Tôi yêu Việt Nam, tôi sẽ không sản xuất ở quốc gia nào khác Việt Nam
Phần tiếp theo của tập 3 Shark Tank mùa 4 , phát sóng tối ngày 16/5 đón chào startup đặc biệt – “ông Tây” Robert Thorwath – CEO, Founder Lock Cuff , một người rất yêu Việt Nam và đã sống tại Việt Nam 6 năm. Ông đến Shark Tank để giới thiệu một loại khóa chống trộm xe máy được kết hợp giữa còng tay với một cái khóa.
Sản phẩm này có công dụng khóa chặt dây phanh và tay ga với nhau, cho dù có cắt dây phanh, xe cũng không chạy được vì không thể vặn tay ga. Ngoài ra, người dùng có thể yên tâm khóa mũ bảo hiểm vào khóa này vì nếu không có chìa sẽ không gỡ mũ ra được.
Chiếc khóa này giúp người dùng không bị bẩn tay và chị em phụ nữ không bị bất tiện mỗi khi mặc váy ngắn lại phải cúi xuống mở khóa như các loại khóa khác. Dù mới được đưa ra thị trường từ ngày 3/3/2021 nhưng 500 chiếc khóa được Lock Cuff sản xuất ra đã bán hết hàng với giá 275.000 đồng/chiếc.
Chia sẻ thêm về khóa chống trộm, Robert cho biết sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế. Chiếc khóa chống trộm này rất thân thiện với môi trường. Nó được đựng trong một cái túi xanh, có thể tự phân hủy hoàn toàn.
Quá trình sản xuất cũng không có bất kỳ chất thải nào. Toàn bộ nguyên vật liệu, từ miếng lót cao su đến những kim loại chính của chiếc khóa đều được sản xuất tại Hà Nội và đều có thể tái chế. Việc cắt laser và việc sản xuất miếng nhựa đều được làm tại Việt Nam.
“Ông Tây” Robert Thorwath.
“Có một điều mà tôi có thể nói rất tự hào, đó là tôi yêu Việt Nam, Vợ và con tôi đều là người Việt nên tôi sẽ không sản xuất nó ở một quốc gia nào khác Việt Nam” – Robert Thorwath khẳng định.
Nhận thấy sự hấp dẫn của sản phẩm mà startup lại chưa đề nghị gọi vốn, Shark Phú đưa ra thế mạnh của mình với nhà xưởng, máy móc, hệ thống bán hàng sẵn có và hỏi Robert: “Anh cần tôi đầu tư bao nhiêu nếu tôi có thể hỗ trợ anh mọi thứ?”
Nhà sáng lập Lock Cuff cho biết mình chưa từng nghĩ về điều này. Mục tiêu của ông khi đến với Shark Tank là tìm một người có thể sản xuất chiếc khóa này. Nhưng vì biết Shark Phú đã có sẵn máy móc, ông đề nghị 2 tỷ cho 10% cổ phần.
Shark Phú đề nghị đầu tư 2 tỷ cho 30% cổ phần và thuyết phục “Anh có những thứ khác, cũng giống như tôi có toàn bộ nhà máy để làm cho anh. Tôi có hệ thống bán hàng và tất cả những người có thể quản lý các loại chi phí có thể cần trong tương lai”. Shark Phú khẳng định thêm “Nếu chúng ta hợp tác, anh không cần đầu tư gì cả”.
Bị thu hút bởi tiềm năng của sản phẩm, Shark Bình cũng “tham chiến” bằng thế mạnh của mình. Shark phân tích cái mà Robert cần lúc này là bán hàng và tiếp thị sao cho hiệu quả nhất, mà đó chính là thương mại điện tử. Shark Bình khẳng định có thể giúp Robert bán hàng trên toàn Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Do đó, Shark đề nghị đầu tư 100.000 USD và nhận 2 USD phí nhượng quyền trên các sản phẩm bán ra cho đến khi thu được lợi nhuận là 1 triệu USD. Sau đó, mỗi sản phẩm bán được Shark sẽ thu 0,5 USD. Ngoài ra, Shark Bình có thể quẹt thẻ đặt cọc 10% ngay lập tức. “Khi hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ trở thành triệu phú” – Shark Bình hứa hẹn.
Ấn tượng với việc Robert để ý chi tiết đến phụ nữ, Shark Liên đồng ý đề nghị 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần, không có bất kỳ điều kiện gì cả. Shark Liên thuyết phục thêm rằng tiếng nói, thương hiệu của Shark sẽ giúp khóa chống trộm Lock Cuff được nhiều phụ nữ sử dụng.
Quyết không bỏ lỡ startup, Shark Bình nhắc lại đề nghị đầu tư 100.000 USD lấy 0% cổ phần nhưng chia sẻ lợi nhuận như một đối tác. Shark Bình nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng, tôi sẽ đặt cọc 10% ngay bây giờ. Tôi là Shark duy nhất có hệ sinh thái thương mại điện tử”.
Lo ngại về việc phát triển mô hình kinh doanh bởi Chính phủ không khuyến khích phát triển xe máy, Shark Việt không đầu tư. Shark Hưng cũng từ chối đầu tư vì không có lợi thế hỗ trợ.
Startup Lock Cuff về đội Shark Phú.
Lúc này, Shark Phú nhắn nhủ CEO Lock Cuff: “Hãy chú ý, sau lưng chúng ta có một hệ thống rất lớn từ xưởng tới 2.000 nhân công, máy móc và thiết bị. Mọi máy móc, mẫu, phương pháp có thể phát triển cái này cho anh dễ dàng”.
Dù hứng thú với thế mạnh về thương mại điện tử của Shark Bình nhưng cuối cùng Robert đã chọn Shark Phú với đề nghị 2 tỷ cho 10% cổ phần và giải thích:
“Với tôi điều quan trọng nhất vẫn là nhà máy. Tôi đi cùng Shark Phú bởi vì vấn đề này cần phải được tháo bỏ và tôi sẽ được hỗ trợ bởi một nhà máy từ bên trong”, CEO Lock Cuff chia sẻ.
Nguồn : Source link