Chưa có giải pháp hữu hiệu kìm chế đà tăng giá xăng dầu
Sau 14 lần điều chỉnh giá xăng dầu tính từ đầu năm với 6 lần tăng giá liên tiếp trong 2 tháng qua, giá xăng E5RON92 hiện đã ở mức 30.235 đồng/lít; Giá xăng RON95 tăng kỷ lục lên 31.578 đồng/lít. Cùng với giá xăng, giá các loại dầu thông dụng cũng “leo” dần lên từ 20.901 đồng/kg dầu mazut đến 26.394 đồng/lít dầu diezel.
Theo liên Bộ Công Thương – Tài chính, thời gian gần đây thị trường xăng dầu thế giới liên tục có biến động về giá, do chịu tác động bởi việc các nước châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga. Trong khi đó, tồn kho dầu thô của Mỹ vẫn ở mức thấp; nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc gia tăng…là những yếu tố đã tác động không nhỏ đến giá xăng dầu trong nước .
Để đảm bảo đáp ứng nguồn cung cũng như chi phối giá bán xăng dầu trong nước, trong các kỳ điều hành giá vừa qua, ngoài việc được hưởng lợi từ việc giảm thuế môi trường, liên Bộ cũng đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để đảm bảo giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn với mức chi Quỹ từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại. Văn bản mới từ Bộ Công Thương gửi Bộ KH&ĐT cũng khẳng định, giá xăng trong nước đang bằng mức giá bình quân thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia) nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc,…
Giá xăng RON95 tăng lên mức kỷ lục 31.578 đồng/lít từ chiều 1/6.
Nhìn nhận về mức giá cũng như tần suất tăng giá xăng dầu trong nước thời gian qua, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, không thể so sánh giá xăng dầu trong nước với những quốc gia không có xăng dầu như Lào, Campuchia; cũng không thể so với những quốc gia là “đế chế” xăng dầu như Saudi Arabia, Iran, Iraq…
“Giá xăng của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình cao. Giá xăng dầu có tiếp tục tăng, tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới trong thời gian tới cũng là điều bình thường, nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì cần có các giải pháp điều tiết cần thiết”, ông Lâm lưu ý.
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022, đại biểu Bùi Mạnh Khoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng nêu ý kiến, hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và dự báo giá xăng dầu có khả năng tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao.
Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, giá dịch vụ trực tiếp mà còn làm tăng CPI ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Vừa qua, căn cứ quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do Quốc hội quyết định.
Chính vì vậy, để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân cũng như kiềm chế lạm phát, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2002 tương tự như đối với thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị Chính phủ.
“Việc giảm một số thuế đối với xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với giá dầu thô tăng cao mà Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu dầu thô, chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này”, đại biểu Bùi Mạnh Khoa nêu giải pháp.
Tác động giảm thuế giúp giảm giá xăng dầu nhưng cũng làm thất thu ngân sách và gây nguy cơ thẩm lậu qua biên giới, không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh.
Là cơ quan điều hành thị trường xăng dầu, thời gian qua Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng liên tục cảnh báo, Quỹ BOG đang âm do đó, không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, kìm chế giá xăng dầu vẫn cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu nhưng đồng thời phải có chiến lược tiết kiệm. Cùng với đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Đó là những công cụ, dư địa để can thiệp nhằm hài hòa lợi ích các bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính biết, dư địa để điều hành giá xăng dầu vẫn còn, nhưng sẽ phải cân nhắc giữa việc giảm thu ngân sách, tác động lạm phát với kiểm soát đà tăng giá xăng. “Có thể tính tới công cụ giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường. Khi giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu dầu thô, kèm theo đó là nguồn thu từ các loại thuế, phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong nước bù lại để góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước”, ông Thỏa nêu quan điểm./.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, đặt giả thiết, nếu can thiệp giảm giá xăng dầu bằng công cụ thuế ngoài việc thất thu ngân sách còn dẫn đến mức giá chênh lệch lớn với các quốc gia lân cận, gây nguy cơ thẩm lậu mặt hàng này. Cùng với đó, khi giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng thì công cụ thuế cũng không còn hữu hiệu, đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng trong đó có xăng dầu.
Do đó, cần phải coi tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng trong thời điểm hiện nay là dầu hiệu bất thường, bởi nhiều mặt hàng dù không chịu nhiều tác động của giá xăng dầu vẫn ngang nhiên tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, nên cơ quan quản lý nhà nước nhất thiết phải tính toán được cấu thành giá sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, để thấy sự vô lý. Lấy ví dụ trong lĩnh vực vận tải, xăng dầu chiếm 40% giá trị nên nếu giá nhiên liệu tăng 10% thì giá vận tải tăng 4%. Nhưng đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, nếu tăng giá xăng dầu 10% thì khả năng tăng giá cũng chỉ 2 – 3%, không thể tăng vô lý đến 20% như hiện nay.
Nguồn : Source link