Thêm phụ kiện cho ô tô, lợi bất cập hại
Nhiều chủ xe những ngày gần đây rục rịch đưa xe đến các cơ sở dịch vụ “làm đẹp” để độ thêm phụ kiện hoặc chế lại một số chi tiết… chuẩn bị chơi Tết. Năm nay, nhiều người tranh thủ làm sớm hơn mọi năm do lo ngại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và để né dịp gần sát Tết, các cơ sở sửa chữa thường tăng giá, làm ẩu.
Nguy cơ cháy nổ
Ông Lý Minh Tuấn, chủ garage ô tô trên đường An Dương Vương (quận 5, TP HCM), cho biết một trong những dịch vụ được các chủ xe ưa thích là gắn thêm bộ body kit (thiết bị bọc bên ngoài xe). Ngoài ra, nhiều chủ xe còn yêu cầu tạo hệ thống thông gió (hốc gió) làm mát động cơ và hệ thống phanh, hoặc thiết kế hốc giả cho xe “ngầu” hơn. Tuy nhiên, việc này buộc phải can thiệp vào thân vỏ xe, có thể gây bào mòn lớp sơn.
“Chủ xe cũng thường yêu cầu bọc trần bằng ni-lông, simili (chất liệu da nhân tạo) để giữ sạch trần nhưng sẽ phần nào làm giảm khoảng cao trần xe, gây ngột ngạt. Ngoài ra, việc sử dụng ốp chén ở tay nắm cửa bằng inox để chống trầy xước cũng không cần thiết vì kim loại này cũng sẽ tác động vào lớp sơn. Tương tự, việc gắn thêm ron viền cửa sẽ khiến lớp sơn viền cửa bị phá hủy. Hay như lót thảm chống nắng trên capo sẽ tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào gây mùi hôi, che lắp hộc máy lạnh, túi khí” – ông Tuấn liệt kê hàng loạt yêu cầu quen thuộc của khách hàng khi đến làm dịch vụ làm đẹp cho xe.
Dịch vụ gắn thêm phụ kiện cho ô tô dịp cuối năm khá đắt khách
Đáng lưu ý, một số chủ xe yêu cầu gắn cánh gió vào cốp giúp xe lướt gió tốt hơn và tạo cảm giác như xe đua. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng cánh gió lắp thêm đa phần không phù hợp với thiết kế của xe và vô tình trở thành vật cản gió, ảnh hưởng đến kết cấu cốp xe và tạo cảm giác cồng kềnh. “Những chiếc xe có hiệu suất cao thường được áp dụng các giải pháp khí động học nhằm giữ cho xe bám trên mặt đất khi đang chạy ở tốc độ cao. Giải pháp đó bao gồm bộ giảm chấn không khí, ống gió đặc biệt và cánh gió. Đối với xe thông thường, gắn thêm cánh gió không giúp ích được gì mà còn gây hại” – ông Tuấn lý giải thêm.
Các cơ sở độ xe cũng thường nhận được yêu cầu gắn thêm tủ lạnh mini để dự trữ đồ ăn, uống. Tuy nhiên, giới độ xe cho rằng thiết bị này làm xe tiêu hao nhiều nhiên liệu, tổn hại đến bình ắc quy.
Dịch vụ gắn thêm hoặc thay đổi đèn cũng được nhiều chủ xe lựa chọn. Rủi ro của việc này là nếu thợ có tay nghề yếu, đấu dây không chuẩn thì nguy cơ chập cháy có thể xảy ra, làm hư hại hệ thống điện trên xe, khiến xe báo lỗi không rõ nguyên nhân và khó khắc phục. Gắn thêm camera 360 độ, cảm biến, camera hành trình… cũng dễ gây chập điện nếu đấu nối điện không đúng kỹ thuật.
Tốn kém
Dân độ xe gần đây truyền tai nhau về một loại chip có giá bán khoảng 800.000 đồng lắp đặt vào hệ thống đánh lửa giúp tiết kiệm nhiên liệu của động cơ từ 10% trở lên. Theo giới thiệu, thiết bị này có chức năng cân bằng hệ thống điện của xe, giảm sức ép cho động cơ và tăng phạm vi di chuyển. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến đâu vẫn chưa được kiểm chứng.
Không ít chủ xe được các cơ sở dịch vụ độ xe tư vấn thay lọc gió chuyên dụng giúp mã lực tăng đáng kể để xe “bốc” hơn. Đây là những chiếc lọc gió có thiết kế khá lớn, gần giống thiết kế cho xe thể thao và mức giá cũng không hề rẻ, khoảng 6 triệu đồng/chiếc.
Đặc biệt là dịch vụ lập trình lại công suất máy. Ông Hiền, nhân viên kỹ thuật tại một garage ô tô ở quận 10 (TP HCM), giải thích mỗi mẫu xe xuất xưởng đều công bố thông số ở ngưỡng an toàn. Song, thực tế, mỗi xe khi vận hành đều có thể vượt ngưỡng an toàn. Để công suất xe mạnh lên, cần xâm nhập vào hệ điều hành trên xe để tinh chỉnh phần mềm vận hành ECU, ví dụ hiệu chỉnh tỉ lệ xăng gió, bơm nhiên liệu, thời điểm đánh lửa, tăng áp, độ trễ chân ga… Nhân viên kỹ thuật sẽ mở thêm giới hạn công suất, mô-men xoắn của động cơ, vòng tua, loại bỏ giới hạn tốc độ điện tử mà nhà sản xuất đã cài đặt sẵn… để thay đổi hoàn toàn lập trình công suất máy. Tuy nhiên, việc nâng cấp phải cân nhắc để phù hợp với giới hạn độ bền của các chi tiết cơ khí. “Với những xe sử dụng động cơ tăng áp thì tiềm năng khai thác thêm công suất có thể tăng khoảng 10% so với công suất công bố của nhà sản xuất, còn xe sử dụng động cơ hút khí tự nhiên thì chẳng tăng được bao nhiêu. Khi can thiệp vào ECU, người ta sẽ chú trọng nâng cao mô-men xoắn ở dải vòng tua thấp nhằm tạo cảm giác chiếc xe “bốc” ở ga đầu. Còn ở dải vòng tua trung bình và vòng tua cao thì tập trung vào nâng công suất để giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa” – ông Hiền giải thích thêm.
Trước nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến xe, ông Trần Thanh Nam, chủ garage ô tô ở quận 2 (TP HCM), khuyến cáo không nên can thiệp vào thông số kỹ thuật của hãng xe bởi nhà sản xuất luôn có tính toán chi tiết về vận tốc, an toàn, độ bền. Nếu điều chỉnh tăng áp suất lên mức cao, nhiều khả năng sẽ dẫn đến nổ bộ tăng áp hoặc gây khó kiểm sát động cơ, tiêu hao nhiên liệu, giảm tuổi thọ, thậm chí bị giật điện. “Một dịch vụ khác là lắp thêm cảm biến chân ga giúp xe chạy “bốc” hơn cũng thường được chủ xe quan tâm nhưng thực tế, đây chỉ là thủ thuật tạo cảm giác. Nhà sản xuất thiết kế chân ga khi đạp sẽ có độ trễ nhất định, trong khi lắp đặt cảm biến này sẽ loại bỏ được độ trễ, đạp nửa ga là vận tốc đã được đẩy lên hết 100%. Bỏ vài triệu đồng để lắp cảm biến vừa tốn kém vừa không có ích lợi gì” – ông Hiền nhìn nhận.
Đại lý “hét” giá phụ kiện
Ông Lê Minh Hùng, chủ garage ở quận 6 (TP HCM), phản ánh tình trạng khách hàng mới mua xe lần đầu thường được đại lý mời chào khách mua phụ kiện, với giá cao hơn bên ngoài gấp nhiều lần. Với tâm lý tin tưởng phụ kiện được đại lý bán là hàng chính hãng theo xe nên không ít khách đã “xuống tiền”. Chẳng hạn, phim cách nhiệt cũng được đại lý “thổi” giá đến hơn 8 triệu đồng, trong khi bên ngoài có giá chưa tới 4 triệu đồng; miếng inox ốp vào tay nắm cửa , ốp nắp bình xăng… có giá bán tại đại lý là 2 triệu đồng, còn giá bên ngoài chỉ vài trăm ngàn đồng… Ông Hùng cho rằng việc lắp phụ kiện vào xe là không cần thiết, chưa kể nhiều đại lý tiêu thụ hàng không chính hãng, nếu lắp vào xe sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn.
Nguồn : Source link