Kỹ Thuật & Công Nghệ

Phương pháp mới để lái xe trong phố an toàn: Không rẽ trái!


Để giảm thời gian di chuyển, mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải carbon, vào năm 2004, công ty vận chuyển UPS đã thay đổi các tuyến đường giao hàng để giảm thiểu việc lái xe rẽ trái. Mặc dù đây có vẻ là một sự thay đổi khá khiêm tốn, nhưng kết quả, không ngoài dự kiến của UPS, lại tốt không ngờ với chúng ta: Công ty tuyên bố rằng mỗi năm, việc chỉ rẽ phải và đi thẳng giúp họ tiết kiệm được 10 triệu gallon nhiên liệu, 20.000 tấn khí thải carbon và cho phép giao thêm 350.000 kiện hàng.

Phương pháp mới để lái xe trong phố an toàn: Không rẽ trái! - Ảnh 1.

Các xe giao hàng của UPS hầu như chỉ đi thẳng và rẽ phải. Ảnh: Car Advice

Nếu chính sách chỉ rẽ phải hiệu quả như vậy với UPS, các thành phố có nên tìm cách loại bỏ việc rẽ trái ở các giao lộ không? Vikash V. Gayah nói rằng có, lái xe trong thành phố sẽ an toàn hơn khi chỉ rẽ phải.

Là một giáo sư về kỹ thuật giao thông tại trường Penn State, Gayah đã nghiên cứu luồng giao thông đô thị và an toàn giao thông gần một thập kỷ. Một phần trong đó là tập trung vào cách tổ chức và quản lý phân luồng trong thành phố. Hóa ra, việc hạn chế rẽ trái tại các giao lộ có tín hiệu giao thông cho phép giao thông di chuyển hiệu quả hơn và an toàn hơn.

Tại sao rẽ trái lại tệ như vậy?

Giao lộ rất nguy hiểm vì chúng là nơi xe hơi, thường di chuyển rất nhanh và theo nhiều hướng khác nhau, phải băng qua đường. Khoảng 40% tổng số vụ va chạm xảy ra tại các giao lộ, bao gồm 50% các vụ va chạm liên quan đến thương tích nghiêm trọng và 20% trong số đó liên quan đến tử vong. Tín hiệu giao thông giúp mọi thứ an toàn hơn bằng cách chỉ dẫn cho các phương tiện biết khi nào có thể di chuyển. Nếu không có đường rẽ trái, hướng dẫn có thể rất đơn giản: Ví dụ: hướng bắc nam có thể di chuyển trong khi hướng đông tây bị dừng và ngược lại. Khi người lái xe rẽ trái, họ phải băng qua dòng xe ngược chiều, điều này làm cho các giao lộ trở nên phức tạp hơn nhiều.

Phương pháp mới để lái xe trong phố an toàn: Không rẽ trái! - Ảnh 2.

Từ lâu việc phân luồng giao thông đã là nỗi đau đầu của các thành phố.

Một cách để rẽ trái là để các phương tiện chờ cho đến khi xuất hiện một khoảng trống trong dòng xe ngược chiều. Tuy nhiên, điều này có thể nguy hiểm vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào người lái xe để rẽ trái một cách an toàn. Và ai cũng biết cảm giác khó chịu như thế nào khi bị kẹt sau một chiếc xe đang chờ rẽ trái trên một con đường đông đúc.

Một cách khác để cho phép rẽ trái mà một số con phố lớn ở Việt Nam đã áp dụng là dừng xe đang ngược chiều và cho xe rẽ trái có mũi tên màu xanh lá cây riêng. Điều này giúp lái xe trong thành phố an toàn hơn nhiều, nhưng giờ đây, thời gian đèn đỏ ở các hướng chờ cũng dài hơn nhiều, giao thông cũng chậm lại đáng kể. Cảm giác khó chịu không hề được giảm bớt.

Trong cả hai trường hợp, việc rẽ trái vẫn hết sức nguy hiểm. Khoảng 61% các vụ va chạm xảy ra tại các giao lộ liên quan đến việc rẽ trái.

Việc loại bỏ rẽ trái sẽ cải thiện lái xe trong thành phố như thế nào?

Các nhà nghiên cứu giao thông đã đề xuất nhiều chiến lược tín hiệu sáng tạo và cấu hình nút giao thông phức tạp để rẽ trái an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nhưng một giải pháp đơn giản hơn có thể là tốt nhất: Hạn chế rẽ trái ở các giao lộ, hay chỉ rẽ phải!

Phương pháp mới để lái xe trong phố an toàn: Không rẽ trái! - Ảnh 3.

Nhiều thành phố đã áp dụng chính sách hạn chế rẽ trái. Cũng có những mặt trái, nhưng dường như ích lợi vẫn lớn hơn. Ảnh: Unsplash

Một số thành phố đã bắt đầu hạn chế rẽ trái để cải thiện sự an toàn và phân luồng giao thông. San Francisco, Salt Lake City, Birmingham, Alabama, Wilmington, Delaware, Tuscon, Arizona, nhiều địa điểm ở Michigan, và hàng chục thành phố khác ở Mỹ và trên thế giới đều hạn chế rẽ trái theo nhiều cách khác nhau.

Tất nhiên, việc chỉ rẽ phải cũng có mặt trái của nó. Nếu không rẽ trái, quãng đường lái xe trong thành phố có thể dài hơn. Chẳng hạn, nếu như trước đây bạn chỉ cần rẽ trái qua một con phố đông đúc là đến cửa nhà thì nay, bạn có thể phải rẽ phải ba lần liên tiếp.

Tuy nhiên, nghiên cứu mà Gayah công bố năm 2012 bằng cách sử dụng mô hình toán học và năm 2017 bằng cách sử dụng mô phỏng giao thông cho thấy khi việc loại bỏ rẽ trái trên mạng lưới đường phố dạng lưới, thì người lái xe trong thành phố chỉ mất thêm một lần rẽ và bù lại, họ được hưởng lợi nhờ luồng giao thông thông suốt hơn.

Chính sách chỉ rẽ phải áp dụng được ở đâu?

Rất khó để loại bỏ hoàn toàn rẽ trái trong thành phố. Tại một số giao lộ, rẽ trái không gây ra vấn đề gì. Chẳng hạn, những ngã tư “vắng tanh như chùa Bà Đanh”, cấm rẽ trái là hoàn toàn không cần thiết. Nhưng nếu thành phố muốn loại bỏ rẽ trái ở một số giao lộ thì nên chọn giao lộ nào?

Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu của Gayah đã phát triển các thuật toán sử dụng mô phỏng giao thông của một thành phố để xác định nơi hạn chế rẽ trái sẽ cải thiện mức độ an toàn và lưu lượng giao thông nhiều nhất.

Phương pháp mới để lái xe trong phố an toàn: Không rẽ trái! - Ảnh 4.

Tất nhiên không phải ở giao lộ nào cũng cần cấm rẽ trái. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những tiêu chí để chọn là lưu lượng giao thông tại giao lộ đó. Ảnh: Unsplash

Câu trả lời phụ thuộc vào cách bố trí đường phố, nơi các phương tiện xuất phát và đi đến, và lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian đông đúc nhất. Theo mô hình nghiên cứu, có một mẫu số chung mà các nhà quản lý giao thông đô thị có thể tham khảo: Hạn chế rẽ trái tại các giao lộ đông đúc ở trung tâm hiệu quả hơn là các giao lộ vắng vẻ xa trung tâm.

Điều này là do giao lộ càng đông đúc, càng có nhiều người được hưởng lợi từ luồng giao thông thông suốt. Các nút giao thông trung tâm này cũng có xu hướng có sẵn các tuyến đường thay thế để giảm thiểu khoảng cách di chuyển khi bị hạn chế. Cuối cùng, ít ô tô có xu hướng rẽ trái hơn tại các giao lộ trung tâm này nên tác động tiêu cực của việc bỏ rẽ trái là tương đối nhỏ.

Vì vậy, lần tới khi lái xe trong thành phố và bạn đang bị kẹt xe phía sau một người chờ rẽ trái, thì có một cách tốt hơn là chờ trong sự vực dọc. Câu trả lời rất đơn giản: Hãy rẽ phải!



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Leave a Reply

Back to top button