Thử đặt taxi công nghệ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm sau khi phân làn, cả hành khách lẫn tài xế đều có nhiều tâm tư!
Dạo gần đây, báo chí và mạng xã hội đang rất quan tâm về việc phân làn xe ô tô đón khách tại Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể thì hiện tại, sân bay đang phân thành 4 làn A, B, C, D để đưa và đón hành khách. Trong đó, làn A gần với sảnh sân bay nhất, dành cho việc đưa khách đến sân bay; làn B và C là làn xe đón khách không kinh doanh, ví dụ như xe gia đình, xe công ty…; còn làn D là dành cho xe taxi – những hãng xe đã đăng kí nhượng quyền với cảng.
Vậy còn các trường hợp xe kinh doanh nhưng không phải taxi – hay gọi thẳng là taxi công nghệ thì sao? Hành khách muốn bắt xe công nghệ, họ sẽ phải lên các tầng 3, 4 và 5.
Vấn đề này đã và đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Mới đây, nhân một chuyến bay đêm muộn, bản thân tôi đã có dịp trải nghiệm việc đón xe taxi công nghệ – điều được mọi người lựa chọn khá nhiều khi đi từ Sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố.
Tuy đã được “cảnh báo” trước nhưng khi từ sảnh bước ra tôi vẫn khá bất ngờ khi làn A, B, C bình thường chen chúc nhau, đông nghịt người thì nãy bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường. Lúc này, tôi đã đặt một chuyến GrabCar vào lúc 11:36 PM, ứng dụng báo cao điểm và chuyến xe của tôi có giá 130.000 đồng, kèm mã giảm giá nên chỉ còn 98.000 đồng.
Nếu như bạn đang thắc mắc tại sao màn hình lại hiện 123.000, đó là bởi tôi phải mất thêm cho tài xế 25.000 tiền bãi đỗ thay vì 10.000 ra vào bến như trước đây (việc này sẽ được bên Grab báo cho bạn trong tin nhắn, và hiện tại Grab đang có mã giảm 25.000 cho các chuyến xe đi về từ Tân Sơn Nhất).
Sau khi đã book được xe, tôi sải bước qua 4 làn đường và dừng lại ở thang máy để đi lên tầng 4 – nơi được tài xế Grab hẹn đón. Theo quan sát của tôi thì hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có 2 thang máy, mà số lượng khách lại khá đông.
An ninh tại sân bay có chia ra 1 thang dành cho khách không sử dụng xe đẩy và 1 thang dành cho khách dùng xe đẩy để có thể đưa được khách lên tầng nhanh hơn. Tuy nhiên, lượng hành lý của mọi người khá nhiều và một thang thường chỉ chứa được 3 xe nên vẫn… tắc cứng.
Vì số lượng hành khách đáp chuyến bay và xếp hàng là khá dài, nên đã có rất nhiều người không chờ được thang và quyết định… vác hành lý leo bộ 3 tầng. Bản thân tôi cảm thấy khá vất vả khi đã gần nửa đêm, hành lý thì nhiều mà còn phải chờ đợi khá mệt mỏi. Khi đã đón được anh taxi Grab thì cũng phải vòng vèo xuống tầng nữa mới đến được cổng, cực kì phức tạp.
Lúc lên xe, tài xế Grab cũng tỏ ra khá bức xúc về vấn đề này: “Tự dưng phân làn vậy rắc rối ghê, giờ muốn đón khách mà phải vòng vèo quá trời. Lại còn tốn thêm 25.000 tiền phí nữa, có nhiều người vì không muốn tốn phí mà các hành lý ra cổng rồi mới vẫy xe nữa. Đêm mát mẻ ôm đồ nhìn đã mệt, sáng nắng đón khách nhìn họ ôm đồ cực ghê.”
Vì cũng không hiểu lắm nên tôi có hỏi anh về việc sao không… giả làm xe cá nhân đón người nhà để có thể đỗ ở các làn B, C đón khách thì anh có tâm sự thêm: “Không được đâu em ơi, trước xe có tấm biển ‘Xe hợp đồng’, rồi còn tem trên xe, rồi còn cả dòng chữ ‘Tính mạng con người là trên hết nữa’… không có là bị phạt ngay 4 triệu đồng đó em. Với cả giờ xe anh còn biển trắng, chứ năm sau bắt buộc xe kinh doanh phải chuyển biển vàng rồi mà.”
– Đi taxi công nghệ: Giá tiền + thêm 25.000 phí
– Đi taxi truyền thống: Giá đã bao gồm phí
– Ưu điểm của việc đi taxi công nghệ:
+ Biết trước giá tiền;
+ Rẻ hơn một chút nếu có khuyến mãi;
+ Đặt xe khá nhanh và có thể trao đổi trước với tài xế qua app;
– Nhược điểm của việc đi taxi công nghệ:
+ Phải chờ thang máy hoặc đi bộ;
+ Không phù hợp với người có nhiều hành lý;
+ Phải đón xe xa thay vì được điều xe trực tiếp;
+ Mất phí cao hơn so với taxi truyền thống;
Theo trải nghiệm của tôi thì nếu bạn ít đồ, không quá vội vàng và app xe công nghệ của bạn có mã giảm giá thì hẵng đặt xe, vì tính ra bạn đã mất thêm 15.000 so với xe taxi thường về phí rồi. Còn nếu bạn đáp những chuyến bay muộn, nhiều hành lý thì nên ra ngay làn D để được điều phối cho một chiếc xe ngay và luôn, không mất thời gian chờ đợi.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn : Source link