm sạc. Mới đây, trong một đoạn trích về Tesla, Nhà Trắng viết rằng sẽ thêm “thiết bị” vào các trạm Supercharger, cho phép các xe điện không phải Tesla sạc được.
Tesla hiện đang đầu tư vào Gigafactory ở Buffalo, New York, để hỗ trợ việc triển khai các trạm sạc nhanh mới để bổ sung vào mạng lưới sạc nhanh của mình. Hơn 1.600 nhân viên làm việc tại Giga New York đang sản xuất các trạm Tesla Solar Roof và Supercharger, có khả năng sạc các phương tiện lên tới 250 kW.
Tesla cũng mở rộng năng lực sản xuất các linh kiện điện tử công suất chuyển đổi dòng điện xoay chiều thành dòng điện một chiều, tủ sạc, trụ và dây cáp. Cuối năm nay, Tesla sẽ bắt đầu sản xuất thiết bị Supercharger mới cho phép những người lái xe EV không phải Tesla ở Bắc Mỹ có thể sử dụng Tesla Supercharger.
Dịch vụ sạc siêu tốc Supercharger dành cho những chiếc xe sử dụng Hệ thống sạc kết hợp (CCS) được ưa chuộng bởi BMW, hãng sản xuất Mercedes-Benz Daimler, Ford và tập đoàn Volkswagen, bao gồm Audi và Porsche. Tesla cũng đang sử dụng tiêu chuẩn CCS ở châu Âu, cho phép nhiều loại ô tô điện khác có thể sạc tại các trạm mà không cần bộ chuyển đổi đầu nối.
Ở một động thái khác, chính phủ liên bang đang chi 7,5 tỷ USD để tăng tốc cơ sở hạ tầng sạc xe điện ở Mỹ và một trong những điều kiện để đủ điều kiện nhận khoản tiền này là các trạm sạc đang được triển khai có sẵn cho xe điện từ nhiều nhà sản xuất ô tô.
VinFast có quy mô trạm sạc lớn nhất Việt Nam
Năm 2022 chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu xe điện khác nhau vào thị trường Việt Nam. Thaco đã giới thiệu mẫu xe điện Kia EV6 vào năm ngoái và dự kiến đến tay khách hàng vào khoảng giữa năm nay. Hyundai cũng tham gia vào thị trường xe điện tại Việt Nam với mẫu IONIQ 5 vừa ra mắt vào cuối tháng 4 vừa qua, mặc dù mới đưa về để thăm dò phản ứng thị trường.
Trước đó, ở phân khúc xe sang, Porsche đã đưa mẫu xe thuần điện Taycan về thị trường Việt Nam từ khá sớm, nhưng với số lượng nhỏ giọt nên mức ảnh hưởng tới thị trường là không đáng kể. Audi cũng đã giới thiệu mẫu xe điện E-tron GT.
Trong khi đó, Mercedes-Benz cũng ”nhá hàng” siêu phẩm sedan chạy điện EQS vào tháng 10 tới. Ngoài ra, các mẫu xe khác như EQE và EQB cũng có thể sớm được hãng xe Đức mang về thị trường trong nước để đón đầu xu thế.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có VinFast là hãng xe phổ thông đầu tư hạ tầng trạm sạc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2021 có khoảng 10.000 cổng sạc đã được lắp đặt và sẵn sàng đi vào hoạt động tại 62 tỉnh thành.
Trong khi Porsche đã đưa mẫu xe thuần điện Taycan dù khá sớm nhưng hãng xe này cũng mới chỉ đầu tư xây dựng trạm chủ yếu ở hai đại lý chính hãng ở TP HCM, Hà Nội và nhà riêng của khách (sở hữu Taycan) có nhu cầu.
Tương tự với trường hợp của Porsche và Mercedes. Ông Brad Kelly, tổng giám đốc Mercedes Việt Nam cho biết, hãng cũng sẽ xây trụ sạc ở một số đại lý lẫn tại nhà cho khách hàng từ tháng 10 tới để phục vụ cho việc kinh doanh chiếc EQS thuần điện. “Với trụ sạc công cộng trên đường, tuỳ vào nhu cầu và dung lượng xe điện bán ra, chúng tôi sẽ xem xét lắp đặt trong tương lai”, ông nói.
Với bài toán trạm sạc cho xe điện, hiện VinFast là hãng lớn nhất sẽ phát triển, lắp đặt 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc điện trên cả nước. Việc này nhằm hoàn thiện hạ tầng, mạng lưới trạm sạc vốn được coi là một trong yếu tố ảnh hưởng tới việc thúc đẩy quyết định mua xe của khách hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại, chỉ người dùng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast. Điều này đồng nghĩa với các mẫu xe điện của thương hiệu khác không thể sử dụng.
Quy định sử dụng trạm sạc của VinFast, bao gồm điều khoản về việc chỉ xe VinFast mới được sạc tại trạm sạc của VinFast
Mới đây, VinFast triển khai trạm sạc thế hệ mới với công suất tối đa lên tới 150kW, ngang ngửa với công nghệ sạc Supercharger thế hệ thứ 2 của Tesla. Trạm sạc công suất lớn này được cho là bước đệm của VinFast nhằm chuẩn bị cho hai mẫu SUV điện cao cấp VF8 và VF9, dự kiến sẽ giao tới người dùng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, nhận thấy nhu cầu rất lớn về bài toán trạm sạc ở Việt Nam, mới đây, Autel, một công ty nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm phụ trợ trong ngành ô tô từ Trung Quốc, đã giới thiệu tại TP.HCM trụ sạc cho xe điện kèm mục tiêu thăm dò, tiến tới bán hàng ở thị trường Việt.
Hãng này đã tìm được nhà phân phối tại Việt Nam và nói rằng, nếu có tiềm năng rõ ràng, Autel và nhà phân phối sẽ cung cấp các trụ sạc cho khách hàng cá nhân hoặc liên kết với đối tác để xây dựng các trạm sạc công cộng.
Về lý do hiện diện và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đại diện Autel nói rằng xu hướng xe điện đang phát triển nhanh trên thế giới và hãng muốn tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam. Chỉ VinFast sẽ khó phủ sóng khắp mọi miền. Sản phẩm của hãng với chuẩn sạc tương thích với hầu hết xe điện trên thị trường, sẽ giải quyết bài toán thiếu trạm sạc.
Trạm sạc là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện, cả ở khía cảnh sản xuất lẫn tiêu thụ. Lượng trạm sạc càng nhiều, phân bổ rộng ở các khu vực khác nhau sẽ giúp người dân an tâm hơn khi chuyển đổi sang loại phương tiện tương lai này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng một hạ tầng trạm sạc rộng và đồng bộ, cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành ô tô. Trong đó, tại Việt Nam, nhà nước đóng vai trò xây dựng chính sách và tìm tiếng nói chung giữa các bên, hướng đến xây dựng một mạng lưới trạm sạc liên kết với nhau.
Đây cũng là cách Mỹ và các nước châu Âu đang thực hiện. Hà Lan hiện là nước có hệ thống trạm sạc lớn nhất ở châu Âu dù không phải là thị trường tiêu thụ xe điện nhiều nhất.
Nguồn : Source link