Tin Trong Nước

Làm sao cho hiệu quả?


Bộ Công an vừa xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Vấn đề này được dư luận rất quan tâm bởi nhu cầu chuyển nhượng biển số xe đẹp là có thật.

Có nên cho, tặng, bán biển số?

Nhận định về dự thảo nghị quyết của Bộ Công an, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp vì đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Theo TS Tạo, việc đấu giá biển số xe đẹp hoặc cấp biển số xe theo nguyện vọng thì trên thế giới đã làm từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa triển khai được. “Ở nước ngoài, khi lựa chọn biển số, cơ quan chức năng sẽ thu một khoản phí cao hơn cấp biển số bình thường. Nếu có nhiều người cùng đăng ký một biển số thì mới đưa ra đấu giá. Biển số đã được cấp sẽ theo cá nhân suốt đời và không được trao đổi, mua bán” – TS Tạo nói.

Đấu giá biển số xe: Làm sao cho hiệu quả?  - Ảnh 1.

Chủ nhân của chiếc ô tô này ở Nghệ An may mắn bốc thăm ngẫu nhiên được biển số đẹp 37A-999.99 Ảnh: HỮU TUYẾN

TS Khương Kim Tạo cho rằng Việt Nam nên tính tới việc sau khi được cấp biển số, nếu người sở hữu chưa có xe, chưa sử dụng biển số thì phải trả phí duy trì hằng tháng. Bên cạnh đó, cũng nên quy định thời gian được giữ biển số xe là bao lâu khi chưa có xe để tránh tình trạng mua đi bán lại hoặc trục lợi, biến tướng thành dịch vụ kinh doanh biển số xe.

Tại dự thảo, Bộ Công an đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Phương án 2: Cho phép người dân được mua bán, cho, tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể. Trong thời gian thí điểm, Bộ Công an đề xuất thực hiện phương án sử dụng biển số trúng đấu giá, chưa cho mua bán, chuyển nhượng.

Liên quan nội dung này, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 thuộc Công an TP Hà Nội, góp ý: Trên cơ sở đấu giá, người trúng đấu giá có quyền sử dụng và sở hữu. Sau khi phương tiện hết hạn lưu thông hoặc không có nhu cầu sử dụng phương tiện nữa, người trúng đấu giá có thể cho, tặng, bán biển số xe…

Tạo nguồn thu cho ngân sách

Thực tiễn cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người dân là rất lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ ra tiền tỉ để có biển số mà mình mong muốn. Vấn đề là phải có cơ chế ngăn chặn tiêu cực, lạm dụng quy trình về vận hành cấp biển số để trục lợi. Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ kiến nghị cơ quan nhà nước cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tiêu cực, không minh bạch, lợi dụng việc đấu giá làm sai lệch tính nhân văn, văn minh trong đấu giá biển số xe. “Khi đấu giá sẽ thu về cho nhà nước nguồn ngân sách rất lớn. Từ nguồn thu đó đem đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tăng văn minh giao thông và giảm tai nạn giao thông” – thượng tá Quỹ nhấn mạnh.

Góp ý về pháp lý, ThS Bùi Phan Anh – giảng viên Tổ Bộ môn Đấu giá Học viện Tư pháp – cho rằng việc đấu giá biển số xe phải coi như tài sản được đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là đấu giá tài sản nhà nước, thực hiện theo trình tự của Luật Đấu giá năm 2016. Giai đoạn 2 là đấu giá tài sản khi đã thuộc về sở hữu tư nhân thì cho người trúng đấu giá được giao dịch, chuyển nhượng.

“Nếu cho người trúng đấu giá biển số xe có quyền định đoạt biển số – mua, bán, cho… – sẽ tạo nên thị trường giao dịch, kích thích tính thị trường, càng tăng giá trị của biển số đó. Lúc đó, thông qua việc đấu giá biển số xe và thuế chuyển nhượng biển số, sẽ đem về nguồn thu cho ngân sách lớn hơn” – ThS Anh nhấn mạnh.

Nhiều nước áp dụng từ lâu

Hiện nay, nhiều quốc gia cho phép người dân trả tiền để mua những biển số xe đẹp theo mong muốn thông qua hình thức đấu giá trực tuyến hoặc trực tiếp.

Tại Malaysia, hình thức đấu giá biển số xe trực tuyến đã phổ biến từ lâu. Người mua chỉ cần đăng nhập hệ thống đấu giá biển số trực tuyến của Cục Giao thông đường bộ Malaysia để kiểm tra biển số xe mong muốn đã có chủ hay chưa. Nếu chưa, người mua phải đặt số tiền đấu giá bằng hoặc cao hơn tối thiểu 5% so với mức giá yêu cầu và không giới hạn giá trần. Quá trình đấu giá kéo dài 5 ngày và người tham gia không được rút hồ sơ trong thời gian diễn ra đấu giá. Nếu thắng đấu giá, số tiền sẽ lập tức bị trừ vào thẻ tín dụng người đăng ký hoặc ngân hàng sẽ hoàn trả số tiền trên nếu đấu giá bất thành.

Ở Canada, chủ sở hữu có thể chuyển biển số yêu thích từ xe cũ sang xe mới để tiết kiệm chi phí. Tại Singapore, Cục Giao thông Đường bộ sẽ cấp biển số xe mới miễn phí nhưng nếu người đăng ký muốn biển số theo ý thích thì phải đóng phí tham giá đấu giá tối thiểu 1.000 USD.

Ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)…, số tiền thu từ đấu giá biển số xe được sử dụng vào mục đích từ thiện, tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông.

X.Mai

Đại tá ĐỖ THANH BÌNH, Phó Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an:

Biển số “đi theo suốt cuộc đời”: Thuận lợi cho quản lý

Phương án đề xuất biển số “đi theo suốt cuộc đời” (tức cấm mua bán, trao đổi) sẽ rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cũng theo đó, hệ thống đăng ký, quản lý điện tử của lực lượng CSGT thống nhất toàn quốc sẽ thực hiện được yêu cầu này và bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.

NGUYỄN THỊ MAI, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp:

Sửa luật cho phù hợp

Biển số xe được coi là tài sản quy định theo khoản 7 điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Nếu coi biển số xe là tài sản công thì việc bán đấu giá sẽ theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá.

Về đề xuất biển số trúng đấu giá “đi theo suốt cuộc đời”, cần sửa luật cho phù hợp, nếu không sẽ gặp vướng mắc, bởi Luật Giao thông đường bộ hiện hành cấm mua bán mặt hàng này. Quyền của người đấu giá như thế nào sẽ phải chờ khi nghị quyết được Quốc hội ban hành.

N.Văn ghi



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button