Chiếc Tesla Elon Musk phóng lên vũ trụ vừa bay ngang Sao Hoả lần đầu tiên sau 2 năm rời Trái đất
Chiếc xe hơi điện mà Elon Musk phóng vào không gian hơn 2 năm trước vừa lần đầu tiên bay ngang qua Sao Hoả.
SpaceX, công ty tên lửa do Musk sáng lập, đưa chiếc xe hơi thể thao Tesla Roadster của ông lên vũ trụ bằng tên lửa Falcon Heavy vào tháng 2/2018 với một hình nộm mang trang phục phi hành gia tên “Starman” ngồi sau vô-lăng.
Chiếc xe này còn mang theo một mô hình đồ chơi Hot Wheels của chính nó, tất nhiên cũng bao gồm một anh chàng Starman tí hon bên trong. Hộc đồ của xe có một bản sao của cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Foundation” viết bởi Isaac Asimov và “The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy” viết bởi Douglas Adams, cùng với một chiếc khăn và một bảng hiệu có dòng chữ “Don’t Panic” (đừng hoảng sợ). Loa trên xe thậm chí còn phát ra bài “Space Oddity” của David Bowie nữa.
Kể từ thời điểm đó, tầng hai của tên lửa đã trôi tự do trong không gian bởi không có nhiên liệu cung cấp cho bộ phận tạo lực đẩy, cùng chiếc xe hơi đỏ của Musk nằm bên trên.
“Nó là một tầng tên lửa với một vật trang trí nhỏ gắn trên đầu” – Jonathan McDowell, một nhà thiên văn tại Trung tâm vật lý vũ trụ Havard-Smithsonian, nói. McDowell đã tự mình đo đạc đường bay của chiếc Tesla khi nó băng qua Sao hoả.
Chiếc Tesla này lẽ ra sẽ đi vào quỹ đạo hình tròn giữa Sao Hoả và Mặt trời. Nhưng không hiểu vì sao, nó cuối cùng lại đi thành hình elip (hình oval), khiến nó bay xa khỏi quỹ đạo Sao Hoả, hướng đến vành đai thiên thạch (Asteroid Belt) và hoàn thành một vòng quỹ đạo sau mỗi 557 ngày. Đường bay của xe đã đưa nó ngang qua quỹ đạo của Sao hoả một lần trước đây, nhưng vào thời điểm đó, hành tinh này không nằm gần vị trí mà Starman giao nhau với đường đi của nó.
Chiếc Tesla của Musk lần đầu tiếp cận gần với Sao hoả vào 2:25 pm giờ ET hôm thứ tư vừa qua, vượt qua hành tinh đỏ khoảng 7,4 triệu km – theo tính toán của McDowell.
Cả Tesla lẫn tầng tàu Falcon Heavy gắn với xe đều không gửi tín hiệu về Trái đất, do đó McDowell đã tính toán đường đi của nó từ dữ liệu cuối cùng nó để lại Trái đất. Anh đã sử dụng cùng dữ liệu trọng lực mà NASA sử dụng để điều khiển các tàu không gian của mình.
“Đó là một kết quả ngoại suy khá chính xác, bởi chúng ta hiểu về trọng lực khá rõ” – McDowell nói. “Điều duy nhất có thể gây ra sai số là thứ mà chúng tôi gọi là quá trình thải khí: nếu có nhiên liệu thừa, hoặc nếu lớp sơn ở khung xe bị tróc ra, thì chúng sẽ giống như một quả tên lửa nhỏ đẩy xe về phía trước. Nhưng điều đó cũng không thay đổi mọi thứ nhiều cho lắm“.
Nhưng Starman không thể quan sát được cận cảnh bề mặt Sao Hoả. Theo phép tính của McDowell, ở khoảng cách nói trên, hành tinh sẽ có kích cỡ bằng khoảng 1/10 kích cỡ Mặt trăng như khi chúng ta nhìn từ Trái đất.
“Nếu bạn thực hiện một sứ mệnh bay ngang qua, thì đó sẽ được xem là một thất bại. Bởi khoảng cách là quá xa để chụp được ảnh đủ dùng” – McDowell nói. “Bạn có thể thấy Sao Hoả hình tròn kìa“.
Nhưng anh nói thêm rằng “thật thú vị khi nó tiến gần đến thế”
Xe của Musk dự kiến sẽ băng ngang qua Trái đất vào ngày 5/11, cách khoảng 52 triệu km. Cuối cùng nó sẽ băng ngang qua Sao Kim và Sao Thuỷ.
Một thời gian ngắn sau khi chiếc Tesla Roadster được phóng lên, 3 nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto đã tính toán rằng xe sẽ lướt trong không gian cho đến khi nó đâm vào Trái đất, Sao Kim, hoặc Mặt trời đâu đó trong….10 triệu năm nữa.
Tham khảo: BusinessInsider
Nguồn : Source link